(Tiếp theo) – Bánh, rượu, trà… và câu chuyện tương lai!
Cùng với rượu tam giác mạch thơm lừng, bánh làm từ tam giác mạch ở Đồng Văn cũng đang mang hình hài mới rất bắt mắt, thơm ngon có vị riêng…
Khệ nệ nhấc cái nắp vung bằng inox đang chụp lên cái nồi to đùng có đường kính gần… 2m, Dào Văn Hò nói với chúng tôi: “Các anh tới muộn tí nữa, nước bắt đầu sôi thì sẽ không thấy rượu tam giác mạch được nấu thế nào đâu”.
Dào Văn Hò hiện đang là chủ của lò rượu tam giác mạch mang tên Thiên Hương ở Đồng Văn.
Thơm nồng vị rượu…
Lúc sáng, khi hỏi chủ quán tạp hóa ở thị trấn định mua loại rượu tam giác mạch này về làm quà, chủ quán bảo: “Hết rồi anh ạ, ít hôm nữa mới có”.
Hỏi đường về cơ sở nấu loại rượu này, tiện thể thắc mắc sao khách sạn tên Thiên Hương mà rượu tam giác mạch Đồng Văn này cũng tên Thiên Hương, chị chủ quán bảo: “Là hai chị em mình cả đấy”.
Lò rượu mà Dào Văn Hò đang nấu thuần từ hạt tam giác mạch, không hề pha chế. Cao nguyên đá xưa nay vốn trứ danh với rượu ngô men lá, nhưng ở vài nơi khi nấu rượu ngô, để rượu có vị thơm hơn, người ta trộn thêm tam giác mạch vào để nấu, vừa có vị nồng đượm của ngô lại có thêm vị thơm ngọt của tam giác mạch như rượu ở Cốc Pài.
Còn để nếm loại rượu nấu từ 100% nguyên liệu tam giác mạch thì đây là lần đầu chúng tôi được nếm. Nồi rượu ở cơ sở của Dào Văn Hò có dung tích chứa đến 5 tạ hạt tam giác mạch.
“Mọi năm em chỉ nấu vài nồi là hết sạch hạt mạch của dân, phải đi mua ở nơi khác. Năm nay vì huyện tổ chức lễ hội nên em phải thu mua nguyên liệu từ trong dân tích trữ từ đầu năm, hai tháng nay nấu được chừng mươi nồi, mỗi nồi hết nửa tấn tam giác mạch, tính ra được 200 lít rượu, đóng được hơn 400 chai, mà khách lên đây cuối tuần hơn 1 vạn người…”.
Loại rượu tam giác mạch ở cơ sở của Dào Văn Hò đóng chai 400cl, giá bán 100.000 đồng một chai, tính ra thì có lãi nhưng theo Hò không lãi bằng nấu rượu ngô, vì giá tam giác mạch đắt gấp năm lần so với ngô.
Rót mời chúng tôi mấy chung rượu tam giác mạch “tươi nguyên” ngay tại lò rượu, dân đã quen với rượu ngô cao nguyên đá sẽ thấy rượu tam giác mạch không “đượm” bằng song vị rượu lại thơm. Nói gì thì nói, cũng có nhiều lời kẻ khen người chê, nhưng việc cho ra mắt một sản phẩm “cây nhà lá vườn” phục vụ cho du lịch và làm tăng giá trị cho cây tam giác mạch là điều đáng mừng.
Và có lẽ do lò rượu tam giác mạch của Dào Văn Hò sản xuất đại trà nên bị cái khí vị công nghiệp che mất ít nhiều hương vị non cao riêng có của nó.
Hôm sau đó, khi được một “thổ công” cao nguyên đá mời nếm một loại rượu tam giác mạch được nấu tại một lò rượu thủ công ở bản giáp biên giới xã Phố Là, quả thật vị rượu tam giác mạch thủ công mà anh bạn cất công mang về từ Phố Là ấy đủ sức đưa “kiều mạch tửu” này lên ngang hàng với bất cứ một danh tửu nào trên rẻo cao Tây Bắc, Đông Bắc này!
Rót ra cốc, mùi tam giác mạch thơm lừng, vị lại đượm. Hỏi tìm mua nhưng người bạn bảo chủ lò này chỉ nấu để dành cho gia đình, khách thật quý thì tặng một ít. Nếu bán cũng rất hi hữu với giá hơn 250.000 đồng/lít.
Dù loại này hiếm nhưng nếu bí quyết nấu rượu tam giác mạch theo cách ở Phố Là này được phát triển, đúng kiểu thủ công cổ truyền, dù không đủ cung cấp cho thị trường du khách nhưng có lẽ nên được giới thiệu để khách biết thêm về danh tửu lâu nay ẩn dật chốn thâm sơn cùng cốc này.
Hoa ngon mùi… bánh
Cùng với rượu tam giác mạch, bánh làm từ tam giác mạch ở Đồng Văn cũng đang mang một hình hài mới rất bắt mắt. Hỏi ra mới hay đây là sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Bắc Nam, một HTX ban đầu chỉ kinh doanh vận tải, mới bắt đầu bước vào lĩnh vực bánh kẹo chưa đầy một năm nay.
Ông Phạm Ngọc Dự, chủ nhiệm HTX, vừa sắp xếp những chủng loại bánh làm từ tam giác mạch lên bàn để giới thiệu với khách, vừa kê khai “lý lịch” từng loại bánh.
Tháng 11 năm ngoái, khi thấy “đầu ra” từ sản lượng thu hoạch từ hơn 50ha hạt tam giác mạch mà bà con gieo trồng trong huyện đang có nguy cơ tắc nghẽn, huyện đã cử một đoàn đi về Thái Bình tham quan dây chuyền sản xuất bánh từ các làng nghề ở Đông Hưng, nhất là làng nghề bánh cáy.
Nếu bánh người ta làm từ bột mì bột gạo thì mình cũng có thể làm bánh từ tam giác mạch chứ sao? Vậy rồi anh em trong ban chủ nhiệm HTX xay giã giần sàng ra được hơn một tạ bột, mang về tận Đông Hưng (Thái Bình) nhờ dây chuyền sản xuất bánh ở đấy làm thử nghiệm hai loại: bánh tam giác mạch giòn và bánh tam giác mạch dẻo.
May sao chất lượng của hai loại bánh được cho là ngon, thơm, có vị riêng, có thể sản xuất dây chuyền, nếu sản lượng hạt tam giác mạch lớn thì có thể đảm bảo được đầu vào nguyên liệu, còn đầu ra thì yên tâm, trước mắt phục vụ du khách trên địa bàn đã chưa đủ, sau này hẵng tính chuyện vươn ra các tỉnh bạn.
Chúng tôi đã nếm thử hai loại bánh giòn và bánh dẻo, cùng với bức ảnh hoa tam giác mạch rực rỡ quyến rũ được thiết kế trên bao bì bắt mắt nên chiếc bánh có vẻ ngon hơn so với những loại bánh làm bằng nguyên liệu bình thường. Đặc biệt, bánh dẻo có phần ngon hơn nhiều so với bánh giòn.
Trong xưởng bánh của HTX Bắc Nam, mấy anh thợ người Thái Bình lên đang đứng dây chuyền sản xuất bánh, còn những người thợ “lao động phổ thông” đang xay hạt tam giác mạch từ chiếc máy như máy xát lúa, vỏ hạt được tách ra nhờ quạt gió, chảy vào thúng là những hạt mạch đã được bóc sạch vỏ.
Chị Mẩy – một phụ nữ Mông – giần sàng cho sạch rồi cho số hạt mạch đã được xát vỏ làm sạch này vào máy xay. Những khay bột xay được Thủy, một thợ làm bánh, cho vào máy sấy, pha chế thêm đường, dầu ăn, hạt vừng… để ra hỗn hợp trước khi cho vào khuôn bánh.
Chủ nhiệm Dự bảo: “Sắp tới, dịp lễ hội chúng tôi sẽ có thêm ba loại bánh nữa là bánh quy tam giác mạch, bánh quế tam giác mạch và bánh cốm nếp. Với công suất sản xuất và tiêu thụ như hiện nay thì sản xuất không đủ bán!”.
Cũng tránh tình trạng chặt chém khách, giá bánh được in ngay trên bao bì, cả hai loại bánh giòn và bánh dẻo đều cùng giá 35.000 đồng/hộp, các đại lý ở thị trấn chỉ bán đúng giá đó, các chủ tiệm cam kết bán đúng 35.000 đồng, bán hơn 1 đồng cũng không được!
“Thế có khi nào vì thiếu nguyên liệu tam giác mạch mà thay bằng bột khác không?”.
“Nếu làm thế thì tự chúng tôi giết chúng tôi vì bánh đó chỉ chúng tôi sản xuất, tiêu thụ, mà số lượng nguyên liệu cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, chúng tôi cũng về tận xã cam kết bao tiêu sản phẩm với dân bản, có vậy dân mới nghe theo chủ trương của huyện trồng nhiều như thế.
Nhưng thật ra 300ha nguyên liệu cũng chưa đủ sản xuất bánh, huống nữa nay trên địa bàn có cả sản xuất rượu, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu rất cao.
Mà trồng tam giác mạch đâu chỉ sản xuất bánh, đã có thêm một vài sản phẩm khác được sản xuất từ tam giác mạch như trà tam giác mạch, mì tam giác mạch…”.
Vậy là không nghi ngờ gì nữa, cả cao nguyên đá vốn là thách thức cho bất cứ loại cây trồng nào không ngờ có một ngày cây rau nuôi lợn lại mang đến những hứa hẹn tương lai một cách cụ thể như thế, trong vị rượu thơm nồng, vị bánh ngon ngọt.
Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ cuối
Theo Lê Đức Dục, Đức Bình (Báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!