Vùng đất Cà Mau có nhiều cái tên chợ rất lạ, người nơi khác thoáng nghe qua rất khó hiểu như “chợ chạy”, “chợ chồm hổm, chợ quê”, “chợ tôm”. Nhưng gần đây lại có thêm cái tên chợ rất lạ là “chợ lúa hai bận”. Có lẽ đây là ngôi chợ có một không hai ở vùng sông nước Cửu Long…
Cái chợ có tên lạ lùng ấy tọa lạc tại cống vàm Rạch Cui (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Chợ chỉ có hơn 10 gian hàng ăn uống, giải khát, tạp hóa, phân bón, xăng dầu,… Trong đó, mặt hàng bày bán phổ biến nhất là lúa. Do quy luật cung – cầu lương thực của một bộ phận nông dân trên cánh đồng lớn thuộc 2 xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông mà chợ lúa tự nhiên này nhóm họp theo mùa vụ thu hoạch ngắn ngày.
Chợ này nhóm họp chỉ 2 lần/năm (từ địa phương là hai bận/năm) nên được gọi chết danh là “chợ lúa hai bận”. Vụ họp chợ đầu tiên trong năm lúc lúa chín đồng loạt vào khoảng tháng 7, tháng 8 mưa dầm. Vụ thứ 2 bắt đầu sau những ngày vui xuân, đón Tết.
Thời điểm họp chợ, lúa chứa đầy bao chất chồng tràn lan trên hai bờ rạch, kéo dài từ dốc cầu bê tông ra tới cống ngăn mặn. Theo các bậc cao niên ở Rạch Cui, mặt bằng “Chợ lúa hai bận” nằm lọt thỏm trong phần đất nhị tì thuộc sở hữu của ông Năm Chánh.
Thời chiến tranh, ông Năm sống đời thương hồ để trốn bắt lính. Sau ngày đất nước thống nhất, ông gác chèo, lên bờ trồng lúa. Vào vụ hè thu, lúa thường chín vào tháng mưa, nhà nông chưa có điều kiện làm sân phơi nên vô cùng vất vả. Có lúc phải bán đổ, bán tháo trước khi lúa lên mộng, giá rẻ như cho…
Tuy nhiên, khi xã Khánh Bình Đông tách ra làm 2 xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông. Cùng với chủ trương chuyển đổi lúa giống nhằm khai thác triệt để tiềm năng con người, đất đai, áp dụng khoa học – kỹ thuật, vùng đất này quy hoạch thành những cánh đồng lớn… Để giúp người trồng lúa canh tác hiệu quả, Nhà nước đầu tư cống, đê bao khép kín kết hợp làm lộ nông thôn.
Phần đất của ông Năm Chánh bị con lộ nhựa phóng ngang. Sau đó Nhà nước làm thêm cống bê tông kiên cố, cánh thương hồ muốn vào mua lúa phải đậu ngoài cống. Lâu ngày thành quen, nơi nào ghe tàu nhiều tự khắc quán xá hình thành. Cặp cống ngăn mặn, một hộ giàu trong xóm còn đầu tư nhà máy xay xát lúa. Không bao lâu sau khi con đường nhựa hoàn thành, xe buýt lưu thông, ngay khu đất rộng của nhà ông Năm lập thêm bến xe buýt dừng đổ khách, bến xe ôm tự phát, khách vãn lai tấp nập.
Tận dụng cơ hội đó, vợ chồng ông Năm Chánh dành phần đất riêng của gia đình dựng nhà, mở quán buôn bán. Vợ chồng ông còn hiến một phần đất cho Nhà nước xây trường học, phần đất thừa còn lại phân lô cho bà con thuê mướn buôn bán, mở cơ sở làm ăn. Kể từ ngày đó, “chợ lúa hai bận” tự khắc sung túc hơn hẳn. Ông Năm trở thành ông chủ mặt bằng chợ lúa.
Không quen sống ồn ào nên sau khi cái quán được khai trương, ông Năm giao hết việc buôn bán cho vợ và con dâu, chuyên tâm chăm lo miếng đất trồng lúa ở ngọn Rạch Cui. Vẫn là thứ lúa ngắn ngày nhưng mỗi năm ông đều thay giống mới. Từ giống Thần nông 5, Thần nông 8 dễ nhớ, dễ tìm, nay ông chuyển sang các giống có gốc “OM…”.
Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, những cánh đồng lớn ở kênh hội đồng Thành, ngọn rạch Ông Bích, Rạch Bàu đổ về kênh Hai Lưu, Lòng Ống, kênh Dân Quân, Vườn Xoài, Kiểu Mẫu… và cả đồng đất của ông Năm Chánh, sản lượng lúa năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, “chợ lúa hai bận” Khánh Bình ngày càng trở nên sung túc, đông vui.
Vào những dịp họp chợ, dân tứ xứ đổ về rất đông, một số thì buôn bán, một số chạy xe ôm. Thanh niên, trai tráng trong vùng, đặc biệt là đồng bào Khmer cũng có thêm việc làm nhờ vác lúa thuê cho ghe thu mua, hoặc vác gạo thuê cho nhà máy xay xát.
Về chợ lúa những ngày đầu năm mới, không khí bắt đầu đông vui hơn hẳn. Mùa họp chợ đang về với đầy ấp tiếng cười. Cái “chợ lúa 2 bận” độc đáo này đang góp thêm một phần vào nét văn hóa giao thương độc đáo tại vùng sông nước Cửu Long.
NISAVA TRAVEL! – Theo HỮU TÙNG (Cần Thơ Online)