Từ ngày 5.4, một con voi ngà lệch xuất hiện trong rẫy của người dân gần khu dân cư thuộc ấp 3, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Lúc ấy, con voi ngà lệch này tỏ ra rất dạn dĩ khi đi kiếm thức ăn, không phá nhà cửa cũng như vườn cây của người dân địa phương như một số trường hợp voi xuất hiện trước đây tại khu vực này. Người dân nói rằng ‘Ông hiền lắm, ai muốn chụp hình, quay phim cứ lên tiếng xin là ông đứng lại cho chụp, ghi hình. nhiều lúc khoảng cách giữa ông và tụi tôi chỉ khoảng 15m’.

Tuy nhiên, nếu bị kích động vì đông người hoặc bị rượt đuổi, ông có thể bực bội và trở nên nguy hiểm. Để mục kích ông voi ngà lệch này, nhóm phóng viên Thanh Niên đã làm một chuyến đi đến Phú Lý…

< Voi xuất hiện trong rẫy nhà dân hồi đầu tháng 4/2016.

Sau nhiều ngày lần theo dấu vết của voi ngà lệch, cuối cùng tôi cũng đã có dịp đối đầu với “ông voi” tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Từ TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) men theo đường 761 dài khoảng 25 km, chúng tôi tìm về xã Phú Lý. Ở đây, trong nhiều tháng qua, người dân khốn đốn và lo lắng khi con voi ngà lệch (do có chiếc ngà bên phải bị cong và lệch vào giữa nên người dân gọi là voi ngà lệch) liên tục xuất hiện tàn phá hoa màu, cây trái. Đây là con voi già và to lớn nhất trong đàn voi tổng số khoảng 13 con hiện đang cư ngụ trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên và Công ty lâm nghiệp La Ngà – ba đơn vị tiếp giáp với nhau, trải dài trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú (thuộc Đồng Nai).

Muốn ghi hình thì xin “ông” một tiếng

Chiều tối 13.4, tôi đến Trạm kiểm lâm Suối Cốp (đóng tại địa bàn ấp 2, xã Phú Lý) với lời đề nghị được một lần diện kiến con voi ngà lệch. Nhân viên kiểm lâm đồng ý và yêu cầu phải chuẩn bị tâm lý vì voi ngà lệch thường xuất hiện từ đêm trở về sáng, muốn gặp thì vào trạm ở lại vài hôm. Trong bữa cơm tối, các nhân viên kiểm lâm thay nhau kể về những lần giáp mặt với “ông” voi ngà lệch (từ mà kiểm lâm và người dân nơi đây gọi voi ngà lệch để bày tỏ lòng kính trọng – NV) một cách say sưa.

< Con voi ngà lệch này từng thường xuyên xuất hiện hồi tháng 03/2014 và có lúc rất thân thiện với con người…

Kỷ niệm giáp mặt thì không người nào giống người nào nhưng tất cả đều chung nhận xét voi ngà lệch hiền lắm, quan trọng là cách đối xử làm sao đừng để “ông” giận thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. “Muốn ghi hình thì xin một tiếng là ông đứng yên cho mình chụp thoải mái”, kiểm lâm viên Phạm Văn Đồng cho hay. Như để dẫn chứng, anh Đồng còn lấy chiếc điện thoại mở cho chúng tôi xem những tấm ảnh quay về voi ngà lệch rất rõ trước đó vài ngày ở khoảng cách chỉ khoảng 10 m.

< … nhưng có lúc cũng quật đổ nhà cửa, quật nát vườn tược thế này đây.

Nửa đêm đang lơ mơ ngủ thì anh Đồng đánh thức tôi: “Dậy, dậy. Chó mới sủa hình như ông về phía sau trạm”. Tôi liền bật dậy đi cùng anh Đồng băng rừng tiến về hướng chó sủa. Chiếc đèn pin trên tay anh Đồng le lói giữa màn đêm bao phủ mênh mông của núi rừng. Đứng giữa rừng nghe ngóng khoảng 30 phút mà không có kết quả gì, anh Đồng lên tiếng: “Thôi vào, ông chắc chắn đang ở ngoài đó nhưng tối thế này mình không nhìn thấy được đâu”.

Sáng sớm vừa tỉnh dậy, anh Đồng đã chuẩn bị xe máy chở tôi đi tìm voi ngà lệch. Bởi theo anh Đồng: “Có khả năng đang ở rẫy điều ở con suối phía sau trạm”. Nói là sau trạm nhưng đoạn đường từ Trạm kiểm lâm Suối Cốp đến con suối dài trên 1 km, rất gồ ghề, dốc cao lên xuống. Khi 2 người đi băng băng giữa đường rừng, bất chợt anh Đồng la lên: “Ông kìa”, rồi dừng xe lại.

Màn rượt đuổi thót tim

Theo hướng tay anh Đồng, cách chúng tôi khoảng 100 m, con voi ngà lệch đang chậm rãi bước vào rừng. Lần đầu tiên đối diện với “ông” voi ngà lệch, tôi vừa mừng vừa lo. Sau giây phút định thần, tôi vội đưa máy ảnh lên bấm lia lịa. Đứng cạnh bên, anh Đồng lên tiếng: “Ông ơi, cho tụi con chụp tấm hình ông ơi”.

< Phóng viên đang bám theo voi ngà lệch để “xin” chụp hình thì bất ngờ voi quay đầu rượt đuổi.

Tuy nhiên, có vẻ như lần này lời “van xin” không có hiệu nghiệm, con voi ngà lệch không đứng lại mà di chuyển vào sâu trong rừng buộc chúng tôi phải tất tả chạy bộ đuổi theo. Khoảng cách giữa hai bên lúc này được rút ngắn còn khoảng 50 m, bất thình lình voi ngà lệch quay đầu, quơ vòi, giậm chân rượt chúng tôi.

< Nói thật, nếu mà voi cố tình rượt đuổi thì phóng viên khó mà thoát được!

Lúc đó không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt bỏ chạy. Do có kinh nghiệm nên anh Đồng chạy xéo qua một bên tách thành hai hướng để voi không biết rượt người nào, riêng tôi chạy thẳng đường cũ và cố gắng lao nhanh về chiếc xe máy để thoát thân. May sao voi ngà lệch chỉ rượt theo tôi khoảng 10 m thì dừng lại. Thời khắc rượt đuổi chỉ diễn ra trong vài giây nhưng hồn vía của tôi như muốn lên mây, tim đập thình thịch. Lúc này, anh Đồng cũng quay lại tìm tôi và nói: “Chắc ông chỉ hù vậy thôi”.

Ghét màu đỏ

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết hiện khu bảo tồn ghi nhận đàn voi còn khoảng 13 con. Đây là giống voi châu Á với con cái làm đầu đàn, hay xuất hiện tại khu vực xã Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (H.Định Quán).

< Con voi ngà lệch phá hỏng xe máy vào ngày 11.4.

Lý giải về việc voi hay tìm ra khu dân cư vào mùa khô, ông Hiệp nói: “Một phần do thiếu thức ăn, thiếu nước và muối khoáng. Ngoài ra, còn do nguyên nhân voi quen và thích những loại trái cây do con người trồng nên cứ tới mùa là tìm về. Đặc tính của voi là rất thông minh, nhớ dai, đã ăn loại trái cây nào ngon là năm sau tìm về đúng y chỗ đó”.

Để hạn chế voi bớt ra khu dân cư, xung đột với người, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã cho đào những ao chứa nước trong rừng sâu, mua muối khoáng từ Thảo cầm viên (TP.HCM) về đặt ở những nơi voi thường qua lại. Hiện tại khu bảo tồn cũng đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai triển khai dự án bảo tồn voi khẩn cấp, với giải pháp chính là xây dựng hàng rào điện chiều dài 20 km (10 km cố định và 10 km di động) ngăn chặn voi xâm nhập, xung đột với dân.

“Voi ở khu bảo tồn nói chung và voi ngà lệch nói riêng cơ bản là hiền. Nếu không ai chọc phá thì ít khi voi tấn công người. Đặc biệt, voi rất ghét màu đỏ. Vì vậy mà các tấm pano, biển báo giao thông nằm trong khu bảo tồn có màu đỏ voi đi qua gặp là phá tan tành. Ngoài ra voi còn không thích người đi theo sau”. Đến lúc này, tôi mới hiểu được lý do tại sao mình bị voi rượt đuổi.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý, xác nhận “ông” voi ngà lệch từ sau tết đến nay ra khu dân cư nhiều lần nhưng không phá phách, chủ yếu tìm ăn các loại trái cây, thiệt hại không đáng kể.

Cụ thể, ngày 21.3, voi ngà lệch đã xuất hiện tại rẫy dân thuộc khu vực ấp 3 tìm ăn các loại trái cây được người dân trồng tại đây như xoài, mía, khoai mì. Còn vào sáng sớm 11.4, voi ngà lệch xuất hiện ở ấp 2 đứng nép vào một đám cây rậm cách lề đường khoảng 1 m. Người dân đi rẫy phát hiện nên đã dừng lại kịp thời và thông báo cho những người khác biết.

Lúc này có anh Nguyễn Văn Khang (ngụ ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý) đi xe máy (cũng màu đỏ) chạy với tốc độ quá nhanh nên không thắng lại kịp. Khi thấy nhiều người hô hào cảnh báo, anh Khang dừng lại nhưng đã quá gần con voi ngà lệch. Thấy vậy, anh Khang vội vã vứt xe bỏ chạy thì bị voi dùng vòi cuộn chiếc xe quăng lên quật xuống và ngồi lên làm bể tan tành. Sau đó, voi lại chui vào bụi núp tiếp chỉ ló đầu ra khiến ai cũng sợ, cuối cùng đành rủ nhau quay về nhà, bỏ rẫy.

Theo Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, đây là loại voi châu Á có tên khoa học Elephas maximus, được sách đỏ thế giới xếp vào loại EN – nguy cấp. Trong khi đó, sách đỏ VN đã xếp loài voi này vào loại CR – cực kỳ nguy cấp. Trong Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đã xếp voi châu Á vào nhóm IB – loài nguy cấp, quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo Lê Lâm (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *