Từ xưa đến nay, khu ruộng bậc thang vẫn luôn là hình ảnh đẹp ở các vùng cao khiến du khách và nhiều nhà nhiếp ảnh say mê khám phá.
< Du khách nước ngoài lang thang bên ruộng bậc thang A Lù.
Tháng 4 và 9 (âm lịch) bắt đầu mùa cày cấy, nước mưa đổ xuống… là lúc những thửa ruộng ở A Lù loang loáng nước, chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh; được phối kết hợp với mây ngũ sắc vờn ngang đỉnh núi, tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp không kém phần hấp dẫn so với những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng tại Mù Cang Chải (Yên Bái) và Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác xây dựng đồng ruộng trồng lúa nước vùng đồi núi. Cụ thể, đất ở sườn đồi, núi được san ủi thành các vạt đất có cùng độ dốc theo đường đồng mức, tiếp nối nhau từ trên xuống theo kiểu bậc thang.
Mỗi ruộng bậc thang có bờ giữ nước và chắn đất khỏi bị xói mòn, bờ giữ làm bằng đất, xếp bằng đá hộc hoặc trồng bằng cây cỏ. Ruộng thường được làm để trồng lúa vì khả năng giữ nước của ruộng khá tốt.
Ở các tỉnh đồi núi phía bắc Việt Nam, ruộng bậc thang được xây dựng ở chân đồi núi với độ dốc nhỏ hơn 10o; tuy nhiên ở vùng đồi núi cao, người Mông làm ruộng bậc thang trồng lúa trên cả sườn núi cao dốc trên 25° và trên độ cao 1.500 m. Đồng thời với việc khai ruộng là làm mương để “dẫn thuỷ nhập điền”.
Hầu hết các dân tộc ở miền núi đều biết khai phá và làm ruộng bậc thang. Đặc biệt, những dân tộc như Hà Nhì, một số nhóm Nùng và Mông… có truyền thống khai phá và làm ruộng bậc thang rất giỏi trong những điều kiện địa hình cực kỳ khó khăn.
Bát Xát là huyện vùng cao biên giới, nơi cao nhất lên đến 2.945m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ. Đặc thù của huyện là địa hình đồi núi dốc, vì vậy sản phẩm du lịch nơi đây là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ngút tầm mắt.
Hướng dẫn đường đi:
– Đường Lào Cai – Lũng Pô :
+ Lào Cai – Bát Sát – ngã ba vào Lũng Pô – A Mú Sung: ~ 60km. Đường đã làm mới hoàn toàn, đẹp. Trước khi đến A Mú Sung 10km, có biển bên tay phải (4km) rẽ vào cột mốc 92 – Lũng Pô, nơi ngã ba sông Hồng chảy vào đất Việt, cạnh đồn biên phòng 345.
– Đường Lũng Pô – Y Tý:
+ Từ cột mốc 92, đi tiếp đường bên trong khoảng 6km (đường bê tông – đẹp) ra đến ngã ba đi A Lù (lưu ý: sẽ gặp 2 ngã ba đi A Lù, thứ 1 và thứ 2, gặp cái thứ 1 cứ đi qua, tiếp ra đến ngã ba thứ 2 sẽ gặp đường mới làm, đường tất nhiên đẹp hơn nhiều). Đường này không vòng qua A Mú Sung. Lúa ở đoạn này sẽ chín sớm nhất, nhiều nhà đã gặt.
Từ đây đi A Lù hết 17km, đường đã hoàn thiện, rải đá dăm cực đẹp.
+ Từ cột mốc 92, nếu không đi đường trong mà vòng ngược lại ra đường cũ, tiếp lên A Mú Sung hết 14km. Từ A Mú Sung lại lọ mọ lên A Lù.
NISAVA TRAVEL! – Theo YuMe, Đất Việt