(BBĐ) – “Mực nước sông Côn ở Bình Tường đang ở mức báo động…”. Vào những ngày lũ, chúng ta vẫn nghe những thông báo như thế trong các bản tin dự báo thời tiết. Để có những thông tin, nhiều khi chỉ gọn lỏn như thế, đã có những con người trụ lại ở các trạm thuỷ văn bên sông, thầm lặng “xem tượng” của sông, “đếm” phù sa và “đo” mực nước sông. Gắn với sông nước, đây cũng là nghề nguy hiểm.

Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn

Khác với hình dung của chúng tôi, Trạm Thuỷ văn (TTV) Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) hoá ra chỉ là một căn nhà cấp bốn cũ kĩ, nằm lọt thỏm giữa khoảnh sân rộng và một không gian đầy cây cối xung quanh.

Vào trạm, chúng tôi thấy hai người, một nam, một nữ đã đứng tuổi, đang uống trà ngoài hiên. Tưởng nhầm nhà, chúng tôi cất tiếng hỏi.

< Bà Nguyễn Thị Giới đo lượng mưa.

Người đàn ông đứng lên: “Thì đúng trạm đây rồi. Ở đây chỉ có hai thành viên, gồm tôi – Lê Đăng Dung là trưởng trạm; cán bộ còn lại là vợ tôi, Nguyễn Thị Giới”. Ông Dung cười hồn hậu, còn chúng tôi thì… tròn mắt. TTV Vĩnh Sơn là trạm cấp 3, ở đầu nguồn, nên chỉ có nhiệm vụ chính là đo mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa. Cơ sở vật chất của TTV thô sơ. Vũ kế hoá ra chỉ là một thùng thiếc hình trụ đã cũ kỹ; còn để đo mực nước, cán bộ thuỷ văn phải trực tiếp… lội xuống sông.

Đang trò chuyện với chúng tôi, bà Giới bỗng xin phép ra ngoài đo mưa. Đến cột xi măng trước sân, bà lấy thùng thiếc hình trụ chứa nước mưa xuống, thay vào đó bằng chiếc thùng khác. Mang thùng đựng nước mưa vào, bà Giới lấy ra chiếc ống thuỷ tinh đong nước trong thùng và ghi chép số liệu vào sổ. Bà Giới giải thích: “Nếu trời mưa bình thường thì tôi đo mưa vào bốn khoảng thời gian trong ngày: lúc 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ; nếu trời mưa to thì cứ cách 1đến 2 giờ, tôi ra đo một lần. Mỗi lần đo sẽ dùng ống thuỷ tinh (dung tích 10 ml) để đong lượng nước mưa trong thùng (dung tích 300 ml). Cộng tất cả những lần đo sẽ có được lượng mưa ngày hôm đó. Như hôm nay, trời mưa to, nên mới từ 19 giờ tối hôm qua đến 7 giờ sáng hôm nay, lượng mưa đã lên đến 97,5 ml…”.

Việc đo mưa đơn giản bao nhiêu, việc đo mực nước sông Côn vào mùa lũ càng vất vả và nguy hiểm bấy nhiêu. Theo quy định, mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 8) vợ chồng ông Dung chỉ đo mực nước hai lần trong ngày (vào lúc 7 giờ và 19 giờ), nhưng mùa mưa phải đo bốn lần (vào lúc 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ). Đặc biệt, mỗi khi lũ về, phải đo mực nước hàng giờ. Ông Dung cho biết: “Đoạn sông Côn trước mặt TTV Vĩnh Sơn cao hơn 600m so với mực nước biển, có độ dốc rất lớn với nhiều ghềnh đá, nên dòng nước lũ từ đầu nguồn đổ về ào ạt và chảy xiết. Nhiều khi, chỉ trong một giờ, nước sông đã dâng lên thêm 2 đến 3 m là chuyện thường. Có người đánh cá trên sông Côn đã từng chứng kiến một cột nước khổng lồ, cao đến vài mét từ đầu nguồn ầm ầm tuôn xuống…”.

Đã lên vùng đầu nguồn sông Côn ở An Toàn (An Lão) vào một ngày nắng đẹp, nước cạn và trong xanh; nên khi đi dọc sông Côn vào một chiều mưa tầm tã, chúng tôi mới thấy bất ngờ trước sự dữ dội của sông Côn mùa lũ. Dòng sông oằn mình. Những con sóng cuồn cuộn màu đất, tựa như chảo dầu đang sôi sôi sùng sục.

< Ông Dung đang bước xuống bậc thang đo nước sông Côn.

21 giờ, khi các nhà dân xung quanh tắt đèn ngủ sớm, chúng tôi theo ông Dung ra sông Côn để đo mực nước lũ trong cơn mưa tầm tã. Qua con đường mòn nhỏ ướt nhẹp, chúng tôi tiến sát bờ sông, nơi có những bậc thang bằng bê tông. Ông Dung chỉ tay xuống những bậc thang được xây thẳng hàng như một mũi tên bắn xuống sông, rồi nói to át tiếng mưa: “Có 23 bậc thang được xây từ trên bờ xuống tận đáy sông, mỗi bậc cách nhau từ 0,35 – 0,5m, khoảng cách từ bậc thang số 23 thấp nhất đến bậc thang số 1 cao nhất là 7,8m. Nước ngập đến đâu thì đo đến đó…”.

Nói rồi, ông bước theo từng bậc xuống sông. Còn cách mặt nước vài mét, vậy mà chúng tôi đã nghe thấy tiếng dòng sông ầm ào, giận dữ. Đến bậc thứ 13, ông Dung xăn quần, từ từ lội theo các bậc thang nằm dưới mặt nước, bước tiếp xuống. Đứng trong dòng nước chảy xiết, tay nắm chặt cây thước gỗ đo mực nước, nom ông như một võ sĩ đứng tấn trước những đòn ồ ạt của dòng sông. Sau gần 10 giây chiến đấu với dòng nước, ông bước lên bờ, giục chúng tôi trở về. Vừa vào cửa, ông gọi về cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Bình Định: “TTV Vĩnh Sơn  xin báo cáo, đến 21 giờ tối nay, mực nước trên sông Côn đã ở mức báo động 2, dự báo mực nước sẽ tiếp tục lên nhanh…”.

Khác với TTV Vĩnh Sơn, TTV Bình Tường (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) là trạm cấp 1, nên làm nhiều nhiệm vụ hơn, từ đo mực nước, lượng mưa, đến xác định nhiệt độ nước, lưu lượng, phù sa, độ pH, lượng oxi hoà tan… Do vậy, số cán bộ của TTV cũng nhiều hơn. Trạm có bốn người, trong đó, anh Nguyễn Văn Khánh, người gắn bó với trạm lâu năm nhất, đã làm việc ở đây từ 32 năm nay. Trẻ nhất là anh Nguyễn Khanh, tốt nghiệp Trường Trung cấp Khí tượng Thuỷ văn, vừa mới về Trạm chưa đầy năm. Thiết bị của TTV Bình Tường cũng hiện đại hơn. Ngoài tàu chuyên dụng, máy đo lưu lượng nước, trạm còn có hệ thống dây cáp bắt ngang sông Côn dài 600m, được xem là một trong những tuyến cáp dài nhất nước. Dây cáp chia thành 18 điểm trục, dùng để neo thuyền khi đo lưu lượng.

< Chuẩn bị dụng cụ để đo lưu lượng.

Dẫu vậy, nhưng vào mùa lũ, việc đo mực nước, lưu lượng cũng không kém gian nan và nguy hiểm. Dẫn chúng tôi ra sông, lên thuyền đo lưu lượng, anh Châu Văn Hạ, Trạm trưởng, nói: “Mỗi khi lũ về, bốn anh em phải túc trực tại trạm để thay nhau làm nhiệm vụ. Khi lên thuyền đo lưu lượng, dù có hệ thống cáp treo giữ, nhưng để thuyền đứng yên giữa dòng nước xiết đặng thả thiết bị đo xuống sông cũng không phải dễ dàng gì…”.

Nỗi niềm những người “gác” sông

Đêm lưu lại TTV Vĩnh Sơn, trời mưa càng lúc càng to, ông Dung vẫn lặng lẽ ngồi trực, cách một tiếng đồng hồ lại chạy ra đo nước, đến 1 giờ sáng, vợ ông dậy, thay ca cho đến sáng. Sáng hôm sau, bà Giới nói: “Tôi ra đo nước lũ vào lúc 4 giờ sáng nay (17.10), đã thấy lũ vượt mức báo động 3 đến 0,04 mét, bèn vội vàng báo động khẩn cấp về xuôi…”. Thế mới thấy công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi chạm với thực tế chúng tôi mới biết trong cái lạnh tê người của sáng sớm vùng cao, bà Giới một mình ra đo mực nước giữa dòng nước đang xiết của sông Côn…

Được đào tạo nghề thuỷ văn từ sau giải phóng, vợ chồng ông Dung đã trải qua công tác nhiều TTV trong tỉnh. Năm 1995, khi TTV Vĩnh Sơn được thành lập, không ai muốn lên nơi “khỉ ho cò gáy” này, vậy là vợ chồng ông bảo nhau xung phong. Bà Giới nhớ lại: “TTV Vĩnh Sơn lúc đó nằm chơ vơ giữa vùng rừng núi, xung quanh cây cối rậm rạp, muỗi rừng nhiều vô kể, đáng sợ nhất là sốt rét. Chúng tôi có nhà ở thị trấn Vĩnh Thạnh, nhưng đường sá khó khăn, lại phải luôn túc trực với công việc, nên nhiều khi, một, hai tháng cũng không về thăm nhà được. Đã vậy, trước năm 2005, ở đây chưa có điện thoại cố định, muốn liên lạc hỏi thăm tình hình gia đình dưới xuôi cũng đành chịu. Mỗi mùa mưa bão, càng bận rộn công việc thì tôi càng nhớ và lo cho mấy đứa nhỏ ở nhà. Lòng lúc nào cũng như lửa đốt…”.

< Anh Nguyễn Khanh từ từ thả thiết bị đo lưu lượng xuống lòng sông.

Dẫu vậy, đã gần 15 năm nay, vợ chồng ông Dung vẫn cần mẫn với công việc “canh gác” lũ sông Côn. Hằng tháng, vợ chồng ông vẫn dành ra một buổi để… họp góp ý, kiểm điểm công tác một cách thật nghiêm túc. Họp xong, mủi lòng, họ lại động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc. Ông Dung tâm sự: “Giờ đây, chúng tôi đã gắn bó máu thịt với công việc. Mỗi lần về xuôi, không được ra sông Côn, cứ thấy nhớ nhớ. Chỉ mong vài năm nữa, khi chúng tôi nghỉ hưu, sẽ có một thế hệ mới lên gánh vác công việc thật tốt…”.

Mà chưa nói đến TTV Vĩnh Sơn ngự nơi đầu nguồn xa xôi, TTV Bình Tường tuy chỉ cách Quốc lộ 19 chưa đầy cây số, nép sau hòn núi Một, sát bên sông, nhưng đời sống tinh thần của cán bộ thuỷ văn ở đây buồn tẻ. Có chiếc ti vi, họ mở cả ngày, để có tiếng người lao xao. Lâu lắm, mới có bóng người câu cá, thả bò đi vào khu vực này. Trong số bốn cán bộ của TTV Bình Tường, ba người là dân địa phương, nên ngoài giờ trực, các anh được tranh thủ về nhà. Riêng chàng trai Nguyễn Khanh, nhà ở tận Quy Nhơn, đành chấp nhận cuộc sống xa nhà. Có khi, vì công việc đột xuất, cả tháng anh mới về thăm nhà một lần. Khanh tâm sự: “Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ người yêu chỉ biết xách cần ra bờ sông. Ngồi câu cá mà hồn cứ để đâu đâu, cá cắn câu hồi nào chẳng biết…”.

Đặc trưng mặt nước sông Côn

Mực nước trung bình: Tại Bình Tường: Mực nước trung bình của các tháng trong năm dao động từ 2.045-2.148cm. Tháng 4 có mực nước trung bình thấp nhất (2.045cm) và tháng 11 có mực nước trung bình cao nhất (2.148cm). Tại Tân An, mực nước trung bình của các tháng trong năm dao động từ 451-582cm. Tháng có mực nước thấp nhất là tháng 8 (446cm), tháng có mực nước cao nhất là tháng 1 (470cm).
Lưu lượng trung bình: Tại Bình Tường lưu lượng cực đại là 6.340m3/s (tháng 11) và lưu lượng cực tiểu là 1,1m3/s (tháng 4).

Lưu lượng phù sa trung bình nhiều năm trong mùa kiệt tại Bình Tường là 0,49kg/s; mùa lũ là 25,5kg/s. Tổng lượng dịch chuyển phù sa cả năm tại Vĩnh Sơn là 0,028 triệu tấn, Bình Tường là 0,286 triệu tấn. Như vậy, lưu lượng phù sa sông Côn đo tại mặt cắt Bình Tường gấp 3,6 lần tổng lượng dịch chuyển phù sa sông An Lão đo tại mặt cắt An Hoà.

Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ 5 – Kỳ 6 – Kỳ 7 – Kỳ 8 – Kỳ 9 – Kỳ 10 – Kỳ 11 – Kỳ 12 – Kỳ 13 – Kỳ 14

Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *