(TPO) – Từ độ cao bảng lảng mây của đèo Pha Đin xuôi xuống dần, chạm vào mắt tôi màu xanh bát ngát của cánh đồng Mường Thanh chạy dọc bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy thành phố Điện Biên.

Câu truyền khẩu: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã xếp Mường Thanh lớn nhất xứ Tây Bắc, so với những Mường Lò – Yên Bái, Mường Than – Lai Châu, Mường Tấc – Sơn La. Chẳng ngờ ở nơi núi non trùng điệp lại có một lòng chảo ôm trọn cánh đồng bằng phẳng rộng tới 5.000 ha, ở độ cao 400m so với mặt nước biển. Tận thấy cánh đồng khổng lồ này, tôi giật mình bởi nơi đây không chỉ có lúa, xác xe tăng, hầm Đờ Cát.

Lúa thơm bên xác xe tăng

Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã giới thiệu về cánh đồng Mường Thanh – đọc chệch từ Mường Then (cõi trời) rằng: “Thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ… công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi…”.

Vào một sáng nắng chói của tháng Tư, cánh đồng Mường Thanh thu hút tôi không chỉ bằng màu xanh non của lúa đang thì con gái mà bởi màu áo đặc trưng của những người nông dân dân tộc Thái đang làm ruộng. Ông Lò Văn Ban dừng tay cào cỏ, trò chuyện với tôi: “Lúa năm nay tốt, chắc được mùa to, gạo này ngon lắm, đặc sản của Điện Biên đó”.

Ông Ban khum bàn tay lại như vo tròn nắm gạo trong tay, cười bảo: “Nếu vốc gạo được gặt từ ruộng này thì hạt gạo sẽ chảy qua từng kẽ ngón tay, gạo tám Điện Biên có đặc điểm rất riêng: hạt nhỏ, màu đục không trắng như gạo tám thường. Hạt gạo dài đều tăm tắp, căng bóng và thơm đến lạ.

Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm, nhiều nhựa nên thường dính răng… Từ khi còn là hạt gạo, gạo tám Điện Biên đã mang trong mình mùi hương thoang thoảng. Gạo thơm dẻo nên bà con làm cơm lam, làm khẩu cắm. Chắc chú chưa biết khấu cắm đồ là gì nhỉ?

Cái đó như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng; hay làm khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp)”.

Điều gì đã làm nên hạt gạo của cánh đồng Mường Thanh có vị thơm ngon đặc biệt như vậy? Ông Ban lý giải: “Hạt gạo quý là do dinh dưỡng màu mỡ của rừng già, núi cao khắp nơi chảy vào thung lũng. Nhờ tinh túy đất trời hội tụ trong từng thớ đất. Nhờ dòng nước màu mỡ từ sông Nậm đắp bồi”.

Tiết trời Hà Nội đang âm u nhưng lên Điện Biên giữa tháng Tư nắng đã vàng rực chói chang. Chính ánh nắng đang làm lóa mắt tôi đây cũng giúp cho hạt gạo Mường Thanh trở nên đặc biệt. Cường độ chiếu sáng của mặt trời rất lớn, cộng với biên độ nhiệt chênh lệch khá lớn giữa ngày và đêm (khoảng 10 độ) giúp cho cây lúa sinh trưởng tốt.

Và nữa cánh đồng Mường Thanh đã ngấm đất biết bao xương máu của chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Năm xưa, công sự chiến hào, từng bước tiến của bộ đội đến hầm Đờ Cát phải trả giá bằng máu. Máu nhuộm đỏ nhiều thảm lúa xanh. Và cũng chính những hạt lúa trên cánh đồng này, cách đây 60 năm đã nuôi đội quân “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Nhìn ra xung quanh bỗng cảm nhận chẳng ở đâu mà một cánh đồng lại ôm chứa trong lòng nó nhiều di tích và ký ức lịch sử đến vậy. Những hầm chỉ huy tướng Đờ Cát, Sân bay Mường thanh, Cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2, D1… Lúa vẫn mọc xanh rờn bên xác xe tăng.

Nghĩa trang và mùa vàng

Sau chiến thắng Điện Biên, cây thuốc phiện vẫn được trồng trên cánh đồng này nhiều đến mức đã có câu thơ “Hoa anh túc tím đôi bờ Nậm Rốm”.

Cuộc chiến phá bỏ hoa anh túc là cả một kỳ tích vì những kẻ buôn bán thuốc phiện phao tin rằng hạt gạo thơm ngon vì có hương hoa anh túc tỏa lên bông lúa. Không có cây anh túc thì cây lúa Mường Thanh không đơm hoa kết bông được, dẫu có ra bông thì cũng chẳng còn thơm ngon.
Nhưng cũng chính những người vừa rời tay súng đã một nắng hai sương với cánh đồng Mường Thanh, bằng mồ hôi của mình đã chứng minh: chính chất đất, khí núi, hương rừng Mường Thanh và nước dòng Nậm Rốm từ ngàn xưa đã chắt chiu tinh chất để cây lúa vụ nào cũng trổ bông trĩu hạt. Và từ đó Mường Thanh đã sạch bóng ả phù dung.

Ông Lò Văn Ban vẫn nhớ, sau chiến thắng Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh lởm chởm dây thép gai và hố bom, mìn và đạn chưa nổ. Thời kỳ đó cánh đồng “Nhất Thanh” này chỉ cấy được một năm một vụ lúa vì không có nguồn nước tưới và năng suất rất thấp. Cả tỉnh phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp lương thực từ Trung ương.

Lang thang trên cánh đồng Mường Thanh, trò chuyện với những người nông dân, tôi mới biết ở đây cũng đã có một chiến thắng khác đầy bi tráng mà dấu ấn của nó vẫn trên từng thửa ruộng của lòng chảo khổng lồ này. Đó chính là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm do 2.000 TNXP từ Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An… tình nguyện lên đây xây đắp.

Ông Trần Công Chính – Trưởng ban liên lạc TNXP Nậm Rốm – nhớ lại: “Hồi ấy cuộc sống hằng ngày liên tục bị ảnh hưởng bom đạn bắn phá của kẻ địch, những TNXP cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, lương thực chủ yếu là ngô răng ngựa luộc cả hạt. Đã thế điều kiện khí hậu khắc nghiệt với ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang; doanh trại phải sơ tán vào rừng tránh máy bay địch; ngày vào rừng sơ tán, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm.
Khó khăn là vậy, ấy thế mà các anh, các chị cứ vác vượt trọng lượng cơ thể thực hiện khẩu hiện “ba bù”: bù mưa, bù ốm, bù phòng không đảm bảo giờ làm việc 10 giờ đến 12 giờ”.

Ngày ấy, Trần Công Chính là “kiện tướng” gánh đất công trường Nậm Rốm, một mình, mỗi chuyến gánh từ 70 kg đến 1 tạ đất, xi-măng. Ước mơ giản dị của chàng thanh niên Hưng Yên 18 tuổi khi đó là có cái đòn gánh đủ khỏe để gánh không bị gãy. Gánh khỏe đến mức thành tên, người ta gọi ông là Chính “trâu”.

Sức vóc, nhiệt tình phơi phới của những chàng trai cô gái ấy đã làm nên các công trình bê tông cốt thép vĩ đại như đập dâng nước đại thuỷ nông Nậm Rốm, hệ thống cầu, máng nối liền với hơn 30km kênh cấp I chạy dài uốn cong ôm theo sườn núi như những con rồng khổng lồ.

Ngày dẫn nước, thấy dòng nước trắng xóa ào về, nhiều TNXP không cầm được nước mắt. Từ nay số phận của cánh đồng Mường Thanh đã lật sang trang mới, kéo theo sự đổi đời của hàng vạn gia đình nông dân.

Từ một vụ lúa sản lượng thấp, khi có công trình đại thuỷ nông năng suất lúa 2 vụ của cánh đồng Mường Thanh Điện Biên Phủ hiện nay đã lên hơn 10 tấn/ha. Diện tích ruộng được khai hoang tăng lên không ngừng từ 2.000 ha lên tới 5.000 ha.

Ít ai biết rằng, ở thành phố Điện Biên, có một nghĩa trang nhỏ nằm khuất sau nhiều ngôi nhà mới xây – nơi an nghỉ của 18 TNXP đã hy sinh trên công trường Nậm Rốm. Chỉ 2 ngôi mộ có tên. Trong đó có chị Phạm Thị Ngọ, người con gái quê chính gốc Hà Nội. Chị Ngọ hy sinh vào một ngày cuối tháng 12/1963 khi cùng một thanh niên trong tổ, khoan đá nổ mìn thi công đập chính công trình. Mũi choòng của họ chạm phải một quả mìn sót lại của ca phá đá hôm trước và phát nổ. Chị Ngọ được an táng dưới gốc đa trên quả đồi ngay gần công trường. Quả đồi đó được những TNXP ngày ấy đặt tên là đồi cô Ngọ.

“Đất Điện Biên dính người phải biết”

Ông Trần Công Chính vẫn thường lên đồi cô Ngọ. Từ đây có thể nhìn rõ cánh đồng Mường Thanh. Ông Chính chọn Điện Biên làm nơi lập nghiệp sau khi đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành. Lúc ấy, nơi đây vẫn đầy hố bom và những hàng rào thép gai, cây dại lan tràn khắp cả vùng Mường Thanh rộng lớn.

Ông Chính cùng nhiều cựu chiến binh vừa rời tay súng trong trận Điện Biên, lấp hố bom, lấp hào công sự mà họ đã từng đào, tạo dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Họ canh tác trên cánh đồng Mường Thanh vẫn còn xương cốt và bom mìn. Lúa, ngô, khoai, lạc, mùa nào thức ấy.

Rất nhiều “Mùa lạc” (tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải viết về những người ở xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên) đã trôi qua, Ông Chính cảm nhận rõ “cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi” (Mùa lạc). Suốt đời ông Chính mong mỏi nhất là được có bằng đại học, nhưng không thành.

Trần Ðức Nghĩa – con trai ông- tốt nghiệp đại học, từ bỏ công việc tốt đã được sắp xếp tại Hà Nội, về với Ðiện Biên, và trở thành bác sĩ đầu ngành khoa Mắt hiện nay, hiện giờ là Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tám người con, dâu, rể, có bốn thạc sĩ, con cả sắp làm xong nghiên cứu sinh.

Tất cả đều quyết ở lại Ðiện Biên. “Đất Điện Biên dính người phải biết”, Ông Chính nhìn ra cánh đồng Mường Thanh, nhắc lại một câu trong truyện ngắn “Mùa lạc”.

Tôi lang thang trên cánh đồng Mường Thanh khi mà dòng người đổ về nhân dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày một đông. Qua một vòng hoa giáp, cánh đồng Mường Thanh thay da đổi thịt đến diệu kỳ.

Tôi ngỡ ngàng khi được bà Cao Thị Tuyết Lan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho hay: 80% diện tích lúa trên cánh đồng Mường Thanh nông dân đầu tư sản xuất bằng máy nông nghiệp… Hình ảnh người nông dân dân tộc Thái lái máy cày, điều khiển máy gieo hạt đã trở nên quen thuộc.

Bà Tuyết Lan đưa cho tôi một bản báo cáo về sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên năm 2013, trong đó từ chỗ một tỉnh thiếu đói, giờ đây mảnh đất của chiến tranh năm xưa đã đạt gần 500 kg lương thực/người/năm. Cánh đồng Mường Thanh góp phần lớn vào con số ấn tượng ấy. Hạt gạo tám Điện Biên không chỉ trở thành quà tặng của những du khách đến đây, mà còn là mặt hàng “hot” chẳng đủ cung cấp cho người dưới xuôi.

Rồi đây, khi hạt gạo Mường Thanh trở thành thương hiệu trên mỗi bao gạo bán đi khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới, có dòng chữ: “Gạo Điện Biên – cánh đồng Mường Thanh” – chỉ riêng từng ấy thôi, đã nói lên rất nhiều điều…

Theo Phùng Nguyên (báo Tiền Phong)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *