(DLQT) – Ớt đối với người dân miền Trung nói chung và người Quảng Trị nói riêng là một gia vị hết sức quen thuộc, xuất hiện hằng ngày trong từng bữa cơm của mỗi gia đình. Ớt làm nước chấm chanh tỏi; ớt dùng để kho cá; ớt dầm cà, muối dưa; ớt khô xay làm gia vị; tương ớt; ớt dầm…

Chúng tôi về xã Hải Tân và Hải Quế, thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị vào một ngày nắng nóng chói chang, nơi có rất nhiều hộ gia đình trồng và chế biến ớt. Có rất nhiều loại ớt được trồng trong vườn nhà hoặc ở ruộng như: ớt chìa vôi, ớt bom, ớt chuông, ớt mọi, ớt chuồn chuồn, ớt cao sản. Chị Đào Thị Trinh (40 tuổi, làng Câu Nhi, xã Hải Tân) cho biết, chị đã làm nghề trồng ớt được 8 năm, mỗi vụ ớt cho gia đình chị thu nhập thêm từ 3 – 4 triệu đồng.

Vào tháng Giêng người ta bắt đầu trồng trên đất màu. Sau thời gian 6 tháng chăm bón, làm cỏ, vào phân, trừ sâu đục quả…, ớt sẽ được thu hoạch. Ớt ở đây thường được chế biến thành ớt dầm hoặc tương ớt. Ớt dầm là đặc sản vô cùng độc đáo của riêng vùng đất nơi đây, bởi để ướp được ớt cần kỹ thuật tinh tế từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, thao tác muối, tỷ lệ các thành phần cũng như chọn loại nước dùng để ngâm.
NISAVA
Khác với vùng đất Hải Tân, người Hải Quế trồng ớt trên đất cát, cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao không thua kém gì đất thịt. Gia đình bác Nguyễn Văn Tích (làng Kim Long, xã Hải Quế) đã có ba đời theo nghề trồng ớt. Bác Tích tâm sự rằng, cây ớt thực sự gắn bó với người dân vùng cát trắng nơi đây, bởi là loại cây dễ trồng và đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Ớt Hải Quế sau khi thu hoạch chủ yếu làm ớt bột – thứ gia vị không thể thiếu trong từng món ăn của người miền Trung. Ớt làm bột là những quả to, đẹp, vỏ dày, sau khi được phơi sẽ được giả sàng bằng tay kỹ lưỡng.

Khi bước vào bất cứ quán ăn nào ở Quảng Trị, thực khách sẽ thấy trên bàn luôn để sẵn một lọ ớt, có khi là ớt bột, nhiều lúc là tương ớt hoặc ớt tươi dầm nguyên trái hay ớt thái nhỏ ngâm cùng tỏi và nước mắm. Không biết từ bao giờ người Quảng Trị đã quen với sự có mặt của ớt trong từng món ăn. Có người cho rằng, người Quảng Trị ăn cay là bởi để chống lại cái lạnh và mưa dầm như một phương thức thích nghi với cuộc sống.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết rất tinh tế như một nguyên cớ đầy thuyết phục: “Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi”. Phải chăng ăn ớt còn là để đánh lừa vị giác, để quên đi sự đạm bạc khi thiếu thốn. Cũng rất nhiều người đã đồng tình rằng, ớt khi chế biến cùng các loại cá, mắm sẽ giảm bớt vị tanh và tăng tính hấp dẫn của món ăn. Ớt kho cá, ớt xào mực, ếch xào sả ớt… hương vị đặc trưng của từng món ăn sẽ thêm đậm đà khi ớt thấm vào hơi cay cay nơi đầu lưỡi.
NISAVA
Đọc đoạn mô tả món cá kho ớt của nhà thơ Văn Công Hùng mới cảm nhận được đầy đủ cái tinh túy của hương vị quê hương cay nồng trong thớ mũi: “Cái bùi, cái béo, cái ngon, cái ngọt, cái bổ, cái tươi, cái nhân nhụy, cái nồng nã của con cá như lặn hết vào quả ớt. Quả ớt căng ra, viên mãn và phủ phê, ngập cái tinh túy của nồi cá kho, nghiêng răng cắn một miếng, và một đũa cơm, thôi thì khổ sở bực bội ở đâu không biết, đến đây thì dừng lại cho cái hít hà giãn nở của khuôn mặt, của ánh mắt, của cái ánh hồng trên má và cả lấm tấm những giọt mồ hôi, vì cay, vì khoái”.

“Người miền Trung ưa trái ớt
Mọc trong khô nóng gió Lào
Nấu canh cũng dùng lá ớt
Ngọt đắng quện vào xôn xao”

Những ai là người Quảng Trị, người miền Trung khi đi xa, khi thưởng thức ẩm thực của những vùng đất mới ắt hẳn sẽ cảm thấy “thiếu” thứ gì quen thuộc lắm. Cái quen thuộc ấy, giãn đơn lắm, dung dị lắm, chỉ là một thứ gia vị có ngay trong vườn nhà. Ấy vậy mà, cũng khó lắm khi ở nơi xa – tìm được cái vị cay cay nồng nồng đặc trưng của vùng đất nắng gió nơi dải miền Trung nhiều lam lũ.

Theo Ngô Thị (Dulich Quangtri)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *