Chuyến tàu Super Dong khởi hành lúc 8 giờ từ Rạch Giá đưa chúng tôi ra đảo Phú Quốc sau chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Gió nồng nhiệt hất tung mái tóc cô gái đất liền sảng khoái đứng ở boong tàu. Nắng cũng nồng nhiệt… bám lên làn da mặn mòi. Và người xứ đảo, sao mà nồng nhiệt.

Phú Quốc hiện ra trong tầm mắt với những dãy núi nhấp nhô và bãi biển xanh mờ. Trên cầu cảng, người dân đảo đứng đón, í ới gọi nhau với bảng tên trước ngực không khác gì ở các sân bay quốc tế. Xe buýt đậu thành dãy dài đón khách về khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng. Nếu trước đây, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu cao tốc, thì nay có tới 4-5 chuyến nối đảo với đất liền.

Chú Hai Đức, người bạn vong niên của anh bạn trong đoàn, nhất định buộc chúng tôi phải về nhà ăn cơm rồi mới “đi đâu thì đi”. Gia đình chú Hai là ngư dân cha truyền con nối. Những hải trình lênh đênh đã đưa chú đến hòn đảo ngọc này. “Mấy cháu thử món cá thu này đi. Cá thu có rất nhiều ở biển Tây. Cá nhám nấu dưa cải chua hợp khẩu vị không? Loại cá này, nhiều người còn gọi là cá mập con, trước đây đâu có ai thèm bắt, bây giờ lại là đặc sản”, chú Hai nói một cách hào hứng.

Vị trí đặt quảng cáo“Cách đánh cá mập hả, xưa lấy trái bí đỏ luộc chín, đang còn nóng, quăng ùm xuống biển, cá mập háu ăn nuốt chửng vô bụng. Chỉ có đường chết. Còn bây giờ? Đi cả năm chưa gặp con cá mập nào.

Tại sao hả? Coi mấy cái võng làm từ lưới cũ cháu đang nằm đó. Võng xưa lưới mắc thưa cả 7-8 phân, nằm đau lưng. Giờ lưới dày bắt cá cơm cũng được, cá nào mà còn. Bởi vậy, tàu cá trước đây chỉ cần ra 30-40 hải lý (50-60 ki lô mét) là thả lưới được, giờ phải trên trăm hải lý mới có cá”.

Câu chuyện “trước – giờ” nghe hoài không chán. Chừng đâu ly rượu thứ ba thì chú Hai mới nói: đâu chỉ con cá rời biển khơi mà con người cũng rời bỏ đảo nhiều lắm. Mấy năm nghèo khó, bà nhà tui cũng muốn vượt biên, nhưng tui lại không muốn rời bỏ nơi này. Rốt cuộc “ông hỏng đi, thì tui cũng hỏng đi”.

Miệt mài cho đến bây giờ chú đã tích cóp được cơ ngơi gồm bốn tàu cá xa bờ, ngôi nhà lộng gió, có thể vừa nhâm nhi, vừa tắm biển, vừa ngắm… máy bay thỉnh thoảng bay vèo qua đầu. Quả thật, theo ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện, đời sống người dân đảo đang ngày được cải thiện rõ rệt.

Dân đảo thấy “người đất liền” thì không tiếc công kiếm đãi khách đủ loại cá bốp, cá xạo, nhồng, chèo bẻo, chỉ vàng, xanh xương, kể cả bào ngư và vô số loại cá… đã quên tên khác. Đặc biệt nhất là món cá trích tươi thái mỏng, ăn sống với bánh tráng, rau thơm và dừa khô. Dân đất liền dù “hơi bị không quen” nhưng không thể nào từ chối vì người dân đảo quá nhiệt tình thức từ khuya, đón ghe cá về lựa từng con đãi khách. Cánh đàn ông cũng mềm lòng với lời nài nỉ ở chợ Hàm Ninh: “Mua cá ngựa đi, tặng luôn hai con rắn biển để ngâm rượu nè. Tốt cho đàn ông lắm đó nghen”. Không chỉ “cảm” món ngon, chúng tôi còn lưu luyến sự nồng nhiệt đến vô tư của dân đảo.

Dân đảo đương nhiên rành nghề đánh bắt, nhưng người Phú Quốc còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm và trồng tiêu.

Ở Phú Quốc, không gọi là “hãng nước mắm” như trong đất liền mà gọi là “nhà thùng”. Bởi nước mắm ngon phải được làm từ cá cơm Phú Quốc, ướp ngay khi còn tươi ngon và ủ trong các thùng gỗ lớn làm bằng cây bời lời, vên vên hoặc chai – cũng của rừng Phú Quốc. Dây đai quanh thùng được làm bằng dây mây. Mỗi thùng chứa hơn chục tấn cá, sử dụng 60-70 năm. Du khách ra đảo thường được đưa đến tham quan các “nhà thùng” nổi tiếng và lâu đời như Khải Hoàn, Hưng Thành…

Nước mắm Phú Quốc màu cánh gián trong vắt, thơm ngon “bay mùi” ra tận nước ngoài. Vì vậy, đã có một thời nhiều nước trên thế giới ăn nước mắm Phú Quốc sản xuất tại… Thái Lan, do bị nhái nhãn hiệu. Không chỉ “nhà thùng”, những ngư dân như chú Hai Đức cũng tự hào không ở đâu cá cơm ngon bằng quanh đảo Phú Quốc. Ở đây có rất nhiều loại cá cơm: sọc tiêu, phấn chì, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, cơm lép, nhưng làm nước mắm ngon nhất là cơm sọc tiêu và cơm than, cơm đỏ.

Đến tháng 7, tháng 8, cá cơm kéo nhau về từng đàn mấy chục tấn, chỉ một mẻ lưới đã đầy tàu. Mỗi năm, Phú Quốc sản xuất gần chục triệu lít nước mắm, là nguồn thu không nhỏ cho huyện đảo.

Giống như nước mắm, tiêu Phú Quốc là đặc sản nổi tiếng, xuất khẩu đi nhiều nước. Các vườn tiêu tập trung ở khu vực Khu Tượng, Cửa Dương, Cửa Cạn. Dọc theo đường, nhà nào cũng trồng tiêu, vì “trồng không quá khó, không đòi hỏi nhiều nước tưới”, cô Nguyễn Thị Bùi, một người trồng tiêu ở đây, cho biết.

Như nhiều loại nông sản khác, đầu ra và giá cả của tiêu Phú Quốc cũng bấp bênh. Sau một thời gian mất giá, hiện nay giá tiêu đang đứng ở mức 50.000-70.000 đồng/ki lô gam nên người trồng tiêu đang mừng. Ngoài việc xuất khẩu, những vườn tiêu xanh mượt và câu chuyện đãi khách của nhà vườn luôn là món quà thích thú cho du khách. Và nói như một vị lãnh đạo huyện, tiêu là món quà thứ hai không thể thiếu trong giỏ của du khách sau một chuyến du ngoạn đảo Phú Quốc.

Phương Nam – Trần Phước
Theo TBKTSG
——————-

Biển Phú Quốc tuyệt lắm: biển nông, cát vàng sáng, ít sóng, nước ấm và trong vắt.
Sẽ có bài viết về chuyến du lịch 5 ngày của Dũng tôi tại hòn đảo ngọc này. Mong các bạn sẽ đón xem.

Điền Gia Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *