Những ngày này tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh có rất nhiều người đi bắt ốc núi. Ốc núi từ lâu trở thành thực phẩm của đồng bào K’ho và là đặc sản cho người Kinh.

Ốc núi tròn gần bằng vòng tròn của lon bia, mình dẹp chứ không giống ốc bươu hay ốc sên. Trên lưng có màu nâu, phía dưới bụng vân trắng chạy theo hình xoắn trông khá đẹp.

Ốc núi khá nặng (10 đến 12 con là 1 kg), sống ở trong rừng sâu và gần các khe đá. Loài ốc núi chỉ xuất hiện trong các tháng mưa, nhất là từ tháng 5 tới tháng 10 âm lịch. Thức ăn là  lá cây và rong rêu.

Anh Nguyễn Hải Hợp sống tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh từ năm 1978, cho hay: “Thoạt đầu những người đi vùng kinh tế mới hơi ngại ngần, nhưng sau vài lần ăn ốc núi, thấy thịt ốc vừa ngọt vừa mềm. Đặc biệt thịt ốc núi xào sả ớt rất ngon”.

Bà Võ Thị Bảy chuyên mua ốc núi bán lại kiếm lời, nói: “Tôi bắt đầu mua ốc từ năm 2006 tới nay. Mỗi ngày mua được từ 30 đến 40 kg do đồng bào K’ho bắt về. Giá mua là 45.000 đồng/kg và bán lại cho khách 50.000 đồng/kg. Khách hàng là người địa phương và khách đi du lịch Đà Lạt trên đường về Bình Thuận”.

Đang lúc nói chuyện với chị Bảy thì gặp một người mang 5 kg ốc đến bán. Đó là chị Ka Srếp. Chị Ka Srếp  nói: “Muốn bắt ốc núi phải vào rừng, lên núi vào ban đêm. Vì vậy rất dễ  gặp rắn rết”.

Theo nhiều người cho biết: Ốc núi sống ở các cánh rừng, nhưng xuất hiện nhiều nhất ở rừng thôn 5 xã Đức Phú, huyện Tánh Linh.

Ốc núi sau khi rửa sạch thì cho vào nồi luộc. Sau đó cạy thịt ra khỏi vỏ, lấy phần đầu, rửa lại bằng muối cho hết nhớt trước khi chế biến. Ốc được chế biến thành các món như: nướng, xào sả ớt, hấp gừng… đều ngon.

Theo Trần Duệ (Báo Bình Thuận)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *