Không chỉ hành hương, tham quan ngắm cảnh, lên núi Cấm (An Giang) mùa này với những ai thích khám phá không gì hấp dẫn bằng một “tour” theo chân người săn cua núi và tổ chức tiệc vui ngay giữa núi rừng. Là một trong những khu du lịch hút khách ở An Giang với khí hậu mát mẻ vùng thủy tú sơn kỳ, lần đầu tiên đặt chân lên núi Cấm chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của núi rừng.

Theo chân người săn cua

Thoát khỏi những hàng quán, nhà trọ, xe du lịch đời mới, người người qua lại tấp nập, một cảnh tương phản thú vị sẽ giúp bạn quên ngay quãng đường xa mệt nhọc. Cảnh vật trên núi êm đềm, hoang sơ với tiếng chuông chùa ngân nga và tiếng gió rừng xào xạc.

Dạo quanh hồ Thủy Liêm xem cá bơi lội thành đàn và tham quan các chùa chiền, miếu mạo tại trung tâm hành hương hoặc các khu di tích nằm rải rác ở các vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bò Hông… đã chán chê, nếu thích ăn cua núi bạn có thể tìm một  “thổ địa” đưa mình đi săn.

Chúng tôi theo anh Sơn, một người dân vùng núi Cấm, băng rừng, lội dọc những con suối ngoằn ngoèo săn cua một ngày cuối tuần. Đi một lát mọi người đã phát hiện một con cua thật to đang luồn lách dưới dòng nước trong như mắt mèo, ai cũng mừng húm nhưng không dám ra tay vì sợ bị kẹp. Anh Sơn bảo cua núi thường ẩn trú trong hang hốc, kẹt đá nên muốn bắt phải nhào xuống nước hoặc tìm miệng hang để câu.

Thoăn thoắt hướng dẫn mọi người buộc chùm dây thun vào đầu cần câu xong, anh tìm miệng hang thả xuống, nhấp nhấp vài cái. Giống cua núi vừa hung hăng vừa háo ăn, thấy dây thun tưởng là trùn nên vội dùng càng kẹp lại ngay. Người đi câu lúc đó chỉ cần giở nhẹ cần lên là tóm bắt một cách dễ dàng.

Ban ngày câu, ban đêm dùng đèn để soi vì cua núi thường đi ăn ban đêm, nhất là những đêm mưa rả rít, chúng rủ nhau đi kiếm ăn từng đàn. Thức ăn chính của cua núi là trùn và lá cây. Lúc đói chúng bò lên hai bên bờ suối tìm mồi.

Anh Sơn nhìn tôi phân bua: “Để bảo vệ và duy trì nòi giống đàn cua núi, anh em tụi tui tuyệt đối không bao giờ khai thác cua con và cua trứng”.

Sau hơn hai giờ, chúng tôi quay về với một giỏ cua khá nặng. Anh Sơn mời mọi người đến quán ăn của mình bên cạnh bờ hồ Thủy Liêm để  thưởng thức món cua rang me do chính anh làm đầu bếp.

Danh bất hư truyền

Nhiều bà con sống cố cựu trên núi cho biết cua núi Cấm là loài cua quý hiếm. Mình cua to như cua đồng nhưng càng cái to hơn, yếm cua màu tím rất đẹp. Loài cua này không những ngon mà còn có vị thuốc vì chúng sống trong môi trường tinh khiết, ăn lá rừng và hấp thụ khí thiêng. Càng lên cao thịt cua càng bổ dưỡng.

Cách chế biến ngon nhất hiện nay là cua rang me, cua hấp cách thủy và nấu canh hẹ. Những du khách sành ăn khi lên núi Cấm đều tìm mua 1-2kg cua núi mang về làm quà. Nhưng đâu phải có tiền là mua được! Trên núi Cấm hiện chỉ có vài thanh niên biết cách săn cua. Người không quen đi suốt ngày chưa chắc được con nào.

Đúng như nhiều người ca ngợi. Thịt cua núi rất đặc biệt, vừa thơm vừa béo, nhất là yếm cua ngon không chỗ chê, chắc thịt, giòn và mềm, mùi vị đặc trưng, ngọt đậm.

Thịt cua ngon, lại nhờ bàn tay khéo léo của đầu bếp nên chỉ ướp thêm các thứ gia vị như me, đường, hành, tỏi, muối, ớt và đậu phộng, món ăn đã trở nên tuyệt hảo. Mùi vị cua núi rang me vừa chua, cay, vừa mặn, ngọt khiến vị giác dễ bị kích thích, ăn hoài không thấy no.

Gia đình câu cua

Lên đỉnh núi Cấm hỏi nghề câu cua rừng, ai cũng chỉ đến gặp bà Hai Tề Thiên, nhà nằm dưới chân điện Cửu Phẩm (ấp Vồ Đầu, An Hảo, Tịnh Biên, An Giang).

< Gia đình bà Hai Tề Thiên.

Cái nghèo đã đưa bà đến với nghề có một không hai này ở miền Tây. Bà Hai Tề Thiên tên thật là Võ Thị Kim Thao, quê ở Tiền Giang. Bà có biệt danh này vì ngày trước bà trèo cây rất giỏi. Dân Vồ Đầu hình dung cảnh bà trèo cây nhanh nhẹn như khỉ, nên đặt biệt danh Tề Thiên cho bà.

Năm 1995, bà Thao lặn lội về vùng Bảy Núi kiếm thuốc Nam chữa bệnh. Tình cờ, bà lên núi Cấm gặp được thầy giỏi bốc thuốc chữa bệnh cho bà. Sau một năm dài được chữa bệnh bằng thuốc núi, bà Thao thoát khỏi… tay thần chết. Năm 2000, gia đình bà mới tạo được rẫy trong mảnh vườn đã mua. Khí hậu mát mẻ nên trồng được rau xà lách soong, cải bắp và su hào.

Tranh thủ những tháng trời mưa, hai vợ chồng đi bắt cua rừng về làm thức ăn. Thoạt đầu bắt về nấu canh với rau kim thất, xà lách để giảm chi phí gia đình. Thoạt đầu, nghề bắt cua rừng chỉ được gia đình bà thực hiện bằng tay. Lúc bắt cua chưa thành thạo, bà bị nó kẹp đau điếng người. Bởi cua rừng có đôi càng rất cứng và sắc nhọn nên dân gian hay bảo là “cua kẹp trời gầm không nhả”.

Năm 1996, bà Thao sinh ra cậu con trai út tên Võ Văn Cần. Lên sáu tuổi, Cần cũng bắt chước cha mẹ ra rừng bắt cua. Và nghề câu cua rừng xuất phát từ cậu bé này.

< Tác giả của cần câu cua: cậu bé Cần.

Lúc đầu, chú bé Cần chỉ cầm cọng chuối nhấp cua chơi. Những tháng mùa nắng, cua rừng chỉ nằm trong hang hốc hay kẹt đá. Ban đêm, chúng bò xuống suối, còn mưa mới bò ra ngoài. Vì vậy muốn bắt cua vào ban ngày thì chỉ có đưa cần câu vào miệng hang nhấp để kéo nó ra. Từ việc nhấp cua chơi chơi của thằng Cần, gia đình mới biết nếu muốn bắt cua vào ban ngày thì phải câu nhấp. Rồi thằng bé chế ra cần câu cua.

Cần câu làm bằng nhánh tre non dẻo, đầu nhánh tre cột mấy sợi dây thun. Chỉ đơn giản thế mà Cần đã từng làm cho bầy cua rừng phải nộp mạng. Bởi hễ đưa cần câu vào miệng hang nào, cậu bé đều tóm được chú cua trong cái hang đó.

Dân nhậu trên núi Cấm bắt đầu biết đến việc ăn cua rừng. Thịt cua rừng thơm ngon không kém cua biển. Họ lần lượt tìm đến gia đình bà Thao hỏi mua cua, mang về làm món rang me nhâm nhi. Người mua cua đến hỏi mua ngày một nhiều. Từ đó gia đình tập trung đi câu, bằng chính cái cần câu do cậu bé Cần chế ra.

Ngày nay, cua rừng không còn nhiều, bởi chúng chỉ sống từ giữa ngọn núi trở lên đỉnh núi. Do vậy, các nhà hàng quán nhậu hay ai muốn mua cua thì phải đặt trước. Sau hai ngày lặn lội trong rừng đi bắt, gia đình bà cũng chỉ kiếm được tối đa 5 kg cua, giá 60.000-70.000 đồng/kg. Những ngày cuối tuần, giá tăng lên 100.000 đồng/ kg. Nhà bà Thao là đầu mối duy nhất ở vùng Thất Sơn cung ứng loài cua đặc sản này.
Mà đã trở thành đặc sản, không chóng thì chày giống cua này sẽ tuyệt chủng.

NISAVA TRAVEL! – Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ) + Vĩnh Sơn (Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *