(QBO) – Đi từ phía Bắc vào Nam theo đường Hồ Chí Minh, ngang qua cầu Hai thuộc khu vực giáp giới xã Nghĩa Ninh (T.P Đồng Hới) và xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), nhìn xuống phía trái sẽ thấy một đoạn tường đất xuôi hướng ra phía biển…
< Lũy Đầu Mâu phát lộ khá nguyên vẹn, nhưng nếu không được bảo vệ, gìn giữ chắc chắn sẽ mai một, thành phế tích.
Đó là phần vết tích còn lại của lũy Đầu Mâu xưa thuộc hệ thống lũy Thầy trên đất Quảng Bình. Nếu ai nhớ về lịch sử, xin mời dịp nào đó thử đặt bàn chân lên mặt phế lũy Đầu Mâu ngập trong cỏ dại để nghe dư âm từ quá khứ vọng về, tiếng vó ngựa công thành trong cuộc chiến gần 50 năm Trịnh – Nguyễn.
Nếu không có tấm bia di tích dựng gần sát đường Hồ Chí Minh tôi cũng chẳng dám chắc vệt tường đất nhô lên kia là dấu vết còn sót lại của lũy Đầu Mâu được Đào Duy Từ kiến tạo nên cách đây đúng 386 năm. Nội dung những dòng chữ ghi trên bia đá bị bào mòn theo thời gian thể hiện rõ: “Lũy Đầu Mâu – Một công trình quân sự nổi tiếng được xây đắp vào tháng 8 năm Tân Mùi, 1831.
< Bia di tích lịch sử lũy Đầu Mâu.
Cùng với lũy Trấn Ninh hợp thành lũy Nhật Lệ trong hệ thống lũy Đào Duy Từ. Đây là tuyến phòng thủ vững chắc, có vị trí rất hiểm yếu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các trận tấn công của quân Trịnh trong cuộc nội chiến kéo dài gần nửa thế kỷ (1627-1672)”.
Ngược về quá khứ, sau trận kịch chiến với quân Trịnh trên sông Nhật Lệ năm 1627, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) tuy giành thắng lợi nhưng vẫn bất an vì thế lực chúa Trịnh Tráng (1623-1657) rất mạnh, không từ bỏ ý đồ thôn tính Đàng Trong. Mùa xuân năm 1630, Đào Duy Từ đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn quân Trịnh.
Theo kế Đào Duy Từ, chúa Nguyễn tiến hành đắp lũy Trường Dục bằng đất sét, chân lũy rộng 6 mét, cao 3 mét, dài 10 km, phát khởi từ núi Thần Đinh men theo bờ sông Long Đại qua các làng Xuân Dục, Trường Dục, Cổ Hiền vòng xuống làng Bình Thôn, Quảng Xá rồi ra đầu phá Hạc Hải.
NISAVA
Năm 1631, chúa Nguyễn lại sai Đào Duy Từ và tướng Nguyễn Hữu Dật về Quảng Bình thị sát thế núi, thế sông vùng Động Hải xây thêm thành lũy. Sau chuyến đi, nhà Nguyễn tiếp tục vạch kế hoạch đắp một lũy mới gọi là lũy Đầu Mâu. Lũy cao 5 mét, dài 12 km, từ chân núi Đầu Mâu chạy dọc phía nam sông Lệ Kỳ đến cầu Dài. Phía ngoài lũy đóng cọc tre, đổ đất lên thành 5 tầng cấp, cứ cách khoảng 20m xây một pháo đài đặt súng thần công, cách 4m đặt một súng phóng đá.
Cũng vào năm 1631, chúa Nguyễn cho xây tiếp một lũy mới tiếp nối lũy Đầu Mâu, từ cầu Dài vòng sang phía tây thành Đồng Hới bọc lấy làng Phú Ninh (phường Đồng Phú ngày nay) ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ gọi thành lũy Trấn Ninh. Để đề phòng quân Trịnh đột nhập theo hướng đông phía biển, năm 1633, chúa Nguyễn lại sai tướng Nguyễn Hữu Dật tổ chức đắp lũy Trường Sa. Lũy dài 7km chạy từ cửa biển Nhật Lệ dọc bờ theo xã Bảo Ninh (T.P Đồng Hới) đến xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
< Lược đồ vị trí (không hoàn toàn chính xác) của Lũy Trường Dục, Lũy Đầu Mâu, Lũy Trấn Ninh và Lũy Trường Sa trên bản đồ hiện đại của Google Map. Ngôi sao 5 cánh màu đỏ là vị trí Dinh Mười, ngôi sao 8 cánh màu tím là vị trí đầm lầy Võ Xá.
Trong suốt 3 năm, chúa Nguyễn theo hiến kế của Đào Duy Từ đã huy động sức người, sức của, xây đắp nên một hệ thống chiến lũy bề thế với tổng chiều dài trên 34 km mà hậu thế về sau gọi là lũy Thầy hay lũy Đào Duy Từ. Đây là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu rất kiên cố với việc phòng thủ thâm sâu, quân Trịnh từ xa đến không dễ dàng công phá.
NISAVA
Minh chứng cho giá trị phòng thủ ưu việt của mình, trong giai đoạn từ năm 1627 đến năm 1672, rất nhiều lần chúa Trịnh Đàng Ngoài cất quân tấn công chúa Nguyễn Đàng Trong nhưng đều bị thất bại ngay tại lũy Thầy. Năm 1648, quân Trịnh tấn công quân Nguyễn ở lũy Trường Dục nhưng mãi không hạ được.
Quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá, khi chiếm được chỗ đứng chân lại bị quân Nguyễn chặn đánh ở Thập Dinh (địa danh Dinh Mười ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh ngày nay) và đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá vốn là một dải đầm lầy tự nhiên, quân Trịnh bị sa lầy, tổn thất lớn tại đây. Trong thế trận tiến thoái lưỡng nan vì không có sự hỗ trợ từ đường thủy, chúa Trịnh buộc phải rút quân ra Bắc.
< Ngọn hải đăng nằm trên Lũy Thầy xưa, ngay sát cửa biển.
Đỉnh cao là năm 1672, quân Trịnh với lực lượng hùng hậu tiến đánh vào luỹ Thầy. Đây là lần giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc nội chiến với nhiều lần liên tục tấn công vào mặt luỹ Trấn Ninh.
Sau bao lần công thành nhưng vẫn không chiếm được, cuối cùng quân Trịnh phải bất lực rút lui, tạm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm, mở ra hơn một trăm năm hòa hoãn sau đó.
400 năm sau tính từ khi khởi công xây dựng lũy Trường Dục và 386 năm lũy Đầu Mâu thành hình, trên đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt” vẫn còn khá nhiều di tích lịch sử lũy Thầy: đoạn tường thành ở chân cột hải đăng thành phố Đồng Hới, Quảng Bình Quan; Võ Thắng Quan… đặc biệt dấu vết lũy Đầu Mâu hầu như phát lộ rất rõ nét tại làng Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh), khu vực giáp giới với xã Nghĩa Ninh (T.P Đồng Hới).
Thành lũy từ chân bia di tích chạy xuôi về phía cầu Dài, ước bằng tầm mắt cũng cả cây số. Mặt lũy nhô cao hơn hẳn so với bình địa xung quanh và ngập tràn cỏ dại. Chung quanh chân lũy Đầu Mâu, người dân được giao đất để trồng keo, tràm. Cứ mỗi lần trồng mới bà con lại khoét, lấn vào chân lũy một chút, thậm chí trồng cả keo, tràm tràn lên mặt lũy, thành ra lũy Đầu Mâu bị hẹp dần, mai một dần…
NISAVA
Lũy Thầy được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1992 bởi những giá trị lịch sử, quân sự, văn hóa ẩn chứa trong nội tại. Sự tàn phá của thời gian, chiến tranh và cả con người khiến cho cả hệ thống thành lũy mất dần, mất dần, và lũy Đầu Mâu chắc chắn sẽ cùng chung số phận nếu không được quan tâm gìn giữ, bảo vệ, phát huy.
Với riêng tôi, mỗi lần đến với hệ thống lũy Thầy hay ghé qua lũy Đầu Mâu lại cứ mường tượng nghe dư âm tiếng vó ngựa, tiếng súng thần công công thành và cảnh binh đao, huynh đệ tương tàn…, càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Theo Th.L (Báo Quảng Bình)
NISAVA TRAVEL!
“Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”