(CMO) – Nếu ai đã một lần đến An Giang, vùng Bảy Núi, được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được ngắm những loài cây đặc trưng của vùng sông nước, được ăn những món ăn đặc sản nhưng hết sức dân dã của mùa nước nổi…, khi ra về trong lòng sẽ có một chút gì đó để nhớ, để thương…

Vĩnh hội đông mùa lũ

Theo lời của người bạn đồng nghiệp, hằng năm, cứ từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, An Giang lại bước vào mùa nước nổi. Nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về, trắng đồng. Nếu mùa lũ ở miền Bắc và miền Trung đem đến cho người dân nhiều tai ương và bất trắc, mùa lũ ở miền Tây Nam Bộ được người dân nóng lòng mong đợi.

Lũ về đem tôm, cá cho những bữa cơm của người dân, đem phù sa cho ruộng đồng. Không những thế, mùa lũ còn đem lại những cảnh sắc tuyệt vời và trở thành thế mạnh trong khai thác du lịch của Vĩnh Hội Đông nói riêng và An Giang nói chung.

Chúng tôi có điều kiện thâm nhập thực tế đời sống của người dân Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) cùng anh Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã. Vĩnh Hội Đông có 4 ấp với trên 14.500 khẩu, đời sống người dân phần lớn dựa vào sản xuất lúa 2 vụ, 3 vụ với năng suất 7 tấn/ha.

Là một trong những địa phương có 2 ấp giáp biên giới và có diện tích ngập trong lũ nhiều nhất nên vào mùa nước nổi người dân vừa khai thác thuỷ sản, thương mại, vừa kết hợp làm du lịch. Lũ về nước trắng đồng, ranh giới giữa hai đất nước được phân định theo những cột mốc. Dù vậy, người dân Vĩnh Hội Đông khi khai thác thuỷ sản luôn tuân thủ theo đúng quy định của hai quốc gia Việt Nam – Campuchia.

Theo anh Phương, do có đường biên giới giáp Campuchia nên hằng tháng UBND xã cùng các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm pháp luật của nước bạn nhưng vẫn khai thác tốt nguồn lợi thuỷ sản.

Bà Trần Thị Nhớ, ấp Vĩnh An, cho hay, người dân đã quen với lũ. Lũ càng cao phù sa càng nhiều và mang lượng tôm, cá từ thượng nguồn về hạ nguồn càng dồi dào. Lũ năm nay đỉnh điểm chưa cao nên lượng tôm, cá không nhiều và thu nhập của người dân cũng thấp hơn mọi năm.

Khi nước tràn đồng, trên những chiếc xuồng người dân giăng lưới đánh bắt cá linh, đặt vó, đặt lọp bắt cua, cá đồng. Khi nước rút cạn, họ tranh thủ cải tạo đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Gia đình bà Nhớ chỉ có 2 công đất sản xuất nông nghiệp, nhưng nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất lúa 2 vụ và khai thác tôm, cá mùa lũ nên đời sống cũng ổn định.

Sản vật mùa lũ mang về không chỉ là tôm, cua, cá mà có cả những sen, ấu, bông súng trắng nõn nà, bông điên điển vàng rực vượt lên cùng nước lũ.

Văn hoá người Chăm – Búng Bình Thiên

Rời Vĩnh Hội Đông, chúng tôi lại có dịp tìm hiểu kỹ hơn đời sống của người Chăm ở Búng Bình Thiên. Quảng đường từ thị trấn An Phú đến Búng Bình Thiên (ấp Búng Lớn, xã Nhân Hội) không xa. Dọc hai bên đường, cạnh dòng sông êm đềm là những hàng cây mướt xanh. Thi thoảng xe lại băng qua xóm nhỏ, chợ nhỏ, bến sông nhỏ ven đường với những con người giản dị. Tại đây có hơn 90% dân số là người dân tộc Chăm theo tôn giáo Islam.

Cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng người Chăm thể hiện những sắc thái riêng, qua tập quán, lối sống và các lễ hội truyền thống. Theo Cả Chùa Mách Salếs, được Nhà nước quan tâm nên đời sống của người Chăm Búng Bình Thiên đã có bước phát triển. Con em được đến trường, thanh niên được đào tạo nghề, nhiều chính sách ưu đãi nên người Chăm nơi đây an tâm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Với người Chăm ở Búng Bình Thiên, trẻ em từ 5-16 tuổi sau giờ học chữ trên lớp phải đến giáo đường để học Kinh cầu phước. Mỗi cuốn Kinh các em phải học ít nhất 3 năm về những lễ nghĩa, đạo làm người, cách ứng xử hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và khi trưởng thành sống có ích cho xã hội.

Những quyển Kinh bao giờ cũng được đặt trang trọng trong nhà và khi mang đến giáo đường các em phải đặt trên đầu, trên ngực với tâm niệm “tôn trọng để được hưởng phước”.

Em Sa Phi Y (lớp 3) đã đi học Kinh gần 3 năm và em cũng đã thuộc gần hết cuốn Kinh cầu phước. “Một buổi con đi học chữ Quốc ngữ, buổi còn lại con và nhiều bạn được học Kinh. Nhờ được đi học nên tụi con biết được rất nhiều”, Sa Phi Y cười tươi.

Trong trang phục truyền thống, những em gái người Chăm e ấp giấu mặt khi có người lạ. Chiếc khăn được quấn kín tóc và che kín khuôn mặt thẹn thùng. Theo cô Sây Nấp, hiện nay nhiều phụ nữ người Chăm không còn đội khăn, quấn tóc khi ở nhà cũng như khi ra đường. Nhưng với các em gái khi đến giáo đường học Kinh thì ngoài lễ rửa tay, bắt buộc phải dùng khăn quấn tóc đúng với phong tục truyền thống.

Dù một lần đến Búng Bình Thiên hay trải nghiệm cùng mùa nước nổi thì chắc chắn khi ra về trong lòng mỗi người sẽ lắng đọng những cảm xúc mới mẻ, khó tả. Hãy một lần về An Giang để nhớ mãi những dòng sông mang nặng phù sa, đem đến cho người dân cuộc sống ngày càng sung túc, an lành.

Theo Thanh Phương (Báo Cà Mau)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *