Phố Cáo nằm bên đường của quốc lộ 4C nối Hà Giang với huyện địa đầu cực bắc Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xã Phố Cáo có khoảng 5000 nhân khẩu, gồm bốn dân tộc Mông, Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người Mông chiếm tới 90%. Chợ phiên Phố Cáo họp 6 ngày/phiên.
< Phố Cáo khoác lên mình sắc màu của hoa mận trắng muốt, hoa cải vàng rực.
Thị tứ nhỏ với vài nóc nhà nằm rải rác dọc con đường, nhà nào cũng tường đất, cổng gỗ, bờ rào đá, thứ kiến trúc đặc trưng của người Mông ở Hà Giang. Nhà cửa ở đây làm bằng tường trình với hàng rào đá xung quanh và người Mông ở đây còn giữ nguyên trang phục, các nét sinh hoạt truyền thống.
< Sở dĩ người bản địa gọi nơi đây là Phố Cáo vì kiến trúc của xã theo lối bàn cờ, nhà liền nhà như phố và được ngăn cách nhau bởi những bức tường đá.
Phố Cáo là một địa chỉ du lịch không thể bỏ qua khi du ngoạn công viên địa chất, cũng là một trong những điểm dừng chân thú vị trên đường “phượt” của dân du lịch bụi trong mọi hành trình đến với Đồng Văn.
< Phố Cáo là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà trình tường được xây dựng theo lối truyền thống của người Mông.
Tôi đã qua Phố Cáo vào những ngày mây mù, mù dày đặc đến nỗi có thể cảm nhận dùng tay cắt xén mù thành những miếng bánh như người Mông dễ dàng cắt mèn mén ở chợ Phố Cáo.
< Trên đường tới trường.
Cũng có lần tôi qua Phố Cáo vào một ngày nắng đẹp, anh bạn Tiến đưa tôi đi chợ Phố Cáo như lạc vào mê cung của sắc màu thổ cẩm. Nhưng lần này, Phố Cáo của tôi lại khoác lên mình bộ cánh rực rỡ bởi sắc màu của hoa đào, hoa mận.
< Xuân bên hiên nhà.
Nghĩ cũng lạ, cả cao nguyên đá bao la ngun ngút màu xám ngắt của đá tai mèo, vậy mà đất trời lại ban cho vùng này một loại cây mềm mại, có sức sống dẻo dai và đặc biệt xuân về có hoa như thắp lửa giữa mênh mông đá. Tôi quen anh bạn Tiến của tôi cũng gắn liền với loài hoa này.
Có lần đi ngang qua Phố Cáo, thấy Tiến định chặt cây đào già nhiều nụ trước cửa nhà mình bán cho một khách chơi thì tôi ngăn lại. Trong tâm thức, tôi có ý định sẽ chụp bức ảnh cây đào này vào buổi sáng mai khi nắng ló rạng sau dãy núi đá xa hoặc khi khói chiều lên trên mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian nhà Tiến.
< Thu hoạch cải trên những thửa ruộng bên nhà.
Tôi hỏi Tiến: “Cây đào này trồng bao lâu rồi?”. Tiến nói bâng quơ: “Tao không biết, cây này ông tao lên Lũng Cú lấy về trồng, nó đã có hoa từ khi tao còn bé, không biết được đâu”. Tôi lại hỏi: “Đẹp thế sao chặt đi, phí sức ông mày trồng”. Tiến lặng im một lúc rồi nói trống không: “Ờ, không chặt để bán nữa”.
< Bình yên Phố Cáo.
Lần này, cây đào trước cửa nhà Tiến đẹp rực rỡ. Thân cây ám một màu đen mốc xịt như xù mình để chống chọi lại cái lạnh mùa đông. Từ những điểm mốc meo đó lại mọc ra những bông hoa hồng thắm rực rỡ. Cũng chỉ có cái sắc hồng phai điểm tô cho cả một vùng đá xám xịt là tín hiệu của mùa xuân, của riêng Phố Cáo mà đã đến thì sẽ say mê, mộng du như lạc vào một chốn thần tiên nào đó.
< Hoa cải ngập tràn các thửa ruộng quanh Phố Cáo.
Tôi không thể nào hòa phối sắc hồng phai của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, màu xám của đá, màu rêu xanh của những ngôi nhà trình tường và màu hoa cải vàng rực quanh bản thành một bức tranh hữu tình. Có lẽ vì thế, Phố Cáo luôn mới trong mắt lữ khách, mỗi người luôn có một góc Phố Cáo trong hồn và nhớ đến mỗi khi mệt mỏi hay muốn thoát ra khỏi vòng quay ồn ào của phố thị.
NISAVA TRAVEL! – Theo Báo Ảnh VN