Cách thị xã Phan Rang 20km về phía bắc và giáp ranh với vịnh Cam Ranh, vườn quốc gia Núi Chúa với độ chênh gần 1.000 mét từ mặt biển đến đỉnh núi cao nhất, các hệ sinh thái ở đây được phân bổ thành sáu kiểu rừng tương ứng với sáu tầng bậc độ cao, tạo ra nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ phong phú, đa dạng đầy kỳ thú.
Nếu Ninh Thuận lâu nay được cho là vùng khô hạn nhất nước thì vườn quốc gia Núi Chúa được xem như là vùng khô hạn nhất của Ninh Thuận. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng những vùng rừng khô của Núi Chúa khô hạn không kém gì nhiều vùng của châu Phi. Khí hậu và môi trường hệt những vùng bán hoang mạc thường gặp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Algeria.
Bãi Chà Là nằm giữa bãi Bình Tiên và vịnh Vĩnh Hy. Cơn mưa kéo dài trong khoảng10 phút chưa đủ thấm cát ở đây. Trời vẫn oi nồng, khô khốc. Một điều khá lạ là cây cối vùng này vẫn xanh tươi. Đa số là các loại cây bụi, cây gai, thường mọc liên kết thành từng mảng lớn. Những tán lá mọc dày rậm hàng mét, phía trên như có ai tỉa xén thành những mặt khá bằng phẳng, tạo cảm giác như người ta có thể ung dung bước đi dạo chơi trên những tầng lá ấy.
Vẫn có những tàn cây giơ xương khô héo nhưng đó thường là những cây mọc riêng lẻ, và thực tế là không chết hẳn mà sẽ lại xanh tươi trong những khi điều kiện khí hậu thuận lợi. Mặc dù thân cây chỉ to bằng cườm tay, nhưng tuổi đời của nó khoảng 40 – 50 năm.
Ở vườn quốc gia Núi Chúa có một khu rừng toàn là mai. Trước đây cứ đến mùa tết là lũ lượt xe ô tô xuống chặt mai. Nhưng giờ việc chặt mai đã bị cấm. Vì đất ở đây khô cằn, nên mai rừng như mai bonsai, tới mùa tết nở vàng rực cả một góc núi. Loại mai rừng đặc trưng của vùng này là hồng mai, màu không vàng mà hơi ửng đỏ, có những bông hoa có đến 13 cánh.
Không phải trên rừng trên núi mà là ở trước những nhà dân người ta mới thấy có nhiều những cây thiên tuế hàng trăm năm tuổi. Có những thiên tuế cổ thụ cao 3 – 4m, đường kính của thân có cây đo đến 1,2m.
Núi Chúa vốn là địa bàn đi tìm trầm trước đây của dân đi điệu Vạn Giã, Tu Bông, Khánh Hoà. Vụ bốn dân đi điệu người Quảng Nam tìm được 100 ký kỳ nam đã lôi kéo họ quay trở lại với núi rừng Núi Chúa, khiến cho những người bảo vệ vườn quốc gia này phải trục xuất các vị khách không mời mà đến này. Trên núi, có một dòng suối ngầm chảy ầm ào dưới những hang đá. Nhiều người đi ngang qua ngửi thấy mùi kỳ trầm mà không biết chúng ở đâu. Có người cho rằng, có thể là một dân đi điệu nào cất giấu trầm ở khu vực đó, rồi không quay lại tìm hoặc tìm không được.
Núi Chúa, trung tâm của vườn quốc gia, có một núi Chúa Anh ở giữa và ba núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất là Chúa Anh, cách mặt biển 1.039,72m. Do đó, nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ.
Điều kỳ thú đặc biệt là, trên những con đường đưa dẫn lên đỉnh núi, ta được chứng kiến 6 kiểu rừng. Từ kiểu rừng khô hạn cho đến kiểu rừng á nhiệt đới. Ở độ cao trên 800m bắt đầu xuất hiện kiểu rừng lá kim với các loại như kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…
Lan rừng ở đây có hơn 100 loài, trong đó có cả các loài lan hài quý hiếm. Nếu như ở vùng rừng khô hạn động vật chỉ là các loài bò sát và thú nhỏ thì hệ động vật khá phong phú ở đây tập trung nhiều ở vùng rừng thường xanh. Những sân chim có rất nhiều loài, đặc biệt có những loài quý hiếm như cò thìa. Động vật ở đây có báo gấm, gấu, voọc ngũ sắc…
Với 24,5km đường bờ biển, vườn quốc gia Núi Chúa có những bờ biển tuyệt đẹp. Bãi Bình Tiên là một trong số đó. Một dự án trị giá 530 tỉ đồng do công ty Mecco đầu tư sẽ biến những bờ cát trắng mịn với nước biển trong xanh giáp ranh với vịnh Cam Ranh này thành một điểm đến hấp dẫn.
Phía ngoài khơi của Núi Chúa là hòn Tý, nơi những ngư dân ở đây thỉnh thoảng thấy những con cá voi nặng hàng tấn và một vài gia đình cá heo nô đùa giỡn sóng.
Vuờn quốc gia Núi Chúa có nhiều rặng san hô hầu như còn nguyên vẹn. Chủng loại san hô của vườn thuộc loại phong phú nhất Việt Nam. Ngoài các loài san hô có ở những vùng khác, nơi đây có đến 46 loài mới được ghi nhận ở Việt Nam.
Rặng san hô ở Hang Rái, Mỹ Hoà có nơi kéo dài 1km từ bờ ra biển. Ở nơi này, mỗi khi thuỷ triều rút xuống, sẽ gặp những người dân đi ra ngoài xa để mò cua bắt ốc trên các rạn san hô. Và tại đây cũng có một rạn san hô cổ nổi trên mặt nước có độ tuổi hàng triệu năm.
Chúng tôi đến bãi Thịt, nơi trước đây những người dân Ninh Hải khi thiếu thịt thường ra đây canh bắt rùa biển. Đích thân ông Mười Nuôi, một người bắt rùa biển có tiếng trước kia và nay là một tình nguyện viên tích cực nhất trong việc bảo vệ rùa biển, dẫn chúng tôi đi thăm hai ổ trứng rùa.
Trên bờ cát vẫn còn những vệt dấu rùa đi từ biển lên. Ông Mười cho biết: “Mới hôm trước có con rùa to cỡ bốn người lật không nổi lên đây thăm dò rồi lại đi xuống. Mùa này chúng thường ít lên đẻ vì trời chưa mưa, cát chưa mềm, ẩm. Phải tới tháng tám âm lịch chúng mới lên đẻ nhiều”. Vườn quốc gia Núi Chúa có ba bãi biển được dùng làm nơi bảo tồn rùa biển. Có năm, nhân viên các trạm bảo vệ rùa thống kê có 20 con rùa lên đẻ tổng cộng 64 lượt…
Nguồn tin: NLĐ