Cũng như nhiều dân tộc khác, Tết cổ truyền của người dân tộc Thái được tổ chức đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán của người Kinh.
Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An. Đối với người Thái nhiều vùng, thường coi ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Mọi người xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28, già làng hoặc Trưởng thôn, Bản đôn đốc mọi nhà tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29, bắt đầu gói bánh chưng.
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro sạch lẫn gạo nếp rồi sàng sẩy sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân thịt hành, đỗ vào bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong và đó cũng là chủ thể để dâng lên, báo cáo với tổ tiên những thành quả đã đạt được trong năm vừa qua.
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, với sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu. Trong đêm 30 tết quy định của người Thái nhang không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén…, nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra đánh và múa hát lăm vông.
Người Thái thường có phong tục gọi hồn. Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con còn lại dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La còn có hẳn một lễ hội gội đầu vào chiều 30 tết. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bến sông để tổ chức lễ gội đầu. Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm.
Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt. Sau khi gội đầu xong, tất cả mọi người đều tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ, múa xòe cùng các trò chơi dân gian khác. Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ trong nhà hôm mùng một tết được đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng một tết mà thôi (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).
Bữa cơm tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá với các món nướng, lạp, muối chua hay nước khô…
Người Kinh mùng một kiêng đến nhà nhau sớm, nhưng người Thái thì sáng mùng một đó đi nườm nượp đến nhà nhau chúc tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng một tết. Tối ngày mùng một họ làm lễ tạ ơn. Từ chiều mùng một, thanh niên bắt đầu đi chơi, và muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mùng 10 tết hoặc ra rằm tháng giêng mới về.
Phong tục đón tết của các dân tộc dù khác nhau nhưng đều có một điểm chung là trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng sợ to tiếng thì sẽ bị “dông” cả năm. Đón tết mừng xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng.
Theo Cinet
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }