Đã là dân “phượt”, hẳn không ai chưa từng mơ ước được một lần chinh phục Ô Quy Hồ – một trong những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía bắc Việt Nam.
Ô Quy Hồ là con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Fanxipang – nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m. Còn được biết đến với cái tên đèo Hoàng Liên, nhưng với nhiều khách lữ hành yêu Tây Bắc, cái tên Ô Quy Hồ đã gần như một huyền thoại…
Dân chạy xe ôm ở Sapa vẫn hay kể về một loài chim có tiếng kêu da diết và nao lòng mỗi khi chiều buông trên núi Hoàng Liên, gắn với một câu chuyện tình yêu không thành năm xưa, theo thời gian, chính tiếng kêu “Ô Quy Hồ” của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại trên cao độ gần 2.000m này.
Cung đường đèo dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận của huyện Tam Đường – Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sapa – Lào Cai. Vượt qua cổng vườn Quốc gia Hoàng Liên chừng vài cây số là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, cũng chính là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía bắc Lào Cai và Lai Châu.
Trên đường tới tham quan Thác Bạc, nhiều khách du lịch không bỏ qua cơ hội có mặt ở đỉnh đèo Hoàng Liên để thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng hết sức hùng vĩ và ấn tượng. Vào những ngày trời trong, ít mây, bạn sẽ có may mắn được ngắm nhìn những ngọn núi thuộc cụm “thất chỉ sơn” nhấp nhô như những ngón tay trên một bàn tay. Và tất nhiên, có thể có cả đỉnh Fanxipang – vốn là niềm mơ ước của bao người đam mê khám phá và chinh phục – cao ngạo giữa trời mây.
Tôi chinh phục Ô Quy Hồ lần đầu tiên vào một đêm mùa đông. Từ phía Bình Lư đi lại, núi giăng thành lô nhô như những chiếc răng của một con quái vật khổng lồ, đen sẫm và nổi bật giữa nền trời. Im lặng đến rợn tóc gáy, hiếm lắm mới gặp một chiếc xe chạy ngược chiều, đèn xe lúc ẩn lúc hiện sau muôn vàn những khúc quanh trông như đốm lửa lập lòe của đám ma trơi. Gió ràn rạt thổi trên vách đá, và sương mù cứ dâng lên dày đặc từ dưới đáy vực. Một ấn tượng không lời nào có thể diễn tả nổi.
Dừng xe sát một góc cua, chúng tôi tắt máy để lắng nghe tiếng thì thầm của đại ngàn, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng bước chân thú mơ hồ trên đỉnh Hoàng Liên. Ô Quy Hồ bí ẩn và đầy de dọa, bóng tối thẳm sâu như thể có một con thú dữ đang nín thở rình mồi. Một tiếng chim bất ngờ rúc lên phía vách đá khiến chúng tôi thảng thốt giật mình. Đêm huyễn hoặc và hơi thở lạnh buốt giữa màn sương.
Chúng tôi vượt qua cổng trời. Trăng treo cao vút trên đầu, trải thứ ánh sáng lấp lánh màu bạc lên dải núi như con quái vật đang say ngủ chốn biên thùy. Mơ màng và lộng lẫy, bí ẩn và hoang dại… Ô Quy Hồ đã ghi những dấu ấn ngoạn mục trong nhật ký của một kẻ lữ hành.
Ban ngày, Ô Quy Hồ không có cái im lặng đe dọa đáng sợ của màn đêm, nhưng đổi lại, nó dễ dàng gây ra hội chứng “đau tim” cho các tay lái.
Một cung đường dài cheo leo trên vách đá, dưới những thảm rừng nhiệt đới rậm rì, uốn lượn quanh co, lên xuống liên tục theo độ chập chùng của dãy núi, con đèo danh bất hư truyền này sẽ khiến người chinh phục có những pha đổ đèo, cắt cua “tái mặt”. Một phút bất cẩn thôi là cả xe và người sẽ trở thành thước đo đường ngay tức khắc.
Nhưng chính sự hiểm trở đầy thử thách của cung đường này là một trong những nguyên nhân hấp dẫn “dân phượt” đến với Ô Quy Hồ.
Thời tiết nơi đây là một trong những khám phá thú vị về thiên nhiên Tây Bắc. Vào mùa đông, nếu như bên đèo phía Tam Đường trời vẫn còn ấm áp thì ngược lại, bên đèo Sapa cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2 m, núi rừng luôn chìm ngập trong mây.
Ngược lại, vào mùa hè, nếu bên đèo Sapa khí hậu mát mẻ trong lành, thậm chí không khí còn mang đầy hơi nước và gió núi lành lạnh, thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, lưng núi, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.
Chiều trên Ô Quy Hồ luôn mang lại một cảm xúc bình yên. Dù đi từ phía nào lại, Bình Lư hay Sapa, cũng giống như thể bạn đang tham gia vào một trò chơi đuổi bắt với mặt trời. Một hoàng hôn rực rỡ sắc màu và diệu vợi dềnh lên sau dãy núi phía chân trời. Một nhóm bạn đồng hành dừng chân nơi đỉnh đèo, tay nhâm nhi ly café tự pha trên đường thiên lý.
Và nhé, cũng đừng giật mình nếu trong bóng chiều nhập nhoạng, đột nhiên có những con người bằng xương bằng thịt gùi trên vai những bó củi chật căng bất ngờ bước ra từ sau một lùm cây…
Để chinh phục Ô Quy Hồ, cách tốt nhất là trong chuyến du lịch tới Sapa, du khách có thể thuê một chiếc xe máy với giá khoảng 100.000đ/1 ngày, tự đổ xăng và tự mình thực hiện một chuyến thám hiểm. Sau khi tham quan Thác Bạc, vườn Quốc gia Hoàng Liên, đỉnh đèo Ô Quy Hồ, bạn đừng ngần ngại khi chạy xe tiếp về phía thị trấn Bình Lư. Tổng cung đường chừng 50km, nhưng bạn sẽ có những cảm xúc và ấn tượng rất tuyệt vời về một con đèo hiểm trở và hùng vĩ số 1 ở Việt Nam.
Thời gian: từ ½ đến 1 ngày.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ có những quán đồ nướng theo phong cách Sapa, là nơi rất thú vị để dừng chân ngoạn cảnh.
NISAVA TRAVEL! – Theo Dulich.tuoitre