Công trình thủy điện, thủy nông Ayun Hạ hoàn thành năm 1994, nằm trên địa bàn 2 huyện Chư Sê và Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Với diện tích mặt nước 37 km², công trình vĩ đại, tuyệt đẹp này không chỉ khiến Gia Lai trở thành vựa lúa của Tây Nguyên, nó còn giúp hàng ngàn nông dân mưu sinh, thoát nghèo bằng nghề đánh bắt cá.

Sung túc nhờ hồ

Những ngày lang thang quanh khu vực hồ Ayun Hạ, một lần đứng trên đỉnh đèo Chư Sê phóng tầm mắt nhìn xuống hồ, tôi mới thực sự ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh. Toàn cảnh bức tranh nền là một màu xanh trù phú.

Hai bên hồ là hai dãy núi sừng sững ôm lấy dòng sông Ayun hiền hòa. Phía dưới là nhà máy thủy điện Ayun Hạ và dòng nước trong xanh chảy theo kênh chính dài ngút tầm mắt, uốn lượn theo những cánh đồng chạy dài xuống thị trấn Ayun Pa tạo nên bức tranh đồng quê tự nhiên, hài hòa. Những mái nhà tranh cất tạm của ngư dân nằm lúp xúp bên bờ hồ. Dưới lòng hồ, những chiếc thuyền của ngư dân lững thững trôi… khung cảnh thật êm đềm.

Hỏi thăm mãi, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của già làng của làng T’lâm, xã Ayun. Năm nay đã gần 80 tuổi, già làng K’puih từng trải qua biết bao thăng trầm của quê hương, từng có những tháng năm dài tham gia nuôi giấu bộ đội trong cả 2 thời kỳ chống Pháp, Mỹ. Đêm đêm, già làng cùng thanh niên trong làng chèo thuyền độc mộc chở bộ đội vượt sông, mai phục dưới chân đèo Tung Kê tiêu diệt kẻ thù.

Già làng khoe: “Từ lúc có hồ đến nay, bà con hết nghèo đói, sống khỏe. Giờ nhiều người thích xuống nước bắt cá hơn lên rừng rồi”. Theo già làng K’puih, chỉ tính riêng xã Ayun đã khoảng hơn 300 hộ làm nghề đánh bắt cá trên hồ. Trẻ con trong làng khi vừa biết đi cũng là lúc phải tập bơi, lên 10 tuổi đã biết câu cá, thậm chí có đứa giăng lưới thành thục, biết canh con nước, ngọn gió để đặt câu, buông lưới. Quả thật, hồ Ayun Hạ đã cho bà con cuộc sống sung túc.

Tôi gặp ngư dân Đ’Breng, ở làng T’Lâm, xã Ayun, giữa lúc anh vừa đi thả lưới về. Tôi ngạc nhiên thấy quần áo anh sũng nước nhưng chẳng thấy cá đâu. Anh cười bảo: “Bây giờ mình chỉ thả lưới xuống thôi, về ngủ 1 giấc rồi sáng dậy sớm đi mang cá về bán thôi”. Tôi hỏi: “Thả lưới không có người trông người khác xuống lấy mất thì sao?”. “Không đâu, ai cũng có mà”, anh thật thà đáp.

Già làng K’puih cũng nói với tôi rằng từ xưa đến giờ chưa từng xảy ra mất trộm lưới. Đ’Breng năm nay gần 50 tuổi và anh chẳng nhớ đã gắn bó với dòng sông từ lúc nào. “Ngày xưa theo cha đi bắt cá dưới sông, cũng có cá. Bây giờ có hồ rồi, nhiều cá lắm, không phải ngược lên thượng nguồn nữa”, anh nói tiếp. “Thả lưới một đêm được bao nhiêu cá?”, tôi hỏi Đ’Breng. Anh đáp: “Nhiều lắm, con nào cũng to, mang nặng vai. Ở đây nhiều người thả lưới giỏi lắm”. Đ’Breng bảo, cách đánh cá của những ngư phủ trên sông Ayun rất khác người. Buổi chiều sau khi đi rẫy về họ chỉ ra sông buông lưới xuống để sáng mai ra thu lưới và mang cá về bán.

Đối diện các làng thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê là các làng ngu phủ Kim Piêng, Plei Bông, Plei Trơk, Plei Hek… của xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện đang có cuộc sống sung túc nhờ hồ Ayun Hạ.

Buổi chiều, hoàng hôn buông xuống thật nhanh. Những ngôi nhà sàn bắt đầu sáng đèn. Tôi ngỏ ý muốn ở lại một đêm, già làng K’puih gật đầu, cười bảo: “Rừng đủ thức ăn, đủ chỗ ngủ mà”.

Kiêng kỵ khi buông lưới

Buổi sáng, khi mặt trời chưa ló rạng tôi đã giật mình choàng tỉnh bởi tiếng khua mái chèo, tiếng gọi í ới bằng tiếng bản địa. Già làng K’puih đang ngồi thư thái nhìn ra khoảng sân đầy heo gà, miệng phì phèo tẩu thuốc. Tối qua, tôi đã được xúc miệng bằng rượu cần, có vị thuốc, được thưởng thức món cá hồ Auyn Hạ nướng, nấu măng chua, và sau đó, ngủ một giấc thật say trong tiếng ru của cây rừng…

Bên ngoài, bờ hồ tấp nập, mọi người đang hối hả xuống xuồng, đi gỡ lưới. Tôi nhanh chân theo bước theo Đ’Breng. Biết tôi có ý định theo ra hồ, anh bảo: “Hồ sâu lắm, anh có biết bơi không?”, thấy tôi gật đầu, anh tiếp: “Hồ cũng có thần linh cai quản, phải khấn trước nếu không thần không cho xuống, không cho cá đâu”. Nói rồi anh chắp tay, ngửa mặt rì rầm một lát rồi nói: “Xong rồi”.

Chúng tôi bước xuống thuyền. Những chiếc thuyền khác cũng bắt đầu ra sông. Đ’Breng bảo, không chỉ khấn, xin phép thần trước khi ra hồ, còn phải hứa không được làm điều xằng bậy như phóng uế, bắt cá nhỏ, gian lận… Lưới của Đ’Breng thả không xa bờ, nhưng khi anh vừa kéo lên, đã thấy mấy con cá mè khá to giãy giụa.

Suốt thời gian gỡ cá, Đ’Breng không nói một lời. Mẻ cá từ nắm lưới dài chừng 30 m Đ’Breng thu chừng 40 con cá mè, cá lóc, cá trôi. Ước cũng hơn chục ký cá. “Mình bán bao nhiêu tiền một ký?”, tôi hỏi anh. “Có khi 20 ngàn, có khi cao hơn. Tùy hôm, khi nào họ bảo hôm nay cá rẻ thì mua thấp, hôm nào đắt thì họ trả cao”.

Hồ Ayun Hạ có rất nhiều cá. Cá tự nhiên vốn đã nhiều nay được Cty Thuỷ sản miền Trung thả giống chăn nuôi nên cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống quanh lòng hồ Ayun Hạ càng sung túc hơn xưa. “Ở đây nhiều cá to lắm. Vì nó sống lâu nên rất khôn. Lưới không bắt được nó đâu. Có khi nó được thần nước bảo vệ rồi cũng nên”, Đ’Breng nói.

Hằng ngày vào buổi trưa, sau khi thuyền đánh bắt cập bến, những xe tải đông lạnh lại chở cá nước ngọt đi khắp mọi miền đất nước. Cá ở đây nhiều vô kể và đa dạng về chủng loại như: trôi, chép, mè, lăng, trắm cỏ… và đặc biệt là cá thát lát, một trong những đặc sản nức tiếng của Gia Lai.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, hồ Ayun Hạ và cả những vùng đất xung quanh nó đã trở thành mảnh “đất lành”, thu hút nhiều người đến mưu sinh. Anh Đ’Đôk, một ngư dân mới chuyển đến làng Plei Trơk, xã Ayun va cũng sống nhờ nguồn cá trên hồ nói: Lúc trước, anh sống ở xã H’Bông, huyện Chư Sê nhưng đời sống gặp nhiều khó khăn vì khô hạn, đất đai cằn cỗi.

Nhưng từ lúc chuyển cả gia đình về đây, lòng hồ Ayun Hạ đã giúp anh và cả gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. “Tôi biết ơn hồ, biết ơn thần linh đã chỉ dường cho tôi gặp hồ, biết ơn nhà nước đã làm hồ nước này cho bà con”.

Ngày xưa, ở các buôn làng Tây Nguyên, ai cũng biết câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Nhưng bây giờ, câu ca ấy đã đi vào dĩ vãng, chẳng còn ai nhắc đến nữa. Hồ Ayun Hạ đã mang rất nhiều cá đến cho họ rồi, nên họ chỉ gửi sản vật của rừng về xuôi thôi chứ không cần dưới đó gửi cá lên nữa.

NISAVA TRAVEL! – Theo Báo Nông Nghiệp, internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *