(BPO) – Gặp lại chúng tôi sau đúng 6 năm, kể từ khi bản Vàng Pheo được công nhận là Bản văn hóa du lịch cấp tỉnh (năm 2007), ông Mào Văn Niểm, Trưởng bản Vàng Pheo khoe: “Bây giờ, dân mình làm ăn khá lắm! Giàu lên từ du lịch rồi. Không còn chập chững như những ngày đầu nữa…”.

< Cây cầu treo vào bản qua dòng Nậm So.

Phải nhìn sâu vào trong ánh mắt ông Niểm thì mới trả lời được câu hỏi tại sao người dân bản Vàng Pheo – trước những thành quả “lao động nghệ thuật” của mình – vui một, thì ông vui mười. Ông tự hào khoe với chúng tôi về những “con cá” mà cái “cần câu xanh” – Du lịch cộng đồng ở bản miền núi này “câu” được.

Khởi hành từ thị xã Lai Châu lúc giữa trưa, mất khoảng một tiếng đồng hồ đi xe máy để vượt qua 30km đường núi đèo, chúng tôi đã có mặt tại bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Vừa bước chân vào cổng bản có biểu trưng cách điệu của đồng bào dân tộc Thái, trước sân ngôi nhà sàn văn hóa bản, chúng tôi được 2 cô “hướng dẫn viên” trong trang phục truyền thống của đồng bào Thái chào đón nhiệt tình. Trong khi chờ Trưởng bản Mào Văn Niểm đến để “làm việc với nhà báo”, chúng tôi cảm thấy vui lây khi nghe chị Lò Thị Thín, Đội trưởng Đội văn nghệ của bản, người “xòe” dẻo nhất vùng Mường So, rủ rỉ bằng thứ tiếng phổ thông pha chút “lơ lớ” đặc trưng của người Thái khi giao thiệp bằng ngôn ngữ Kinh: “Cách đây 10 năm, ở Mường So nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, chỉ vào dịp lễ hội, trai mường trên, gái bản dưới mới xòe vòng, xòe hoa cùng nhau. Từ khi cấp trên giúp Vàng Pheo xây dựng bản du lịch cộng đồng, những đêm xòe có thể tổ chức bất cứ lúc nào du khách yêu cầu. Tối nay, mời nhà báo cùng vui với dân bản. Chiều nay, có hai đoàn khách Tây từ dưới Hà Nội lên…”.

Đang lúc trò chuyện với chị Thín về hoạt động của Đội văn nghệ bản Vàng Pheo thì Trưởng bản Mào Văn Niểm xuất hiện. Nhận ra người quen cũ, ông rất hồ hởi, sau khi cả chủ và khách “đi một vòng” mỗi người một chén rượu nếp nương mà ông “kẹp nách” để “tiếp khách dưới xuôi”, ông khoe: “Khách đến với bản mình tăng từng ngày. Nếu như trong năm 2007, năm đầu tiên hoạt động du lịch cộng đồng ở Vàng Pheo đi vào hoạt động, mới thu hút được dăm bảy đoàn khách nước ngoài và vài trăm lượt khách trong nước, thì năm 2012 vừa rồi, đã có trên 100 lượt khách nước ngoài và gấp 5 lần con số đó là lượng khách trong nước. Vui lắm, bản Vàng Pheo mình sắp giàu rồi…”. NISAVA

Trong hồi ức của ông Niểm, bản Vàng Pheo với tròm trèm trăm hộ, hơn 400 nhân khẩu, 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Thái, Kinh, Mường, trong đó, dân tộc Thái chiếm 90%, trước năm 2007 là một bản nghèo nhất nhì của xã Mường So. Đến thời điểm này, sau 6 năm được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu hướng dẫn, bảo trợ để phát triển du lịch, Vàng Pheo đã thoát nghèo và trở thành một thôn khá giả về kinh tế. “Ở một địa phương miền núi còn lắm khó khăn như Mường So, đó là một kỳ tích nếu so sánh với mặt bằng chung của công cuộc chống đói nghèo của các xã thuộc huyện Phong Thổ trong thời điểm hiện tại” – Trưởng bản Niểm trầm ngâm nói. Theo ông Niểm, cái mà Vàng Pheo thu được không chỉ đơn thuần là những khoản thu nhập từ chương trình biểu diễn văn nghệ và tiền bán sản vật, mà quan trọng nhất là những lợi ích không thể nhìn thấy từ việc phục hồi các di sản văn hóa truyền thống.

Cách đây 10 năm, cũng như các địa phương khác ở Tây Bắc, người dân bản Vàng Pheo phải đối mặt với thực trạng văn hóa truyền thống bị mai một, từ nhà ở, tiếng nói, sinh hoạt, các tập tục văn hóa truyền thống… Đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện lại được khôi phục gần như hoàn toàn nhờ vào… làm du lịch. Nhân chuyện này, Trưởng bản Niểm không giấu được niềm vui: “Trước đây, người già ở bản mình chỉ biết chơi đàn tính tẩu cho… chính mình nghe. Giờ thì khác rồi. Không chỉ tính tẩu, các điệu múa cổ như Nhôm khăn (múa tung khăn), Ỏm lọm tốp mư (múa vòng tròn vỗ tay); Khắm Khen Mơi Lảu (nâng khăn mời rượu); Phá xí (bổ bốn) và Đổi hôn (múa tiến, lùi, lộn)… hầu như tuần nào cũng được biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các lễ hội: Nàng han, Then Kin pang, Kin lẩu khẩu mẩu được tổ chức thường xuyên. Cùng với các nghi thức lễ còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao như: Tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy, tù lu…”.

Tiếng cồng chiêng nổi lên ngay sau lời giới thiệu. Tốp múa Nhôm Khăn từ từ tiến ra giữa sân. “Diễn viên” vừa diễn, Trưởng bản Mào Văn Niểm vừa say sưa “thuyết minh” với chúng tôi, còn khách du lịch cả ta lẫn Tây thì say sưa hòa mình nhún nhảy trong tiếng nhạc rộn ràng. Chúng tôi để ý thấy khá nhiều khách du lịch nước ngoài, khuỳnh khoàng cả… tứ chi với điệu múa tung khăn cùng các “diễn viên” trong đội văn nghệ Vàng Pheo, sau đó tìm đến những người già để tìm hiểu về điệu múa này. Ông Niểm nói, nếu chép ra kín cả trang giấy, người phiên dịch chỉ dịch lại có mấy câu cụt lủn, nhưng khách vẫn gật gật đầu xem chừng rất hiểu, rất thích thú. Cũng đúng thôi! Không có vấn đề gì, tiếp nhận văn hóa đôi khi không cần phải có ngôn ngữ! Đến giờ phút này, giữa chủ và khách, khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa… chỉ còn lờ mờ như sương khói. NISAVA

Cũng cần phải nói về những gì diễn ra trước màn “chào hỏi” đầy ấn tượng này. Ông Niểm cho biết, trước khi thưởng thức văn nghệ truyền thống, du khách đã được hòa mình các sinh hoạt hằng ngày cùng dân bản như: Xe tơ; dệt vải; múa nón, múa khăn, múa quạt; hát dân ca Thái; nhảy sạp; nấu, thưởng thức các món ăn truyền thống như cá suối nướng, thịt hun khói, cá bống vùi tro, gà nướng, gà xào gừng, thịt vịt băm xào, măng đắng, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp… Nếu không may mắn đến đúng dịp các lễ hội Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10-3 âm lịch), Kin lẩu khẩu mẩu (rằm tháng 9 âm lịch)… với nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân như: Bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy, tù lu, đi cà kheo, thi bắt cá, đua thuyền… , các du khách vẫn có thể thỏa lòng mình bằng cách tắm suối hay tham quan hang động Thẩm Póng, Đồn Tây…

Đặc biệt, họ còn “thả sức” tìm hiểu về tập quán canh tác lúa nước, làm nương, trồng bông, dệt vải của người dân tộc Thái; hào hứng khi tận mắt nhìn ngắm những ngôi nhà sàn truyền thống có sàn gỗ, lợp mái ngói, những công cụ lao động sản xuất như: Cọn nước, gùi, thố… Đấy là “phác đồ” chung của tour du lịch sinh thái – cộng đồng ở Vàng Pheo, mà theo Trưởng bản Niểm, thì những thành công bước đầu đã có thể khẳng định đây là một trong những sản phẩm du lịch mới, có thể bổ sung cho “kho” sản phẩm vốn còn nghèo của ngành du lịch vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Cũng theo ông Niểm, đây còn là một “mô hình giảm nghèo”, có thể nhân rộng ra cho nhiều địa phương khác có điều kiện tương tự… NISAVA

… Đúng nửa ngày và trọn một đêm được trải nghiệm nhiều điều thú vị ở Vàng Pheo, chúng tôi tự cho mình cái quyền lạm bàn đến một vấn đề thuộc loại xưa như trái đất, nhưng lại luôn mới và nóng hổi bởi tính thời sự: Chuyện cho “cá” và cho cái “cần câu”. Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vàng Pheo là một minh chứng rõ ràng nhất về mặt lợi ích khi cơ quan chức năng địa phương cho người dân cái “cần câu”. Thực tế cho thấy, việc đầu tư cho “ngành du lịch” ở Vàng Pheo rất nhỏ, chủ yếu là đầu tư để tập huấn cho họ các kỹ năng về giao tiếp, làm bếp và khôi phục lại các giá trị văn hoá truyền thống, nhưng lợi ích thu được lại rất lớn. Thay vì cho tiền tỉ để các địa phương “xoá đói giảm nghèo”, nhưng sau một thời gian, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, có thể lấy mô hình phát triển kinh tế-văn hóa một cách bền vững như ở Vàng Pheo để nhân rộng hay làm những mô hình khác tương tự để giúp người dân thoát nghèo…

Về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Trang, chủ một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội mà chúng tôi vô tình gặp trong chuyến lên Vàng Pheo khảo sát nhằm thiết kế tour du lịch văn hóa cho khách nước ngoài cho rằng, trước mắt, có thể nói, người dân Vàng Pheo đã bước đầu làm du lịch thành công. Trên thực tế, ở nhiều nơi thuộc vùng Tây Bắc cũng đang triển khai mô hình này và cũng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Nhưng sự thành công đó có bền vững được hay không thì còn phải bàn vì mỗi nơi làm mỗi cách.

Nguyên do là chưa có một cách hiểu (và cũng chẳng có ai định hướng cho để hiểu, kể cả trong giáo trình của các trường nghiệp vụ du lịch) rõ ràng, chính xác, làm “phương châm” phát triển cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bởi vậy mà người dân, du khách và cả chính quyền địa phương, phải sau một thời gian khá dài hoạt động, mới lờ mờ hiểu ra thế nào là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. “Nhất là với các hãng lữ hành chúng tôi cũng chưa hiểu hết, nên chẳng mấy ai mặn mà lắm với việc giới thiệu, bán tour cho khách. Hy vọng rằng, những “lỗ hổng” đó tới đây sẽ được lấp đầy để các mô hình du lịch độc đáo như ở bản Vàng Pheo “bay xa”…” – Bà trải lòng.

Theo Hoàng Phương Uyên (báo Biên Phòng)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *