(TTO) – Nhà đầu tư là Tập đoàn Sun Group đã chính thức đóng “barie” không cho người dân lên đỉnh Bà Nà bằng đường bộ. Nếu muốn lên Bà Nà chỉ có cách duy nhất là đi cáp treo với giá vé 350.000 đồng/đi và về cho người Đà Nẵng, khách du lịch 500.000 đồng/người.
< Chốt không cho người đi đường lên khu du lịch Bà Nà theo tuyến đường cũ, phải đi tuyến đường mới lên cáp treo.
Việc làm này khiến dư luận phản ứng, còn chính quyền Đà Nẵng cho biết về cơ bản thành phố đã giao cho nhà đầu tư quyền quản lý khai thác khu nghỉ dưỡng này.
Muốn vào phải xin phép
Sáng 6-3, chúng tôi có mặt tại ngã ba tuyến đường ĐT602 vào khu du lịch Bà Nà thuộc thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng).
Con đường cũ trước đây dẫn lên đỉnh Bà Nà đã bị đóng kín bằng hàng rào sắt. Khi chúng tôi và hai người dân ở thôn An Sơn chạy xe máy đến gần phía hàng rào sắt thì một bảo vệ ngồi trong chốt đi ra bảo: “Không được phép đi theo đường này, không cho đi từ lâu rồi”. NISAVA
Chúng tôi thắc mắc vì sao lại cấm lên đoạn đường này thì bảo vệ trả lời: “Chỉ biết làm theo ý của cấp trên là đường này cấm đi nên không cho người vào”. Thực tế cho thấy chỉ có những đoàn xe tải, xe ben chở đất đá, vật liệu xây dựng sân golf mới được phép đi. Sau khi đoàn xe ra vào, cánh cổng được bảo vệ đóng lại ngay.
< Con đường cũ dẫn lên rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa bị chốt chặn, người dân không được đi.
Theo người dân sống ở thôn An Sơn, cách đây khoảng bốn năm con đường cũ lên Bà Nà đã bị chủ khu du lịch Bà Nà lập chốt đóng lại.
Tuy nhiên, từ khi khởi động lại dự án sân golf cách đây độ hai tháng thì chủ đầu tư lại lập thêm một chốt nữa ở phía ngã ba đường ĐT602, không cho xe của dân và du khách đi vào đường cũ lên Bà Nà gần khu vực đang thi công sân golf.
Một chủ quán giải khát nằm cạnh chốt barie lên khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho biết khu du lịch Bà Nà cho đặt chốt barie mới tại con đường cũ dẫn lên khu du lịch đã gần hai tháng. Trước đây, người dân được tự do đi lại nhưng nay bất cứ ai muốn đi qua đây phải được sự đồng ý của lãnh đạo khu du lịch.
Một cán bộ ở ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho biết mỗi lần người của ban quản lý lên khu vực rừng đặc dụng thuộc quyền quản lý của ban để tuần tra, kiểm tra thì đưa thẻ cho lực lượng bảo vệ chốt barie kiểm tra, được sự đồng ý của lãnh đạo khu du lịch Bà Nà Hills mới được đi. Theo vị cán bộ này, đoạn đường dẫn từ chân lên đỉnh Bà Nà dài khoảng 15km.
Còn kiểm lâm viên Nguyễn Văn Thành, thuộc phòng cơ động – phòng cháy chữa cháy (Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa), cho biết khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa do hạt quản lý là 26.731ha.
Hạt có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng này. Thế nhưng, thời gian gần đây khu du lịch Bà Nà đặt chốt barie. “Nhiều anh em thuộc hạt kiểm lâm bức xúc vì đi qua địa phận thuộc sự quản lý của mình nhưng phải xin phép” – ông Thành nói. NISAVA
Đã giao hết cho Sun Group quản lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP Đà Nẵng, cho biết trước đây TP Đà Nẵng giao cho nhiều nhà đầu tư cùng chia nhau khai thác kinh doanh các dịch vụ tại khu du lịch Bà Nà – Núi Chúa nên khu du lịch bị chia năm xẻ bảy, manh mún trong đầu tư mà không hề có một chiến lược đồng bộ nào cả.
Sau này, khi nhà đầu tư Sun Group xuất hiện và đầu tư tuyến cáp treo lớn chạy từ chân núi lên đến đỉnh Bà Nà thì thành phố quyết định giao hết toàn bộ khu du lịch Bà Nà cho Sun Group toàn quyền khai thác.
Cũng theo ông Điểu, trong số diện tích (nằm trên đỉnh Bà Nà) mà TP Đà Nẵng đã giao cho nhà đầu tư quản lý có một phần Sun Group thuê, phần còn lại TP chuyển nhượng để Sun Group đầu tư biệt thự nhằm khai thác bất động sản trong tương lai.
“Có như vậy họ mới nhanh hoàn vốn được, chứ nếu chỉ dựa vào nguồn thu từ dịch vụ thì rất khó cho doanh nghiệp. Hiện Sun Group đã đầu tư không dưới 500 triệu USD vào Bà Nà” – ông Điểu nói.
Ông Điểu cho hay phía TP cũng đã giao cho Sun Group quản lý luôn tuyến đường bộ dẫn lên đỉnh Bà Nà. Con đường này nhà đầu tư chỉ dùng để vận chuyển trang thiết bị, vật tư phục vụ công trình xây dựng chứ không hề dùng cho đi lại du lịch nên tuyến đường có phần xuống cấp.
“Vì vậy nếu chở khách du lịch lên Bà Nà bằng đường bộ vô cùng nguy hiểm bởi không đảm bảo an toàn. Sắp tới TP cũng sẽ giao hết toàn bộ diện tích khu vực rừng Bà Nà – Núi Chúa, trong đó bao gồm cả khu vực rừng nguyên sinh, cho Sun Group quản lý theo hình thức thuê” – ông Điểu nói.
Ông Võ Văn Thương – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn TP Đà Nẵng – cũng cho rằng tuyến đường bộ hiện tại chỉ dành cho nhà đầu tư (Sun Group) vận chuyển vật tư xây dựng công trình nên không đảm bảo an toàn trong di chuyển hành khách.
Theo ông Thương, lâu nay du khách lên Bà Nà đều đi cáp treo chứ không đi bằng đường đèo vì dành hẳn cho công vụ.
Trả lời câu hỏi của nhiều người dân rằng trước đây họ từng góp tiền xây dựng chùa Linh Ứng, nhưng nay các phật tử muốn lên thăm, vãn cảnh chùa buộc phải mua vé của khu du lịch mới vào được, ông Thương cho biết: “Trước đây đi bằng đường bộ lên Bà Nà, du khách thích đi vào khu vực nào thì tùy mỗi người, nhưng bây giờ chùa Linh Ứng đã nằm trong quần thể khu du lịch mà chính quyền TP đã giao cho Sun Group đầu tư, quản lý nên cũng khó bóc tách ra được. Tuy nhiên TP cũng ghi nhận ý kiến này và sẽ kiểm tra để có hướng giải quyết hài hòa nhất”. NISAVA
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường – tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group – cho rằng: “Chúng tôi luôn đặt an toàn là yêu cầu số 1 cho du khách khi lên tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Bà Nà Hills.
Vì lẽ đó chúng tôi đặt “barie” ngăn người dân di chuyển lên Bà Nà bằng xe máy lẫn ô tô. Hơn nữa tuyến đường này hiện xuống cấp cần phải bảo dưỡng nên sẽ không đảm bảo an toàn cho việc đi lại”.
Tri ân dân địa phương nhưng trừ thứ bảy, chủ nhật (?)
Theo thông báo của khu du lịch Bà Nà Hills, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình tri ân người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Du khách Quảng Nam – Đà Nẵng đến khu du lịch Bà Nà Hills tham quan, vui chơi và trải nghiệm hệ thống cáp treo dài nhất thế giới với giá ưu đãi đặc biệt 150.000 đồng/vé. Chương trình khuyến mãi này diễn ra từ ngày 5 đến 31-3 (trừ thứ bảy và chủ nhật hằng tuần).
Khách hàng là người dân Quảng Nam – Đà Nẵng khi đến phải xuất trình giấy tờ tại cửa kiểm soát (người lớn trình chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu, hoặc giấy phép lái xe kèm theo hộ khẩu; trẻ em có chiều cao từ 1m trở lên trình thẻ học sinh hoặc hộ khẩu, hộ chiếu hay giấy khai sinh). Nhiều người dân cho rằng nhà đầu tư giảm giá vé cho người dân địa phương vào ngày thường – ngày ít người đi tham quan – mà nói “tri ân” là không ổn.
Trước đây, khi chưa giảm giá vé, người dân Đà Nẵng đi cáp treo lên khu du lịch Bà Nà Hills với giá 350.000 đồng/người lớn và trẻ em cao trên 1,3m; trẻ em cao từ 1-1,3m giá vé là 250.000 đồng, trẻ em cao dưới 1m được miễn phí. Còn giá với người dân ngoại tỉnh vẫn không thay đổi: người lớn và trẻ em cao trên 1,3m là 500.000 đồng/vé, trẻ em cao từ 1-1,3m là 400.000 đồng/vé, trẻ em cao dưới 1m được miễn phí.
“Vừa qua có thông tin cho rằng khu du lịch Bà Nà Hills không cho người dân lên đỉnh. Việc này chúng tôi sẽ kiểm tra lại, báo cáo xin ý kiến và lãnh đạo thành phố sẽ quyết chứ phía Bà Nà Hills không có quyền quyết định việc đi hay không đi của người dân được” – Ông Võ Văn Thương (chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng).
Theo ĐĂNG NAM – HỮU KHÁ – LÊ TRUNG (Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!