Đó là những người lao động bình thường mưu sinh ở Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận)- một điểm du lịch nổi tiếng cả nước. Bởi thế họ cũng sống bằng khách du lịch và mỗi người đều có những câu chuyện riêng.
Q “xe ôm”
Có nhiều dịp đi công tác xa, người mà tôi hay gặp nhất và có khi thân quen nhất là xe ôm. Bao giờ cũng thế, đến địa phương nào tôi cũng tìm cho mình một xe ôm để rồi “cặp kè” với anh ta suốt những ngày lưu trú. 4 ngày ở Mũi Né, người xe ôm chở tôi đi hàng ngày là Q.
Mặt mũi láu lỉnh, người nhỏ thó, da ngăm đen, Q có vẻ ngoài của một dân nhậu thứ thiệt. Nhưng lon bia đưa ra, Q nhìn vẻ thèm thuồng rồi lắc đầu: “Em chịu. Ngày trước em uống thả phanh, nhưng giờ thì thôi!”.
Lý do là Q đã phải vào viện mổ tay sau một trận hỗn chiến với một đám dân ở Phan Thiết. Người bạn Q bị vây đánh, Q xông vào can thiệp là lập tức dính đòn.
< Q với con “chiến mã” của mình.
“Em mổ xong lúc xuất viện làm ngay một ly càphê đen không đường, thế là ngất ngay lại phải vào cấp cứu. Sau đó, đã ba năm qua, em không uống rượu bia được. Uống vào là em nhức mỏi chân tay, ngủ cả ngày. Bữa trước em qua nhà bạn uống mấy chai mà nằm ngủ từ tối trước đến chiều hôm sau, người đau nhức”.
Tôi hỏi Q: Em có xử lại thằng chém gãy tay em không?
Q cười: “Có. Nhưng phải một năm sau, em mới trả thù. Kêu 4 thằng đến nhà nó, hỏi má nó kêu nó ra. Em ra tay liền, bạn em đâm nó một nhát vào bụng. Nhưng biết cách đâm nên không chết đâu, chỉ thành sẹo thôi. Công an đến trường bắt em, nhưng vì em có ông chú trong ngành nên rồi mọi chuyện cũng êm, em chỉ phải trả tiền viện phí gần 2 triệu đồng”.
Cuộc đời Q khá long đong. Học trường du lịch ở Sài Gòn, rồi đi làm phụ ở các vũ trường, quán bar, riêng quán bar Q còn làm phụ cho battender (người pha chế rượu).
Tích luỹ được một số vốn kha khá sau mấy năm Q về Mũi Né cùng với một cô vợ khá xinh người Mũi Né “vợ em xinh lắm, dân thanh niên trong xóm tán mãi không được, nó chửi em sao không lấy vợ Sài Gòn mà về đây lấy vợ Mũi Né”.
Q mở Cty lữ hành du lịch cách nhà khoảng 4km, không may là khu vực đó gần một khu công nghiệp nhiều chuyên gia Nga làm việc nên khách du lịch đến đăng ký tour ở Cty Q chủ yếu là người Nga. Tiếng Nga, Q và đám nhân viên Cty không ai biết. Thế là mấy năm tiền tích cóp đổ sông biển hết.
Q thành chạy xe ôm kiếm cơm. Ở đây khách du lịch đến đông từ tháng 11 cuối năm đến tháng 3 năm sau vì lúc đó thời tiết đẹp, không quá nóng bức để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên.
Với du khách, các địa danh du lịch ở Mũi Né và vùng phụ cận không nhiều, Hòn Rơm, Suối Tiên, đồi cát trắng, đồi cát đỏ. Đồi cát trắng xa nhất khoảng 35km từ Mũi Né đi ra. Tóm lại giá xe ôm ở đây từ 70.000-80.000đ/người cho 1/2 ngày (cả tiền ngồi chờ khách). Vậy là xe ôm có đất sống, dù mùa hè đỏ lửa cũng lao đao, chả thế mà anh chàng làm nghề chài lưới ở bãi biển gần khách sạn tôi ở gặp là hỏi ngay: Có ai đưa đi chưa? Đó là chưa kể Q còn khoe có thêm nghề hướng dẫn viên du lịch, nhưng đấy là cậu ta học mót, học hỏi từ những guuide book, tạp chí du lịch còn thực chất Q vẫn chỉ là anh chàng láu cá mà thôi!
Những “nghệ sĩ” quang gánh
Đã nghe nhiều chuyện về các nghệ sĩ nhiếp ảnh hay lên đồi cát Mũi Né thuê các chị em áo xanh, áo đỏ gồng gánh đi lại trên đồi cát vào lúc ánh sáng đẹp nhất trong ngày để tạo nên những bức ảnh “Lối về”, “Đường về”, “Mẹ con”, “Bóng mẹ bóng đời”…thi ảnh FIAP (một tổ chức nhiếp ảnh quốc tế, coi nhiếp ảnh nghệ thuật là một thú chơi tài tử) đoạt vô số giải thưởng.
< Bà Tư Tiến đang tạo dáng để chụp ảnh.
Ngay tôi vừa mới lên đây đã được anh chàng tên Hùng – Quản lý KS Hải Gia kể say sưa về những nghệ sĩ nhiếp ảnh đó. Có anh mê chụp hình đến độ, không nói một đề tài gì khác ngoài nhiếp ảnh, sống bằng nghề chụp đám ma, đám cưới tình cờ bị “sư phụ”, “sư thúc” hút hồn thế là đi theo “săn bắt con nghệ thuật”. Anh ta đưa cả hai mẹ con lên đồi cát mờ sáng canh đúng hướng mặt trời mọc, rình công phu sao cho hai mẹ con lọt vô đúng mặt trời đỏ mới bấm máy. Kỳ công đến thế là cùng.
Và dân địa phương không lạ gì những nghệ sĩ đó, thế nên câu cửa miệng họ nói với tôi là “chụp ảnh thi, ảnh triển lãm phải không? Thậm chí một nhà sư ở chùa gặp tôi còn hỏi ngay: Anh săn ảnh vào Nam ra Bắc suốt phải không, đã đoạt giải ảnh quốc tế nào chưa?
Tôi thuê xe ôm lên đồi cát trắng (Bàu Trắng), đúng lúc gặp anh nghệ sĩ thuê hai bà áo đỏ cánh sen đi chụp. Tạt vào một nhà dân, tôi ngỏ ý nhờ bà chủ thuê hộ hai mẹ con đi chụp. Bà ta “OK” ngay nhưng hỏi: Anh trả tiền họ bao nhiêu? Rồi bà nói ngay: Phải 150.000đ/hai người anh chụp trong hai giờ nhé.
Thế chụp một giờ không bớt tiền à? Hai giờ, một giờ cũng thế! Bớt đi. Lằng nhằng hồi lâu, 100 ngàn là thấp nhất. Nhưng tôi có chụp kinh doanh đâu, chụp nghệ thuật mà! Ông nào đến đây mà chả nói thế!
Xuống 80.000 không đồng ý. Tôi kéo xe ôm đi tìm nhà khác. Chị bán quán ở gốc cây dưới chân đồi cát kia có vẻ được. 80.000đ OK, để gọi thêm đứa bé gái ra. Thế là hai mẹ con hí hửng quang gánh lên đồi, mấy đứa trẻ con kêu theo: Bao nhiêu? Phải 100 đấy. Một cậu bé ở đâu chạy vù qua mặt tôi: Thuê cháu đi. 30 ngàn.
Chị chủ quán kia cũng chỉ là một người mẫu bất đắc dĩ cũng như những người khác. Nhưng bà Tư Tiến lại khác.
Bà Tư Tiến – gọi thế bởi bà tên Tư, chồng bà tên Tiến, dân ghép lại gọi thế cho tiện- bán tào phớ ở đồi cát. 3.000đ/bát tào phớ, cao điểm lắm, ngày bà bán được 60-70 bát, lãi vài ba chục ngàn. Ấy thế mà bà Tư Tiến chơi sang, xài cả điện thoại di động và đeo đồng hồ. Nhịp sống ở đồi cát đây nhộn nhịp từ 5h sáng (khách ngắm mặt trời mọc) đến gần 10h là vãn và đông trở lại vào 3h chiều đến lúc hoàng hôn. Mùa hè nóng như rang, cát nóng bỏng chân thì 11h bà Tư Tiến đã sửa soạn đi về.
Nhưng bà Tư Tiến không kiếm tiền chủ yếu bằng bán tào phớ, mà bằng nghề làm mẫu ảnh không định kỳ.
Bà có vẻ mặt “ăn ảnh” khổ khổ một tý và dễ cười, có thể cười bất cứ lúc nào khi tác giả bấm máy. Nó làm tôi nhớ đến nụ cười chất phác của bà lão nông dân bán cá trong ảnh của Hans Kemp (Hà Lan) trong các Guide book về VN. Bà khoe: Cần áo bà ba là điện thoại chồng mang lên. Bà đã từng làm người mẫu cho một đoàn làm phim của Nhật Bản lên đây quay cùng cảnh 20 cô thiếu nữ áo dài trắng trên cát. Bà đã ra bãi biển Phan Thiết quay, và công việc của bà chỉ là tạo dáng đẹp khi quẩy gánh đi. Đúng là bà Tư Tiến rất nhanh khi làm mẫu, và “cát xê” bà khoảng 50.000-60.000đ/hai giờ. May có ông khách sộp thì vài ba trăm ngàn là thường.
Bỏ học từ năm lớp 8 vì gia đình nghèo, bà Tư Tiến phụ giúp gia đình đi làm nương, làm ruộng. Rồi phụ trông con nhà hàng xóm, lớn lên đi bán tào hũ, tào phớ. 4 năm nay bắt đầu đi làm mẫu chụp ảnh – cũng từ mấy ông ở thành phố (Sài Gòn) ra chụp rồi tiện bảo nhau thế là thành quen.
Tôi hỏi bà có thấy vẻ đẹp của đồi cát không, và đẹp nhất là vào lúc nào? Bà Tư lắc đầu: Ở riết, đi riết nên thấy đồi cát vậy vậy thôi!
Thế mà bà chủ quán cơm mà tôi ăn hai hôm trước, còn biết vẻ đẹp của đồi cát: Lạ thật cứ sáng ra là cát thổi xóa bay hết những dấu chân người đi lại hôm trước. Cát bị gió thổi nhưng đồi cát vẫn y nguyên không hề suy suyển “lượng” cát, màu cát vẫn rõ ràng, màu nào ra màu nấy.
Những đứa trẻ trượt cát
Có khoảng 30 đứa bé hằng ngày mưu sinh trên mỗi đồi cát (trắng và đỏ). Chúng có nhiều điểm giống nhau: Đều bé tí bé tẹo so với tuổi đời thực, đều có những biệt danh gọi cho dễ gọi, và đều kiếm tiền bằng cách cho khách thuê ván trượt cát.
Gọi là ván thật ra là tấm mica to, cắt ra làm 4 tấm (chiều từ 30-80cm) trên 100.000đ/tấm. Bọn trẻ mỗi đứa cầm vài tấm, cho khách thuê từ 10.000 – 15.000đ/tấm trượt thoải mái. Bọn trẻ đây đều đen thui vì suốt ngày phơi nắng.
Nguyễn Ngọc Lâm, 16 tuổi bé tẹo như 12-13, biệt danh là “khỉ” vì mặt nhanh nhẹn như khỉ. Cậu ta lầm bầm, cho biết bỏ học từ năm lớp 6 vì nhà nghèo, làm ở đồi cát kiếm tiền, có mùa vắng khách, cả ngày chả có ai, bù lại mùa du lịch đông khách nên kiếm được. Nhất là gặp mấy ông nghệ sĩ chụp ảnh thì khá. Họ thuê các cậu trượt cát, thả diều và trả tiền chả kém các bà gồng gánh.
Giá cả ở Mũi Né đắt đỏ lắm, bằng 8/10 Sài Gòn. Vì khu du lịch mà. Ăn đĩa cơm phần 20.000đ, chai nước suối 6.000đ, chai bia Sài Gòn xanh 10.000đ…
Một chiếc xe ôtô khựng lại là lũ trẻ đổ xô ra, chạy theo nài du khách. Du khách nọ ngoắc hai đứa bé chạy theo để chụp hình, một đứa khác lẽo đẽo chạy theo xin mang hộ túi máy kềnh càng của khách. Nặng trĩu vai, chú bé gù cả lưng xuống mà vẫn nhoẻn cười.
Một cậu bé biệt danh là “Nhỏ” chỉ cho tôi một thằng bé tóc dài, áo tím ở xa, bảo: Thằng đó dữ lắm, nó toàn ăn chặn tiền bọn cháu thôi. Và tôi cũng vừa thấy nó cướp nửa chiếc bánh mì trên tay một đứa bé khác nhai nhồm nhoàm. Tôi tiến lại thì thằng áo tím lủi ra xa.
Tôi hỏi Lâm: Thằng đó ăn chặn tất cả bọn cháu à? Lâm lắc đầu, giọng rắn đanh: Không. Cháu sợ gì. Nó mà lôi thôi cháu đấm ngay. Chỉ có đứa nào nhát gan mới sợ nó!
Cuộc sống ở trên cát đã dạy cho bọn trẻ hiểu sự nhọc nhằn cũng như một chân lý: Ở bất cứ đâu cũng cần đấu tranh cho sinh tồn.
NISAVA TRAVEL! – Theo Laodong, internet