Ra Trường Sa tiết tháng ba âm lịch thì yên tâm quá còn gì? Tháng ba bà già đi biển. Nằm trên tàu lớn nghe sóng nhồi lắc chao đảo đã khiếp nhưng những tưởng đến đảo nào đó của quần đảo Trường Sa là tàu cứ mà từ từ cập mạn.

Nhưng trật lấc cả. Mới có một đêm nhồi lắc mà sớm bửng tưng, có một đoạn lê dép suýt trượt mấy lần vì những bãi nôn dẫn lên mặt boong.

Quá 2 đêm một ngày, con tàu HQ-96 cứ rì rì tốc độ 17 cây số giờ cập đảo Đá Lát rồi Trường Sa lớn. Cách đảo vài cây số, những chiếc canô được lần lượt hạ xuống biển. Ngó xuống chiếc ca nô mỏng mảnh như chiếc lá luôn chao đảo trên sóng mà ngại! Nhảy sao đó để lọt thỏm vào lòng canô là cả một sự trù liệu khôn ngoan trong tích tắc đối với người nhảy lẫn người có kinh nghiệm đỡ dưới ca nô. Suốt chuyến hải trình, ghé mười mấy hòn đảo trong chuỗi đảo đều phải theo cách đó cả. Còn khi canô cập đảo? Mỗi đảo có một kiểu đổ bộ nhưng gian nan nhất vẫn là lần đoàn công tác đổ bộ lên đảo An Bang!

Có lẽ khi làm cái việc cấu thành thềm lục địa Việt Nam để đựng chuỗi đảo Hoàng Sa, ông Tạo hóa đã làm một cái việc bất cẩn khi đặt đảo An Bang lên cái nền lồi lõm khập khễnh? Chuyện đó sẽ nói sau. Nhưng đêm trên tàu lớn để ngày mai đổ bộ lên đảo, cán bộ của quân chủng đã phải họp đoàn công tác. Thành phần đoàn  gồm cán bộ Quân chủng Hải quân có trách nhiệm đưa nhiều tấn hàng đất liền tặng đảo. Kế đó là văn công Quân khu 2 ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Thứ nữa là cánh báo chí. Tất thảy được quán triệt, do thời tiết lẫn địa hình phức tạp nên việc đổ bộ lên đảo phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ huy chung.

Sóng quanh An Bang bất thường nên xuống canô (xuồng) có khó hơn (thì đã mười mấy lần lên xuống cũng chả ngại?). Tất cả tư trang cần thiết nhất là các thiết bị ghi hình của phóng viên đều phải cho vào 2 túi nilon (thì đã thực hành mãi rồi, một túi chứ hai thì có gì phức tạp?). Nếu ai sức khỏe không đảm bảo thì buộc ở trên tàu để tránh ảnh hưởng đến công việc chung,… Nghe quán triệt cũng hơi ơn ớn, nhưng hình như khi đó hầu hết đều ỷ vào chút kinh nghiệm mọn qua hơn 10 ngày lênh đênh trên biển đảo nên cuộc họp đã trở thành cuộc gặp chung rộ lên bao cung bậc nói cười đùa tếu vui vẻ.

Không biết câu chuyện của một cán bộ kể lại như thế này lọt tai ai có gây hiệu ứng gì không? Lần ấy  tàu tiếp tế từ đất liền ra đảo An Bang vào dịp tết. Con tàu cứ loay hoay mãi trước những ngọn sóng liên hồi tấp vô bờ đá đảo An Bang mà vẫn không tìm được cách cập xuồng. Đã ba ngày trôi qua… Một tình huống được quyết định nhưng oái oăm đã diễn ra. Hàng tết không cập đảo được nhưng có thứ vẫn đến với các chiến sĩ canh đảo. Ấy là tiếng hát của văn công.

Người ta tổ chức cho các cô văn công dàn hàng trên tàu cứ thế đứng hát. Dàn loa với công suất lớn được hướng vào đảo. Đầu tiên còn là những gương mặt hớn hở của cả hai bên nhưng rồi sau đó cả trên đảo lẫn trên tàu những khuôn mặt thoắt đẫm nước mắt. Các cô văn công vừa hát vừa khóc vì thương lính đảo. Những giọt nước mắt hiếm hoi của các chàng thủy thủ đảo An Bang thương văn công gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt!

Con tàu HQ-96 vẫn lừ lừ xé sóng. Gần đảo An Bang đã xế trưa vẫn chưa thấy triệu chứng gì của biển dữ. Có lẽ chúng tôi đã gặp may? Từ xa, đảo An Bang đã chình ình một vệt lam cuối đường chân trời rồi dần dần rõ. Toàn tàu được lệnh buông neo, cơm nước mặc dù ai cũng háo hức muốn được vào đảo ngay.
Cơm xong lại có lệnh mới… Cá nhân bộ phận nào cần thiết thì mới được vào đảo còn không phải ngủ lại trên tàu. Nghe mà dở cười dở mếu. Lênh đênh ngần ấy ngày, từng ấy cây số đường trời, đường bộ, đường biển, có mặt trên con tàu này thì ai cũng cần thiết cả! Nhưng quân lệnh như sơn, ưu tiên người đưa quà tặng, văn công cùng nhà báo!

Lời cảnh báo của chỉ huy đến lúc này mới có cơ phát tác. Không biết buổi sáng thì thế nào nhưng càng tầm chiều sóng quanh An Bang càng chồm lên trắng ngán! Quả sóng có dữ hơn những đảo chúng tôi từng qua và  dẫu xuồng tròng trành chúng tôi vẫn lần lượt xuống an toàn hết. Ngó vào đảo lại thấy cánh lính huơ huơ những cánh tay lại càng tăng cảm giác muốn vào ngay, nhất là chị em văn công. Năm chiếc canô, thoạt đầu là  nhấp nhô dập dềnh rồi chao đảo. Ụp, ào… Những con sóng mặn chát đầu tiên phủ trùm xuồng làm bật lên những tiếng kêu thất thanh nhưng có cả thích thú nữa!

Ụp, ào… tiếp nữa. Tiếp nữa… Tôi tối tăm cả mặt mũi nhưng vẫn cố theo hiệu lệnh không được nhảy xuống nước mà phải bám chặt xuồng.  Đằng sau tôi, một khuôn ngực sũng nước nhưng chắc nịch của một chiến sĩ hải quân trên xuồng làm ấm cả mảng lưng. Ngó bên mình một em văn công đang tái dại đờ đẫn, tôi vội dịch ra ngay nhường sự tin cậy ấm áp ấy cho em.

Cứ du đi du lại, xuồng vẫn không chạm được vào bờ cát. Những đợt sóng như quái ác như trêu ngươi cứ nhè mấy cái xuồng mà úp chụp mà đẩy ra ngoài biển chứ không chịu hất vào. Tôi bật lên tiếng kêu hoảng hốt vì chợt thấy mình đã buông tay vào miệng hai chiếc túi nilon lồng vào nhau. Nước mặn đâu như đã lọt vào miệng túi? Ôi chao, cơ mầu này chiếc máy Nikon chuyên dụng khéo mà đi đứt. Ân hận vì quá chủ quan không nghe lời nhắc là phải lấy dây cột chắc lại chứ không được túm. Mọi lần xuống xuồng vào các đảo, tôi vẫn có thói quen hớ hênh lấy tay túm hờ như thế!

Kia rồi, các chiến sĩ canh đảo, những chàng thủy quân, người thì trần trùng trục, người thì để nguyên quân phục ào xuống để kéo xuồng vào. Nhưng oái oăm, dẫu đã túm chặt xuồng rồi mà sóng vẫn bứt khỏi tay họ như không. Những khuôn mặt tím tái vì lạnh của anh em cứ chập chờn ẩn hiện… Những chiếc xuồng vẫn bị đảo ra khoảng nước sâu hoắm. Không biết nhao đảo như thế bao lần, nhưng may mắn một con sóng khá lớn như đảo chiều bất thần  thúc ào cái! Ngay lập tức,  mấy chiếc xuồng như có phép lạ chình ình ngay trên mớn cát.
Người trên tàu người trên đảo tất thảy ướt lướt thướt nhưng mừng hú cả lên. Điểm quân tất cả đều an toàn! Nhiều anh xoài luôn người trên bãi cát có lẽ  do sợ nhiều hơn mệt.

Khi đã hoàn hồn, ập ngay đến là cảm giác áy náy lẫn lo ngại! Áy náy bởi khi nhác trên bờ xi măng những chậu nước ngọt cùng những bánh xà phòng thơm, lố khăn mặt trắng tinh mà anh em trên đảo đã chuẩn bị cho khách rửa tay rửa mặt (thủ tục quý khách như nhiều đảo khác). Việc tắm rửa ra sao? Ngần này nước ngọt thì thấm tháp gì?  Quần áo khô lại đang để trên tàu… Áy náy bởi tự dưng mang ngần này thêm gánh nặng cho đảo trong khi nước ngọt ở đảo là của hiếm. Hơn thế, tại nhiều đảo, tôi đã thấy những dòng chữ viết bằng sơn hẳn hoi nước ngọt = máu của lính đảo. Hoạt động nghiệp vụ, báo chí có hỏi chi thì hỏi nhưng chớ đụng đến cơ số nước ngọt của các đảo. Đó là thứ bí mật gần tầm cấp quốc gia.

Cái câu đi Trường Sa như ra trận bữa đi giờ trở nên sống động thế!  Thôi thì mình hay cánh đàn ông đàn ang chịu ướt chịu mặn một đêm cũng chả sao nhưng kẹt cho đám văn công, chị em xoay xỏa ra sao nhỉ?

Nhưng loáng cái, sự chu đáo ân cần của anh em trên đảo đã kịp thời thu xếp mọi thứ chỉn chu. Chúng tôi được hướng dẫn, một nửa thì sang nhà đèn – hải đăng của đảo để tắm giặt. Số còn lại thì tắm tạm chỗ giếng nước lợ của đảo. May làm sao nhà đèn An Bang khi xây cất đã tính xa bằng một bể nước ngầm để chứa nước mưa. Lại còn một bể nổi vài khối đầy ăm ắp do cái may trận mưa đêm qua mang lại. Trong khi quân số của Trạm đèn bể này chỉ có 5 anh em. Ngần ấy lượng nước dự trữ quả là lý tưởng!  Nhưng dội gáo nước mưa mát lạnh lên người, tôi cố ghìm cảm giác dội ào cái cho đã mà nhỏ giọt từ từ… Cảm giác những ngày mất nước Hà thành những năm xa thoắt trở lại. Vừa tắm kiểu nhỏ giọt như thế vừa tủm tỉm bởi nhớ lại ngày ấy có một xô nước mà tôi đã hoàn tất mấy công trình: rửa rau, nấu cơm và tắm!

Bữa cơm chiều, tiếng cười như nhiều hơn bởi ngó đội hình khác lạ so với lúc đổ bộ lên đảo. Anh thì bận đồ của anh em nhà đèn, anh thì súng sính trong bộ lính thuỷ mà anh em trên đảo chu đáo cho mượn. Riêng khối văn công thì mấy em ngó bảnh hơn trong bộ thủy quân…
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ… Câu thơ rừng rú của Quang Dũng thoắt sinh sắc ở chốn đảo biển tít mù khơi… Chao ôi cánh văn công kiếm đâu ra trang phục mà nhập vào vai diễn nhanh thế? Hóa ra ban nãy họ mượn và trưng bộ lính thủy ấy như thứ mốt lạ còn trang phục biểu diễn họ túm trong túi nilon nên ít bị ướt. Trước những người lính đảo, người nhà đèn tối nay họ lại tươi tắn như muôn thuở ăn ánh đèn sân khấu!

Trên tàu ra Trường Sa, có đêm trên boong, tôi nửa thức nửa ngủ trên một cái ghế gỗ…  Nửa đêm chợt tỉnh nghe loáng thoáng câu chuyện ngay bên đầu mình… Chợt nhận ra mình nằm chỗ khuất trong đám phao, bên cạnh là chỗ các cô văn công ngồi hóng gió. Có tiếng thở dài của một cô rằng con gái cô đang sốt định xin nghỉ nhưng anh chồng động viên cứ đi… Cô nói đến đảo có sóng sẽ gọi điện thoại ngay về xem con đã đỡ sốt chưa! Tôi biết nhiều cô trong Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 từng ra Trường Sa biểu diễn, có người đã ra đảo đến lần thứ hai. Hoàn cảnh nhiều người không ít khó khăn nhưng qua đảo nào, những người lính biển cũng đều chứng kiến những nụ cười tươi tắn hết cả!

Từng vô số đêm văn công văn nghệ liên hoan với hội diễn mọi tầm cấp này khác nhưng có lẽ khó mà có dư vị cùng cảm giác thiêng liêng lẫn thương mến của buổi  văn nghệ đêm ấy với các chiến sĩ trên đảo An Bang?
… Cái ống kính chiếc Nikon có một vệt xước do lau vụng lần bị ngấm nước mặn đảo An Bang ấy luôn trĩu trên tay tôi như một lời nhắc tử tế…

Cuối đông năm Dần
Xuân Ba

Theo ANTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *