Mấy năm gần đây, trong cộng đồng mạng thường hay nói đến “phượt”. Vậy “phượt” là gì? Tại sao nó lại hấp dẫn nhiều thanh niên đến vậy? “Phượt” có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gì tới lối sống?…
Một “dân phượt” kể với tôi về chuyến đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): “Đêm bầu trời đầy sao, gió lồng lộng, hai đứa dựng một lều cá nhân dưới chân ngọn hải đăng để tiện ngắm trời, ngắm biển, “phục kích” bình minh… Cô bạn lần đầu gặp “ọp lai” (off line), trước đó chỉ gặp nhau trên mạng internet, nhưng hiểu nhau lắm”.

Nhưng chẳng phải “phượt” nào cũng có đôi có lứa, nhiều “phượt” lặng lẽ một mình, lấy hoa lá, núi sông làm bằng hữu. Một “dân phượt” nổi tiếng có bí danh (nick name) là KVT, tên thật là Công, năm nay đã 35 tuổi, có vợ và hai con. Khi được hỏi về tính cách, nhiều người biết KVT,  nói một câu rất cô đọng: “Ít khi gặp hắn ở nhà”. Công cũng tự nhận: “Cứ không đi là cảm thấy mình đang chết”. Công thuộc lớp “phượt già”, hay đi một mình.

Lần đi Lý Sơn, Công vô tình lên mạng thấy có bạn “phượt” sẽ đến vùng này liền ghép đôi, chơi chung. Hai anh em đi chụp ảnh, thăm một vài địa điểm rồi lại chia tay mỗi người một hướng.

Hành trang của Công là một chiếc xe máy Hon-đa, một túp lều, một túi ngủ, đôi ba bộ quần áo và không bao giờ thiếu máy ảnh. Thời gian gần đây có thêm mạng 3G thì hành lý được bổ sung thêm máy tính xách tay và USB 3G. Chụp ảnh xong là đưa lên mạng luôn. Bạn bè thân quen nếu quan tâm sẽ “dõi” theo được hành trình của Công. Vợ Công cũng ủng hộ lối sống của chồng.

Công là một điển hình của cộng đồng “phượt”. Họ có điểm chung là lối sống tự do,  thích khám phá. Tôi quen với một nhóm “dân phượt”, họ xây dựng một trang web có tên CDCMgroup. CDCM là các từ viết tắt của cụm từ “càng đi càng máu”. Gần như tháng nào nhóm này cũng có những hành trình khám pháp.

Tôi rất ấn tượng với chuyện tình của đôi vợ chồng Nguyễn Hồng Thái, Đặng Hồng Nhật. Cả hai sinh hoạt trong nhóm CDCMgroup chừng 3 năm, đi “phượt” với nhau vài chục lần. Yêu nhau, hiểu nhau cuối cùng thành vợ chồng. Sau đám cưới, cả hai đi “phượt” bằng xe máy xuyên Việt. Cắm trại, ngủ nghỉ ở những danh lam thắng cảnh trên đường, như đèo Hải Vân, ghềnh Đá Đĩa, bãi biển Bình Thuận, cao nguyên Langbiang… Đến sau này, có nhiều công ty lữ hành cũng phỏng theo hành trình đó để xây dựng tua “tuần trăng mật”. Tất nhiên các công ty lữ hành không dám tổ chức cắm trại, ngủ lều như cặp Thái, Nhật. Đến nay, dù sắp có con đầu lòng nhưng hai vợ chồng Thái vẫn “phượt”. Vợ Thái nói vui, đi nhiều cho dễ đẻ…

Tôi hỏi: “Hai em đi nhiều vậy, thời gian chăm lo cho gia đình vào lúc nào?”. Thái nói: “Có thể sau này sẽ không đi thường xuyên được nữa nhưng hai vợ chồng phải cố thôi. Anh có thấy không, sau mỗi chuyến đi, mọi người gắn bó với nhau hơn, thân thiết hơn. Nói một cách văn hoa thì chính “phượt” đã hâm nóng tình cảm gia đình”.
Tôi gặp nhiều “dân phượt” khác, có giai có gái. Họ sống lành mạnh, văn hóa. Mỗi chuyến đi đều có những “chung đụng” nhưng không bao giờ họ vượt quá giới hạn. Vì rằng, những giới hạn sẽ khiến mọi người tôn trọng nhau hơn. Ở góc độ này phải thừa nhận rằng “phượt” có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng lối sống văn hóa.

Tôi gặp một bạn gái rất trẻ, mới bắt đầu say mê “phượt”, tên Nguyễn Thu Trang, 18 tuổi, sống ở Hà Nội. Cô chia sẻ sự thích thú của mình được hòa mình với thiên nhiên, được đi thăm thú nhiều nơi tưởng chỉ có trong sách vở. Trang  nói: “Ấn tượng nhất là chuyến đi Tây Côn Lĩnh hồi đầu năm. Em không thể tin nổi mình đã đến nơi Bác Hồ tập leo núi. Em nghĩ đến lời dạy của thầy: Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc. Đó là lời dạy rất đúng, rất ý nghĩa, và phải “phượt” mới nhận ra”.

Nói thêm về lối sống của thanh niên hiện nay, Trang nhận xét: “Em không hiểu họ tìm thấy niềm vui gì sau những trận đua xe, vào bar, lên sàn nhảy. Có thể em không giống họ. Em muốn nói với họ, những đồng tiền họ đang tiêu phí đó thà rằng để “phượt” còn bổ ích hơn nhiều”. Tôi bỗng nhớ lại, cách đây lâu lắm rồi, khi “phượt” chưa trở thành “mốt” như bây giờ, tôi có một người bạn rất khắc khổ tằn tiện trong chi tiêu sinh hoạt. Có người hỏi anh sao phải tự làm khổ mình thế. Bạn tôi nói một câu rằng: “Mỗi đồng tôi tiết kiệm được sẽ giúp tôi đi xa hơn”. Câu nói này đã cho tôi niềm vui “đi đó đi đây”. Nhớ xưa Lê Quý Đôn có lời dạy học trò rằng:  “Bụng không chứa ba vạn quyển sách, mắt không nhìn thấy khắp núi sông thiên hạ, thì vị tất đã làm văn hay”. Hẳn Lê Quý Đôn là người đi nhiều, hiểu rộng. Ông đáng gọi là “tổ sư của phượt”.

Tôi rất tâm đắc với nguyên tắc ứng xử với môi trường của nhóm “phượt” CDCM: “Đến không để lại gì ngoài dấu chân, không lấy đi gì ngoài những bức ảnh”. Chính vì “phượt” chỉ lấy đi những bức ảnh nên “dân phượt” thường “tôi luyện” để trở thành những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chúng ta có thể xem trên các trang mạng xã hội như: Trái tim Việt Nam, góc Hà Nội, xóm nhiếp ảnh… những bức ảnh đẹp về quê hương đất nước. “Dân phượt” đã khám phá giúp chúng ta. Hơn thế, họ còn giúp xã hội bảo tồn nhiều nét đẹp của các lễ hội văn hóa các dân tộc anh em. Ngoài ra, nhiều hoạt động từ thiện của các nhóm “phượt” tới các điểm “vùng sâu vùng xa” cũng đã được cộng đồng ghi nhận.

Theo Đông Hà – Socbay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *