Chưa có “thương hiệu” như biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An… nhưng có thể nói bãi biển Hàm Rồng nằm bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc) là một địa chỉ mà nếu du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại.

Trước đây về biển Hàm Rồng khá cách trở nhưng nay chuyện ấy không còn, bởi hệ thống giao thông đã thoáng rộng, thông suốt do cầu Trường Hà nối nhịp, tiếp đó là cầu Tư Hiền cũng xây xong đã kéo Vinh Hiền và những vùng quê bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai gần lại với đất liền. Bây giờ, về biển Hàm Rồng có thể theo hai ngả. Qua hết cầu Trường Hà (Phú Vang) xuôi về khoảng 30 phút nếu ngồi trên ô tô, hoặc xe máy; hay từ trung tâm huyện Phú Lộc hướng về phía đông qua cầu Vinh Hiền rẽ trái khoảng hơn 2 cây số theo đường nhựa phẳng lì.

Bãi biển Hàm Rồng ở một vị trí khá đẹp, cảnh quan nên thơ bởi có núi Linh Thái cao gần 800 mét án ngữ phía sau với những mảng rừng xanh thẳm, uốn lượn theo nhiều vòng cung ôm lấy bãi biển dài gần 6 cây số, với 3 điểm tắm lý tưởng là bãi Hàm Rồng, Đông Dương và bãi Đầm.

Biển Hàm Rồng sạch và lúc nào cũng đẹp như bức tranh thủy mạc. Một không gian biển không ồ ã, xô bồ; mặt nước biển lúc nào cũng trong xanh, lại điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo những hang đá thật thú vị. Chính yếu tố này đã gợi cho những khách có tính tò mò, thích khám phá thiên nhiên nơi đây.

Từ bờ lội ra khoảng 10-15 mét, khách có thể chọn độ sâu của biển thích hợp để ngâm tắm, thỏa sức vùng vẩy cùng con sóng vỗ để xua đi bao mệt nhọc của công việc thường nhật. Hoặc có thể ngồi trên bờ gần mặt biển để nhìn sóng gợn, nghe tiếng gió biển cùng tiếng reo của lá cây từ những rừng phi lao phía sau tạo nên một sự cộng hưởng của âm thanh hiền hòa, hoang dã. So với trước, vẻ vắng lặng, đìu hiu của biển Hàm Rồng nay đã được xua bớt. Khoảng dăm bảy quán đã được dựng lên, trưng biển hiệu hẳn hoi để chào đón du khách.

Gần đây chính quyền địa phương ở đây đã quan tâm nhiều đến biển Hàm Rồng. Theo quan sát của cá nhân chúng tôi cảnh quan môi trường và con đường từ trung tâm nối ra biển và các tuyến ven biển rợp bóng dương đã thông thoáng, sạch sẽ; công tác an ninh, an toàn ở khu vực biển, bãi tắm được chú trọng do công an viên thôn, xã quản lý; nhiều dịch vụ phục vụ khách ở biển Hàm Rồng được nâng cấp, đầu tư, như nhà trọ nghỉ qua đêm, hàng quán ẩm thực với các món ăn đặc sản biển ở địa phương bình dân.

Ở đây có món ốc, con nhỏ cỡ con ốc hút mà các quán ốc ở Huế vẫn thường bán, nhưng vỏ dày và xù xì như nổi gai. Thịt ốc giòn, ăn vào nghe cay cay, đăng đắng rồi ngọt hậu, rất hay. Hỏi ốc gì thì cậu thanh niên chạy bàn bảo là ốc cay. Con ốc này có nhiều ở các rạn đá của Vinh Hiền.

Anh Hồ Xuân Thọ – một người đã mở hàng ăn phục vụ du khách ở biển Hàm Rồng hơn 20 năm qua cho rằng, tất cả các chủ quán kinh doanh ở đây đều lấy chữ tín làm trọng. Mọi thứ phục vụ cho khách đều lấy công làm lời. Vì thế khách bình dân có thể chọn biển Hàm Rồng để thăm tắm, nghỉ dưỡng vào dịp hè.

Nhớ về cái thời đìu hiu biển vắng cách đây chưa lâu lắm, bỗng thấy mừng cho Vinh Hiền. Cứ đà này, chỉ cần thiên hạ rỉ tai thôi, chẳng mấy chốc mà biển Hàm Rồng đông vui, dân Vinh Hiền làm ăn được. Chỉ mong rằng làm gì thì làm, biển phải được tôn trọng, được nâng niu. Vấn đề vệ sinh môi trường cần phải được đặt lên số 1. Tiếp đó là an ninh trật tự, là thái độ phục vụ du khách…
Kiểu làm ăn chụp giật, “chặt chém” hiện đã khiến không ít bãi biển bị du khách đưa vào “danh sách đen”, kiêng kỵ. Hy vọng biển Hàm Rồng – Vinh Hiền sẽ không bao giờ như vậy…

NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ báo Thừa Thiên – Huế, ảnh internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *