Đảo Phú Quý còn gọi là “Cù Lao Thu”, là một huyện đảo gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích tổng cộng 32 km2 ngoài biển Đông thuộc tỉnh Bình Thuận, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây, cách thành phố Vũng Tàu 200km về phía Đông và cách thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150km về phía Nam.

Huyện đảo Phú Quý hiện nay có 3 xã: xã Long Hải với các thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long – xã Ngũ Phụng (huyện lỵ) với thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh và xã Tam Thanh có thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương.

Nằm giữa trung tâm khai thác hải sản lớn nhất Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Từ Phú Quý ngư dân có thể vươn ra các ngư trường xa khơi để khai thác nhiều loại hải đặc sản, bình quân sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Phú Quý có khả năng phát triển mạnh kinh tế dịch vụ và du lịch biển.

Là một huyện đảo có khí hậu trong lành, biển ở xung quanh, nước trong xanh thấy rõ địa hình, địa vật dưới độ sâu 5-7m bằng mắt thường. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú, nhiều chủng loại.

Phú Quý có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy, nhất là bãi vịnh Triều Dương rộng và thoải mái, toàn là cát trắng mịn không có đá lộ đầu, trên bờ có rặng dừa và rừng dương rợp bóng, lại có nhiều nước ngọt. Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh, chùa chiền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cách cảng 3km về phía tây là ngọn núi Cấm cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Đêm đêm ngọn đèn biển định hướng cho các thuyền ngư dân giữa biển khơi đi về đúng hướng, nối liền đảo quê hương với đất mẹ thân thương.

Cách núi Cấm chừng 4km về hướng đông là núi Cao Cát, trên đỉnh núi có ngôi chùa Linh Sơn Tự, đây là một trong hai ngôi chùa xây trên núi của tỉnh Bình Thuận, từ chùa có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả vùng biển bao la của Tổ quốc.

Ngoài đảo lớn ra, các đảo còn lại có thể kể như như hòn Tranh nằm phía bên trái của cảng, sau hơn 10 phút đi canô ta sẽ được rảo bước dưới những tán cây tỏa bóng mát và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân với nghề truyền thống lặn bắt tôm hùm. Đi tiếp sẽ tới hòn Hải, đây là nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý và độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Hòn Hải cách đảo lớn gần ba giờ tàu chạy, được xác định là điểm ngoài cùng của quần đảo Phú Quý trên biển Đông. Từ hòn Hải, thuyền câu cá mập phải trải qua một hành trình dài mới tới được điểm câu, thông thường mỗi chuyến câu của ngư dân kéo dài chừng một tháng.

Trên đường đến hòn Hải sẽ đi ngang qua nhiều đảo nhỏ, trong đó có hòn Bố. Đây là một đảo đá đang trong quá trình phong hóa dữ dội, đá non đã ngả màu vàng đất, trên đảo không có dân sinh sống do không có nước ngọt, không một bóng cây, nhưng là nơi cư ngụ của các loài chim biển, vào mùa mưa có hàng ngàn con chim mố (một loài ó biển) về đây sinh sôi nảy nở.

Ngoài sự phát triển về ngành hải sản mũi nhọn, Phú Quý còn được biết đến là một quần đảo có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển. Du khách đến đảo Phú Quý sẽ được đón ánh bình minh trên biển cả, cảnh đẹp nơi này đã làm say lòng bao du khách và cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng thi ca.

Trước kia, việc giao thương giữa đảo Phú Quý và đất liền phụ thuộc chủ yếu vào tuyến hàng hải nội địa Phan Thiết – Phú Quý, mỗi chuyến hành trình từ đất liền đến đảo phải mất 6 giờ. Hiện nay, cảng Phú Quý (Bình Thuận) đã đưa vào sử dụng chiếc tàu trung tốc Phú Hưng sẽ rút ngắn thời gian đó còn 2 giờ rưỡi.

Đây là niềm vui rất lớn của người dân Phú Quý cũng như du khách từ đất liền muốn ra Phú Quý để tham quan du lịch. Với việc đưa vào sử dụng tàu trung tốc đầu tiên này, ngành du lịch đảo Phú Quý hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần.

Tổng hợp từ internet
ĐGD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *