Chương trình nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” đang diễn ra tại Sun World Fansipan Legend đưa người xem bước vào hành trình khám phá Tây Bắc, Sa Pa và nóc nhà Đông Dương. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cùng ê kíp dành nhiều tâm huyết dàn dựng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách khi đến World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai).
Phạm Hoàng Nam – người đã đặt cả tâm huyết để dàn dựng show diễn “Vũ điệu trên mây” đậm chất nghệ thuật. Ảnh: Quốc Nguyễn. |
– Anh muốn gửi gắm câu chuyện gì qua show “Vũ điệu trên mây”?
– Tây Bắc là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ riêng tôi mà còn với nhiều người thực hiện các mảng nghệ thuật khác nhau. Khi lên tới Fansipan, tôi đã phải lòng ngay văn hóa Tây Bắc. Trước đây, tôi là người chiêm ngưỡng. Song, hiện tôi lại sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng văn hóa đó, để làm nên một show diễn không chỉ thuần Việt mà còn đậm chất Tây Bắc và giàu cảm xúc.
Show “Vũ điệu trên mây” là sản phẩm thứ hai sau “Vũ hội Ánh Dương”, nằm trong chuỗi các show diễn sẽ được tổ chức ở các Sun World trên cả nước. Tùy theo mỗi Sun World, các show diễn được phát triển theo tính chất khác nhau. Riêng “Vũ điệu trên mây” là sự chắt chiu các tinh túy của văn hóa dân gian Tây Bắc nói chung và những vũ điệu của Tây Bắc nói riêng. Vì vậy, show này là sự tổng hợp và hòa quyện của các điệu vũ quen thuộc, nổi tiếng cùng sự sáng tạo mới của ê kíp, để khán giả có thể nhìn thấy cả Tây Bắc trong một tổng thể chung, không phân biệt vùng miền, dân tộc.
– Chất Tây Bắc được thể hiện thế nào trong “Vũ điệu trên mây”?
– Câu chuyện mở đầu bằng phiên chợ tình đặc trưng miền cao, ở đó chàng Đỗ và nàng Quyên – hai nhân vật được lấy tên theo loài hoa đỗ quyên đặc trưng của rừng Hoàng Liên – quen và đem lòng yêu nhau. Tiếp theo tình yêu đơm hoa kết trái là đám cưới, được lấy tích theo đám cưới người Dao Đỏ, rất đặc biệt ở vùng Tây Bắc.
Nếu câu chuyện chợ tình là của người Mông, thì đám cưới là của người Dao Đỏ. Và sau đó, tất cả dân tộc đoàn kết lại để làm thành một vũ hội lớn của vùng Tây Bắc. Vũ hội với sự tham gia của khán giả gồm cả người Kinh, tạo nên một khối gắn bó có tính kết nối, kết đoàn dân tộc.
Cuộc gặp gỡ trong phiên chợ tình của chàng Đỗ và nàng Quyên được thể hiện qua nghệ thuật múa dân gian đương đại cùng kỹ thuật múa Duo. Ảnh: Quốc Nguyễn. |
Khi cuộc vui lên đỉnh điểm thì có tiếng chuông vang lên. Ở đây có một bước chuyển rất quan trọng. Trong đó, ở dưới là vui nhộn, là văn hóa, đi một quãng đường dài đến sân mây thì tâm hồn tĩnh lặng lại để lên đỉnh Fansipan. Từ văn hóa sang tâm linh, còn là câu chuyện ở bên trong mỗi con người khi trải nghiệm. Cụ thể, mỗi người sẽ gột rửa, bỏ lại tất cả lo âu phiền muộn dưới núi, bỏ lại tất cả sân si, để đi tới một chốn tâm linh bình yên trong trẻo. Đến khi gột rửa hết tất cả, mỗi người sẽ tìm được sự tĩnh lặng, đó là phần thiền.
Ở phần nghệ thuật sắp đặt, từ cùng một đạo cụ được biến tấu thành rất nhiều hình thức khác nhau, lúc này là khung cửi, lúc khác là gùi, lúc nọ lại là cánh hoa sen, cuối cùng thành một đài sen dâng lên đỉnh thiêng. Đó là đỉnh của tâm hồn mà mỗi người đạt được.
– Anh gặp khó khăn gì để chuyển tải trọn vẹn chất Tây Bắc đến người xem, qua những màn trình diễn ngắn ngủi?
– Tây Bắc có quá nhiều chất liệu độc đáo và đặc biệt. Đó có thể là một phiên chợ tình mờ tỏ trong sương, là đám cưới người Dao rộn ràng, là những khung cửi dệt thổ cẩm lẩn khuất trong các bản xa… Ê kíp sáng tạo đã vấp phải bài toán khó là làm thế nào để chắt lọc ra được những giá trị tinh túy nhất, tiêu biểu nhất của Tây Bắc.
Chúng tôi đã chia nhau đi khắp các bản làng mày mò tìm hiểu, và quyết định dựng “Vũ điệu trên mây” theo 5 khối màu cơ bản, tượng trưng cho các dân tộc vùng Hoàng Liên Sơn nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đó cũng là những khối màu cơ bản trong chất liệu thổ cẩm, vốn gắn liền với đời sống thường ngày của bà con vùng cao. Bất cứ dân tộc nào cũng có thể nhìn thấy mình trong đó.
“Vũ điệu trên mây” được dàn dựng theo 5 khối màu cơ bản, tượng trưng cho các dân tộc vùng Hoàng Liên Sơn và Tây Bắc. Ảnh: Quốc Nguyễn. |
Tôi và các cộng sự đã tạo ra những hình ảnh mang tính biểu tượng cao, ngay cả chợ tình hay đám cưới người Dao Đỏ cũng được biến hóa thành hình tượng nghệ thuật, chỉ sử dụng lại các yếu tố lễ, chuông rung, thủ tục cưới mang tính biểu tượng nhất.
Đây là show diễn hàng ngày nên thời lượng phải ngắn, tránh gây cảm giác nhàm chán hoặc ảnh hưởng đến lịch trình du lịch của khách. Chúng tôi quyết định làm thật cô đọng, với 2 phần, mỗi phần khoảng 10 phút, và phần mở màn 15 phút.
– Anh kỳ vọng gì ở show diễn này?
– Ngoài sự sáng tạo của người nghệ sĩ, mục đích cuối cùng của mỗi show diễn là phục vụ khán giả. Với “Vũ điệu trên mây’, ê kíp mong muốn tạo sự thay đổi và thu hút hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Fansipan.
Điều đầu tiên, chúng tôi muốn mang tới cho du khách những trải nghiệm văn hóa nghệ thuật thú vị khác khi tới Fansipan, ngoài hành trình chinh phục đỉnh cao và những hoạt động sẵn có. Thứ hai, chúng tôi tạo nên một nét độc đáo ở cả khu du lịch Sun World Fansipan Legend lẫn show diễn, gồm hai phần: văn hóa Tây Bắc và yếu tố tâm linh.
Show diễn đưa du khách đi vào thế giới từ văn hóa tới tâm linh. Ảnh: Quốc Nguyễn. |
Ngoài là show diễn mang tính giải trí cho du khách, “Vũ điệu trên mây” còn đưa du khách đi vào thế giới từ văn hóa tới tâm linh, qua hành trình từ dưới núi lên tới đỉnh. Qua show diễn, khán giả sẽ chiêm nghiệm nhiều điều, khiến mỗi hành trình thêm thú vị. Khán giả sẽ có những ấn tượng về điểm đến đặc biệt này, từ đó lan tỏa, truyền bá để nhiều du khách đến đây thưởng thức Fansipan một cách trung thực, sống động nhất theo góc độ văn hóa và tâm linh nhất.
Thư Kỳ