Đức Phổ, vùng đất phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, miền quê có bốn dòng sông xuôi về chung cửa biển Mỹ Á. Những tên sông: Trà Câu, Lò Bó, sông Trường và sông Thoa luôn in đậm trong tâm thức của những người con xa quê.
Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển nên được xem là sông mẹ. Biết bao suối khe, kênh rạch đôi miền xuôi – ngược hòa nước chung dòng tạo vẻ thơ mộng cho sông Thoa trước khi đổ ra biển lớn.
Những làng chài Hải Tân (xã Phổ Quang) và Khánh Bắc (xã Phổ Vinh) tựa bên này sông với bên kia là biển đêm ngày rì rào sóng vỗ. Cư dân trong làng bao đời cỡi sóng biển vươn khơi hay với chiếc thuyền nhỏ cần mẫn chài lưới đánh bắt cá tôm trên sông.
Sông Thoa mùa cạn như dải lụa mềm xanh màu da trời lấp lánh cát vàng dưới đáy lẫn bóng mây trắng lướt bay trong nắng chiều. Sông lững lờ trôi giữa đôi bờ phủ bóng tre xanh mướt, thổi gió mát rượi vào những ngôi nhà mái ngói rêu phong qua bao kiếp người. Có những đoạn, sông êm đềm uốn lượn bên cánh đồng lúa cùng với những vườn cây trái sum suê.
Sớm mai, những chiếc thuyền nhỏ của dân chài lướt nhẹ trên sóng nước. Nhịp gõ vào mạn thuyền trong sương sớm làm giật mình những cánh chim ngái ngủ vụt cánh bay từ những bụi cây ven bờ.
Nắng lên soi bóng người lớn, trẻ em lom khom đào trùn nước, dầm mình trong nước nhặt từng con don, trai, ốc… dưới lòng sông. Những “thợ săn” sông nước dùng kính lặn và súng lao lặn vào tận hang hốc bắn những con chép, con trắm lớn cỡ dăm đến bảy cân khiến cho mọi người phải trầm trồ thán phục. Sản vật của dòng sông theo các mẹ, các chị lên chợ, vào bữa cơm của những gia đình vùng cao. Đổi lại là tương cà, rau quả cho bữa ăn hàng ngày, dăm miếng kẹo lạc, vài tấm bánh đa cho con trẻ.
Lũ về, nước sông chuyển sang màu nâu non, chở nặng phù sa từ những bản làng, núi non miền thượng vun đắp cho những cánh đồng, bờ bãi trước khi đổ ra biển lớn. Những xóm làng vùng trũng, người dân lo thu vén, kê cao đồ đạc tránh lũ, lùa trâu, bò, heo, gà đến gửi nhờ nhà người quen ở nơi cao ráo. Mùa lũ cũng là mùa cá về. Cá theo nước lên đường làng, vào tận vườn nhà đùa giỡn, khoe mẽ lôi cuốn bạn tình để sản sinh ra thế hệ nối tiếp.
Những con chép, trắm, trôi, mè phơi lưng trên lạch nước cạn như mời gọi người đổ xô ra khỏi nhà dùng tay bắt cá trong tiếng reo hò đầy phấn khích. Trên những cánh đồng vừa thu hoạch, nhiều người dùng nơm, dó, giăng lưới bắt cá đẻ trên ruộng. Những con thuyền chở đầy cá lướt nhanh trên sóng nước cho kịp buổi chợ. Những con tôm, con cá làm quà cho người thân và nhận lại trái đu đủ xanh, mớ rau hái vội cho mâm cơm “thêm xanh” trong mùa lũ.
Sông Thoa hiền hòa trong mùa cạn và dữ dội trong mùa lũ, dòng nước vẫn cứ xuôi về biển Đông. Sản vật của dòng sông là nhịp cầu nối để người đến với người, san sẻ cho nhau những khó khăn, vất vả, như sợi tơ kết nối những tấm lòng. Bến nước, bãi tắm tuổi thơ cứ luôn ẩn hiện trong ký ức của mỗi người giữa bao bộn bề lo toan. Những bến đò rộn rã tiếng cười con trẻ đón mẹ chợ xa trở về với dăm viên kẹo cùng tấm bánh đa vừng.
Những bến đò năm xưa tiễn đưa người thân lên đường ra trận, tiễn chân người con tha hương trong luyến nhớ. Bờ tre rủ bóng mát ven bờ là nơi nghỉ chân của người làng giữa trưa nắng, nơi hò hẹn để những đôi trai gái bén duyên vợ chồng. Những chuyến đò ngang, những chiếc cầu gỗ mỏng manh bắc ngang dòng sông gắn kết tình cảm đôi bờ càng thêm bền chặt. Sớm mai, nhịp cầu gỗ đón bước chân rập rình của đoàn người đưa rước dâu, những thanh gỗ kẽo kẹt tiễn đưa người con gái sang bên kia sông về nhà chồng. Chiều chiều, nàng lại qua cầu về bên này sông thăm cha mẹ, họ hàng và cả bến bờ nhuộm đẫm tuổi thơ. Đêm đêm, tiếng mái chèo khua nước, tiếng cá quẫy mạnh cũng làm cho nàng giật mình tỉnh giấc dõi theo những ánh đèn lấp lóa trên sông. Đó là ánh đèn của người cha, người anh đang lầm lũi trong đêm để bắt con cá, con tôm cho phiên chợ sớm.
Sông đang được khoác tấm áo mới khi dự án tiêu úng, thoát lũ và chống sạt lở vùng hạ lưu của dòng sông này đang được triển khai xây dựng với tổng kinh phí trên 330 tỷ đồng. Sẽ có những tuyến kênh tiêu, đập ngăn nước và nhiều chiếc cầu bê tông cốt thép bắc ngang dòng sông. Việc ngập úng trong mùa lũ, thiếu nước tắm mát ruộng đồng trong mùa khô sẽ lùi vào dĩ vãng. Những nhịp cầu “nối bờ vui” sẽ đón bước chân con trẻ tung tăng đến trường, đón những vòng xe của mẹ, của chị thong dong ra đồng hay đến chợ.
Và tình người đôi bờ lại thêm gắn bó, không còn cách trở đò ngang và những chiếc cầu gỗ lắc lư sóng nước. Sông bao la như tình mẹ, đón những người con tha hương trở về với bao xúc động bồi hồi. Những bước chân lưu lạc nơi chân trời góc bể “chập chững” bước qua cầu mà cứ ngỡ bước lên thuyền trên bến sông của ngày thơ ấu. Ngẩn ngơ tìm bóng hình ngày xưa rồi khe khẽ gọi thầm: Sông ơi…!
NISAVA TRAVEL! – Theo Trang Thy (báo Quảng Ngãi), internet