(Tiếp theo) – Mặt dù bọn mình qua lại Lộc An rất nhiều lần (phượt theo đường ven biển trong các chuyến đi) nhưng chưa lần nào ở lại và tắm biển tại đây. Vì vậy, trong chuyến ngắn ngày này: mình dự định sẽ ở lại nơi ni khám phá cung cách ‘theo thuyền thúng băng hồ ra bãi biển’ xem nó ra răng mô.

< Đến Ngã 3 Lộc An trên TL44A, mình rẽ phải hướng đến nơi ‘có thuyền thúng băng ngang đùng ra bãi biển’.
Tiện đây, mình sơ lược ít thông tin từ net về vùng biển nì:
Bãi biển Lộc An thuộc xã Lộc An, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Lộc An ngoài vai trò là một di tích lịch sử cách mạng, còn là một thắng cảnh làm hài lòng các bạn yêu du lịch.

< Vào địa phận Lộc An, biểu trưng tựa như cánh buồn của những con tàu không số, lúc này trời vẫn nhiều mây dù đã 10h30.

Cửa biển Lộc An chính là điểm hẹn của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, cửa biển Lộc An đã trở thành tuyến giao thông nối liền giữa miền Bắc và miền Đông Nam bộ. Nơi đây đã bao lần chứng kiến nghệ thuật tài tình, khéo léo của các chiến sĩ cách mạng chuyển vũ khí cho mặt trận miền Đông Nam bộ.

< Đoạn đường kéo dài đến đường ven biển, không biết bọn mình đã qua bao nhiêu lần nhưng nó vẫn đẹp, vẫn tạo sự thích thú.

< Vào trung tâm xã Lộc An rồi xuôi ngược tìm… nhà nghỉ và nơi ‘măm’.

Lộc An vừa có biển, có sông, có rừng nên rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái và về nguồn của giới trẻ. Bạn có thể đi thuyền trên vàm sông Ray, leo núi tham quan núi Minh Đạm cách đó chừng vài kilômet.

< Qua nhà hàng Phương Trang, chỉ còn quán Sáu An, quán ‘bự’.

Khác với biển ở những nơi khác, muốn ra bãi biển Lộc An bạn phải dùng xuồng hoặc thúng câu băng qua một hồ nước rộng, người địa phương gọi là đùng. Điều này lại làm cho bạn thích thú vì được lắc lư trong chiếc thúng câu rong chơi trên mặt hồ phẳng lặng.

< Chợ Lộc An bị chụp hỏng, mình ‘càn’ xe trong chợ, lội sình ra đến phía sau nhưng dòng ‘đặc sản bình dân’ mà mình tìm không có – lúc này đã gần 11h.

Những phương tiện chuyên chở “đặc chủng” cùng với ghế bố, dù, võng, lò nướng… thường được các khách sạn ở đây miễn phí nếu khách nghỉ qua đêm. Nếu bạn không muốn ăn theo thực đơn của nhà hàng thì có thể vừa tắm biển vừa thưởng thức hải sản mùa nào thức nấy được mua trực tiếp của ngư dân.

< Tua tới lui chỉ thấy vài quán nhậu, quán lẩu. Vậy là mở cuộc ‘họp’ tại chỗ, quyết định cuối cùng: về Long Hải thôi!
Phượt ‘tiết kiệm’ không thể tồn tại ở nơi đây.

Biển Lộc An trong xanh và kín gió, bãi cát phẳng lì nằm dưới những cánh rừng dương trải dài vô tận, sẽ cuốn hút bạn ngay lần đầu đặt chân đến. Sông màu xanh lá, còn biển màu xanh trời, ở giữa là những bãi cát trắng. Mặt nước ở cửa biển phân ra thành những dòng chảy khác màu rất ngoạn mục.

< Long Hải còn 13km, rẽ phải là đi Đất Đỏ, chỉ 6km.

Ngoài ra, bờ Bắc phía bên kia cửa biển Lộc An có một bãi tắm đẹp (đây chính là doi đất của KDL Sông Ray mà bọn mình đã vào 1 lần) với các hàng quán, khu du lịch nằm trong vườn dương rợp bóng mát. Trước kia, khách thật thú vị khi men theo con đường dài vài km với một bên là bãi biển mênh mông sóng vỗ, một bên là dòng sông xanh mướt hàng cây ven bờ để tới cửa biển Lộc An – Vậy nhưng ngày nay thì nhà nghỉ và KDL đã chận hết tầm mắt rồi.

< Rừng dương tại Phước Hải đây, băng ngang khoảng rừng này sẽ gặp ngay bãi biển. Đây cũng chính là TL44A nối dài đến Long Hải.

Thông tin về Lộc An chỉ có vậy: Biển sạch đẹp? nơi này có. Hoang sơ? mình cho rằng cũng có luôn. Tuy nhiên, khi đến và lướt qua lại vài vòng tìm nơi nghỉ thì Lộc An chỉ có Lộc An resort và khách sạn lớn đối diện mang tên Thanh Phong. Riêng khách sạn Lộc An Xanh kề cận thì… cửa đóng then cài, chợ Lộc An không có hàng quán ngoài vài quán lẩu hay nhậu trên đường vào chợ. Phía ngoài đường lớn có một hai quán lớn, trong đó có nhà hàng Phương Trang Lộc An.

< Ngã 3 có đường lên núi Minh Đạm, phía đối diện bên kia đường rào kín kiểu ‘xí phần’ của KDL Kawasami. Bãi biển bây giờ… xa xăm lắm.

Chuyến này tài chính khá ‘bèo nhèo’: không nhà nghỉ rẻ thì thế quái nào có chốn trọ đây? Còn qua bữa, cũng không thể cứ khoa chân tại nhà hàng. Vậy nên, tua đi tua lại vài lần: bọn mình tính kế… biến! Nhưng đi đến chốn nào? Hồ Tràm – Hồ Cốc? hay quay về Long Hải?
Cuối cùng, dứt khoát về Long Hải thôi – chân phượt, vài mươi cây số chả bỏ bèn gì cả, vậy là go!

< Khu rừng hoa anh đào ven đường có từ thời quân phiệt Nhật càng ngày càng thu nhỏ diện tích, thay thế bằng resort, KDL và hoa phượng đỏ.

< Xưa là rừng đào, nay là ít cây đào và nhiều vách tường ngăn cách. Ta có thể so sánh bằng hình ảnh vệ tinh mươi năm trước và hiện tại sẽ thấy diện tích teo lại rất nhiều.

< Tường vàng rồi tường xám ngút ngàn. Khu vực bãi tắm Đèo Nước Ngọt bây giờ trở thành khu resort cùng tên.

Bạn còn nhớ chuyến ‘Vượt hai đảo về Long Hải’ cách đây 2 năm trước của bọn mình không? Long Hải với vùng biển, bãi đá và chỏm đá tại Mộ Cô gây ấn tượng sâu với người lữ khách. Đồi Cô Sơn, nơi có Mộ Cô trang nghiêm nhưng lại đẹp thanh nhã.

< Vào đèo Nước Ngọt rồi đây, chuyến này mình bỏ sót việc tái ngộ cùng bãi đá đèo Nước ngọt.

Long Hải với hàng ‘đống’ nơi trú ngụ, từ KDL, khách sạn, resort cao cấp đến những khu nhà nghỉ bình dân và ‘thật bình dân’ với giá mềm… tha hồ cho khách chọn.
Còn về chuyện ‘măm măm’ thì không phải bàn: Nói chung, mọi thứ có tất tần tật từ cao cấp đến ‘giá địa phương’ – túi chỉ cần rủng rỉnh là không lo đói…

< Bãi đá đèo Nước Ngọt? Nếu mình không quẹo mà cứ đâm xe thẳng tiến thì sẽ đến bãi đá ngay… phía dưới kia.

< Đến chỗ phân chia hai làn, đây là làn đường phía trên có chiều hướng về Long Hải.

… Tuy nhiên, đã qua 2 năm rồi: liệu những ưu thế đó có thay đổi theo thời gian không? Chuyến trở lại này sẽ là câu trả lời chính xác nhất bạn nhỉ?

< Tỉnh lộ 44A Long Hải đoạn ngay Long Hải Beach Resort và Anoasis resort đây, lề đường rợp bóng phượng đỏ, hè mà.

< Nội ô Long Hải vẫn trông như ngày nào. Bữa trưa ‘măm’ gì đây? Bọn này trực chỉ qua quán cơm tấm Diễm. Chỗ này nhiều món ăn ngon, giá cả thật bình dân (vị trí khoảng chừng tại đây).
Dĩa cơm no đủ và ngon lành có giá chỉ 20k

< Gia Long là nhà nghỉ bọn mình chọn: 150k/ngày – phòng sạch đẹp và rộng với 2 giường lớn, 2 quạt, TV cáp, nước nóng lạnh, linh tinh lang tang đủ thứ cả… máy lạnh (xài máy lạnh thì 200k) – nói chung mọi thứ đều tuyệt.
Có điều đây là mức giá ngày thường, còn cuối tuần hay lễ tết phải cộng thêm bét nhất là 50k.

< Vừa tiêu cơm một tẹo là bọn này phóng xe ra nơi đáng nhớ nhất tại Long Hải: bãi đá Mộ Cô.
Thật ra cũng không xa, từ nhà trọ Gia Long đi bộ ra chỉ tầm 600m.

< Biền và đá nơi đây vẫn đẹp như ngày nào. Vậy nhưng…

< … chỏm đá Hòn Hang hiện tại thì thế này đây! Đỉnh đá trơ trọi, bãi đá bị chôn vùi dưới kè bê tông của resort. Màu xanh chân bãi và trên đồi biến mất, thay thế bằng lổn ngổn đá xây dựng…
Xem ra, chỉ có tấm bảng bê tông ghi chữ cấm tắm (vì nhiều đá) vẫn còn nguyên si!

< Bạn hãy so sánh ảnh mình chụp Mũi và bãi đá trong chuyến đi gần 2 năm trước.
Thiên nhiên tạo thắng cảnh mất hàng hàng ngàn năm. Vậy nhưng người ta chỉ mất một hai năm để phá hỏng nó vĩnh viễn.

< Khách vào resort do người ta thích thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên. Vậy nên rất nhiều resort có tầm nghĩ xa thường trân trọng và giữ gìn cảnh đẹp tự nhiên do họ biết sẽ rất khó để tạo nên khung cảnh hoang sơ tương đối. Còn trường hợp xây resort này thì…
Thôi, không bàn nữa, đáng nào nó cũng đã chấm hết rồi!

< ‘Nửa kia’ đây. Phía sau, chỗ khoảng đất trống không còn quán bố già, nay thay thế bằng vài ba hàng quán khác.

Theo định nghĩa tự điển thì: Resort tức là khu du lịch sinh thái phục vụ các nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan du lịch của du khách. Resort thường được xây dựng ở những nơi có cảnh quan tự nhiên đẹp yên tĩnh, xa khu dân cư… và chủ yếu được tạo dựng theo hướng hòa mình với thiên nhiên, có không gian và cảnh quan rộng, thoáng, xanh…

< Mình săm soi chụp ảnh. Trên thân cây ngay tầm tay có chữ ‘GO’ ai đó đã khắc. Chữ ‘Go’ ni là NISAVA hay thấy cảnh tàn phá này là dông luôn?
Không biết được…

Resort khác với các cơ sở lưu trú thông thường bởi hệ thống dịch vụ liên hoàn, tổng hợp, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách như dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, luyện tập thể thao. Do Resort mang lại những giá trị và dịch vụ hoàn hảo hơn nên giá cũng khá đắt so với giá phòng khách sạn cùng tiêu chuẩn.

< May mắn là bãi đá ven biển trước Mộ Cô vẫn còn nguyên, thật hoang sơ huyền ảo.

Người nông thôn lên thành thị thì mong tìm sự thích thú trong tiện nghi, chất liệu sang trọng trong khung cảnh nhà chọc trời. Ngược lại, người thành thị tránh gần máy lạnh, nền bóng loáng… mà tìm đến hương đồng gió nội, gạch tàu, ghế tre… giữa chốn hoang dã của trời đất… v.v…

< Từ đây, đứng nhìn về bãi tắm Long Hải: có lẽ vẫn còn như ngày xưa?
Mong rằng như vậy…

Trong trường hợp resort đang xây dựng này, có lẽ mọi quy tắc hoàn toàn thay đổi vì người ta đã ‘làm thịt’ thiên nhiên bằng cách lấn biển, phá sạch bụi rừng…

Còn tiếp
Sau một chuyến đi – Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8

NISAVA TRAVEL! – Điền Gia Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *