Vậy là từ chuyến cuối năm đến nay đã hơn tháng, nhanh chưa? Hổm rày trời lành lạnh: trong nam này đã vậy thì ngoài bắc rét căm căm. Có vẻ như cái lạnh năm nay nhiều hơn mọi năm, thời tiết cũng biến hóa nhiều so với các năm trước. Đầu năm, xuân đến tới nơi rồi vậy mà các tin tức thời tiết từ Tivi cứ nhắc đến biển động, tàu thuyền cẩn thận khi ra khơi… Chic! Mong Trời ban cho sự tĩnh lặng đến với biển, ấm áp mùa xuân về trên đất nước VN để ngư dân, nông dân mình có thời cơ kiếm một cái tết trọn vẹn chứ.

Tụi tôi khoái núi, khoái biển – vì vậy không lạ khi đa phần các chuyến tự đi du lịch bụi đều hướng về vùng biển, vùng núi. Ở phía nam này là đồng bằng hiếm núi nên miền trung làm mê hoặc tụi này. Còn ngoài bắc thì thú thật là ham lắm nhưng xa, đường xa không ngại nhưng ngại xa làm mất nhiều thời gian cho việc đi và về – Có lẽ chuyện ngao du miền bắc chỉ đến khi tụi này về hưu, không còn bị ràng buộc bởi chuyện cuộc sống, sinh kế… Chừng đó thì một chuyến đi nửa tháng hay hơn nữa là trong tầm tay, vi vu cho thỏa chí tang bồng!

Nhiều phượt gia chuyên nghiệp như các bạn đã thấy trong các bài trang bị đến tận răng trong các chuyến đi trong NISAVA TRAVEL! này nhìn xem mê lắm: từ áo quần đi trek, ba lô – mền chống nước, giày vớ, găng tay, các miếng bảo vệ đầu gối – bắp chân, nón… toàn loại đặc chủng cho đến các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, GPS… – bấm vài nhát là biết mình ở đâu trên bản đồ, biết độ cao, biết hướng và đường sẽ phải đi tiếp để tới đúng mục tiêu, hiện đại thật!

Mình thì các chuyến đi chơi rất đơn giản: vài bộ đồ trong vali, cái alô loại chỉ để nói và nghe, chiếc Win100 trâu bò, rủng rỉnh tý tiền, một nỗi đam mê cùng một ít chịu khó là ok, lên đường thôi!

Thường thì trước chuyến đi tụi tôi vào mạng tìm một điểm đến – Xác định được nơi này rồi thì dùng Google Earth hay truy cập Wikimapia để tìm trước những nơi có cảnh vật đẹp tại đó, xác định chỗ có thể trú ngụ qua đêm, tìm đường đi thuận tiện nhất… Tất cả những dữ liệu này sẽ được chi chép vào một quyển tập. Những nơi quá rối rắm, bắt buộc phải cần đến bản đồ thì tụi này chụp hình lại và đem in ra rồi kẹp chung vào tập – đen trắng cũng được, miễn là còn nhìn ra các lối mòn quanh co không hề có trong bất kỳ bản đồ nào.
Biết trước chừng đó là tạm đủ, trên đường đi: phương tiện tìm đường bổ xung sẽ hỏi thêm người địa phương – đường đi trong miệng mà!
Mong rằng sau này… trúng số được chút tiền sắm cái netbook hay loại gì đó tương tự như thế nhưng giá bèo bọt thôi: vừa đi vừa nghiên cứu đường đi nước bước trong Wikimapia… Chẹp, chắc đi hết nước cũng không sợ lạc lối – còn bi giờ thì cứ mò mẫm đi tất tật cũng thỏa, về có bài viết cùng hình ảnh cho pà kon xem chơi.

Đa phần người dân các nơi tôi từng đến đều hiền lành, sốt sắng chỉ giúp ngay mọi đường đi nước bước. Nhiều khi từ việc dọ hỏi này bạn sẽ biết được thêm một vài cung đường độc đáo giúp rút ngắn thời gian đi, lại được thưởng lãm những cảnh vật vô cùng hoang sơ mà khó có thể thấy được trên internet. Tuy nhiên bạn cũng nên tránh hỏi đường ở các quán xá, bến xe quá đông đúc xô bồ hay những quán nơi hoang vu vắng vẻ (nếu thấy chủ quán hay một vài khách tại đó không đáng tin cậy) – Không hỏi đường các bác xe ôm khi không thật sự cần thiết – Các em nhỏ thì rất thật tình nhưng nên hỏi đường hai lần ở hai nơi khác nhau: một chỉ dẫn sai lầm có thể làm bạn mất vài mươi km sai đường, phải quanh trở lại đấy.

Chung quy: đa phần là người tốt, kẻ xấu không nhiều – bạn cũng đừng quá ngại, chỉ trông người – khéo tiếp xúc là đi tới đâu cũng tới được, đừng quá lo. Bạn nhớ có lần xe gần hết xăng, tôi chặn hỏi một người dân (cũng không chừng là xe ôm!) ở tại một dốc rất cao, thật vắng ngay lúc chập choạng tối đường vào Vĩnh Hy không? Ngắn gọn là xe tôi sắp hết xăng nên chặn đại một chiếc xe đang đổ dốc nhờ chỉ giúp chỗ đổ – ngoài việc định chia sẻ xăng trong xe anh ấy nhưng tôi từ chối, anh ta còn giúp tôi tìm đến chỗ đổ xăng an toàn rồi cười từ giã ngay sau khi xong việc.

Vậy đấy, dường như người thành phố phải chịu đựng quá lâu trong cái không khí xô bồ điểm xuyến đầy mặt trái xã hội của mọi thành phần trong hàng triệu dân ở TP nên đi xa cũng có phần nào e ngại. May mắn là người các địa phương đa phần chân chất hơn chốn kinh thành náo nhiệt nhiều.

Cái se se lạnh sáng sớm làm tôi nhớ đến những cái tết hồi còn bé: Môi trường khi ấy ít ô nhiễm, chưa ló dạng những cái tiêu cực như hiện tượng ấm lên toàn cầu, lỗ hổng tần ozon… nên cái rét mùa đông lạnh, lạnh nhiều so với một vài năm trước: mùa xuân tới ngõ nhưng trời cứ nắng như hừng hực lửa!

Bây giờ tụi này cần cày cho qua cái tết Nguyên đán năm nay đã, mỗi năm một lần – một lần vất vả nhưng cũng là dịp kiếm đôi chút thu nhập cho kỳ thuế đầu năm. Qua tết là mùa du lịch cũng là mùa hành hương, bà con đi chùa nhiều đây, chắc chắn là Châu Đốc sẽ tràn ngập người như mọi năm.
Qua tết cũng sẽ là lúc giá cả ổn định hơn, thoát cảnh chặt chém “tết mà” của nhiều nơi trọng điểm du lịch – lúc này chúng tôi sẽ khởi hành chuyến du lịch bụi đầu năm, phượt một nhát mừng năm mới ngày hết mùng, hết mền…

Vài dòng tán phét với pà kon trong buổi sáng rảnh rỗi. Chỉ mong rằng Du lịch, Go! có dịp bổ xung thêm chút kiến thức cho bạn trước chuyến đi là vui rồi. Phượt một nhát, trong nước mùa xuân về bạn nhé!

Điền Gia Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *