(QNO) – Vào những ngày trời trong, từ mũi Tổng Binh, trong đất liền, có thể nhìn thấy khá rõ  đảo Lý Sơn chập chờn trên sóng biển, tựa hình một con giao long nghênh phong, hý thủy.

< Núi Thới Lới nhìn từ phía nam.

Núi Thới Lới chính là phần đầu con vật huyền thoại ấy, quay về phía khơi xa, ngẩng đầu kiêu hãnh. Đây là 1 trong 5 ngọn núi lửa đã tắt từ lâu, hình thành nên cù lao Ré (đảo Lớn), huyện đảo Lý Sơn. Núi nằm về phía đông hòn đảo, là một thắng cảnh độc đáo với hồ nước trên đỉnh, hang đá dưới chân và di chỉ khảo cổ học chìm trong lòng đất.

< Đường lên núi Thới Lới.

Từ cảng Lý Sơn, chỉ sau chừng 15 phút đi xe máy là có thể đến chân núi Thới Lới. Một con đường thoai thoải xuất phát từ cánh đồng tỏi phía đông đưa du khách vòng qua sườn bắc lên đến lưng chừng ngọn núi cao gần 170m so với mặt nước biển. Ở đây có một trảng đất rộng, tương đối bằng phẳng, là địa điểm dựng cột cờ Lý Sơn, ngày đêm lồng lộng tung bay lá cờ đỏ thắm.
NISAVA
Sóng, gió và những tác nhân xâm thực khác đã ngoạm vào chân núi phía đông bắc để tạo thành hang Câu, nối vòng qua mé tây bắc là hang đá Chùa Hang. Hang Câu, chùa Hang là những cảnh sắc thiên nhiên nổi tiếng của Lý Sơn, hài hoà vẻ đẹp lung linh của mây trời, gió biển với hùng vĩ, cứng cáp của núi đá, san hô.

< Hồ trên đỉnh núi.

Con đường đi bộ đưa chân du khách từ trảng đất bằng, theo hướng nam, leo dần lên đỉnh núi để đến một lòng hồ tự nhiên (Nhân tạo chứ hỉ?) như chiếc phểu của trời treo trên vách gió. Đây chính là miệng núi lửa từ nhiều triệu năm về trước đã phun trào cuồn cuộn những dòng nham thạch, góp phần hình thành diện mạo đảo Lý Sơn. Cheo leo bên bờ hồ phía đông là hòn Trâu, với khối đá nghiêng nghiêng tựa hình con trâu nằm thong thả tắm nắng trên đỉnh núi, ấn vào không gian khối hình vững chải nhưng không kém phần mỹ lệ.

Phía nam là con đập mới xây để ngăn giữ nước mưa ở lại trong lòng hồ. Dưới chân núi là làng mạc, ruộng đồng, nghiêng nghiêng bóng dừa, mướt xanh màu hành tỏi. Xa hơn là biển với những con sóng nhấp nhô, liên tiếp nối nhau chạy vào bờ như đi tìm chỗ dựa bình yên.
NISAVA
Từ hòn Trâu, nhìn về phía đông, cánh đồng tỏi Lý Sơn nổi tiếng chia ô ngang dọc như thể một bàn cờ. Xa xa, là hải đăng Lý Sơn. Đảo nhoài ra biển, nối hữu hạn với bao la, hòa màu xanh của biển vào màu xanh cây lá, thấp thoáng bóng những con thuyền rẽ sóng xa khơi.

Theo lời kể của các cụ già, trước đây, trong lòng hồ Thới Lới là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Nước từ con suối chảy ra từ cánh rừng men theo một con suối cổ, có tên là suối Chình, khoan thai đổ xuống vách núi phía nam.

Khi cánh rừng bị tàn phá, suối Chình cũng thành con suối chết, lờ mờ, khô khốc những cuội đá chơ vơ phơi mình trong mưa nắng thời gian. Nhưng ít ai biết, cũng chính ở nơi này, chìm dưới lòng của những cồn cát nối chân núi với mép biển, là dấu vết của một cộng đồng cư dân trong quá khứ xa xăm. Năm 2000, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật di chỉ suối Chình, thu được nhiều hiện vật giá trị, hiện được lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
NISAVA
Theo đó, di tích Suối Chình là nơi cư trú của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh, đồng thời trong tầng văn hóa có xen lẫn mộ táng. Báo cáo khoa học của Tiến sỹ Phạm Thị Ninh, người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: tầng văn hóa Suối Chình có cấu tạo đất đỏ pha cát biển, gốm xen lẫn vỏ nhuyễn thể do con người cư trú ăn bỏ lại. Trong tầng văn hóa có chứa mộ nồi chôn úp nhau theo chiều thẳng đứng, đồ tùy táng được đặt bên trong hoặc bên ngoài. Bên trong các mộ nồi đều có di cốt trẻ em.

Đặc trưng di vật đồ đá gồm có rìu, mai, cuốc, bàn mài… đồ sắt có dao, kiếm, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh như khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi, đặc biệt có đồ trang sức hạt chuỗi, vòng đeo, được chế tác theo cách khoan mài tinh vi từ lõi tridacna và các loại ốc, sò; đồ gốm có các loại nồi, bát. Niên đại Suối Chình ở vào khoảng đầu Công nguyên.

Quay trở lại trảng đất nghiêng nghiêng lưng chừng núi, bách bộ một vòng trên thảm cỏ. Dạo thêm mấy bước về phía bắc để đón làn gió biển, du khách sững sờ khi bất chợt từ trong vách đá dưới chân, bầy chim biển ríu rít gọi nhau, tung đôi cánh màu xám bạc, chao nghiêng, lượn lờ mấy vòng rồi lao về nơi xa xăm khói sóng. Hang đá chân núi ấy chính là hang Câu – một địa chỉ du lịch kỳ thú mà nếu ai chưa từng đến thì coi như chưa biết Lý Sơn.

< Hang Câu.
NISAVA
Hang Câu nằm ngay dưới chân núi, về phía đông bắc, vách hang nơi thì lõm sâu vào tường đá xám rêu với những vết ngấn do sóng biển triệu năm ăn mòn vào nham thạch, nơi thì dựng đứng sừng sững hút tầm mắt người về phía trời cao. Mê mãi nhìn theo những dãi mây trắng thẫn thờ soi mình xuống mênh mang sóng biển, du khách ngỡ lạc vào chốn non tiên, nước nhược nơi cửa Thần Phù.

Tên gọi hang Câu có nguồn gốc là nơi đi về của những thuyền câu, hay là nơi có rất nhiều loại rau câu mà mỗi khi triều xuống người dân vẫn hái về chế biến thành những món ăn khoái khẩu và giàu dinh dưỡng? Nếu chưa trả lời được câu hỏi ấy thì cũng không quá bận lòng, vì khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, huyền ảo của hang Câu đủ sức quyến rũ, mê hoặc du khách xa gần khi vừa chạm bước đầu tiên lên mỏm đá cạn, bập bềnh sóng nước dưới chân.

< Cột cờ Lý Sơn.

Theo các nhà địa chất, vào cuối kỷ Neogen (một kỷ địa chất thuộc đại Tân Sinh), cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa.

Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Quá trình phun trào rồi tắt đi, nguội lại và phân hóa của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo.
NISAVA
Nhưng hãy đợi các nhà địa chất kể lại tỉ mỉ, rành mạch câu chuyện về cấu tạo địa chất, địa mạo, vận động tạo sơn, phun trào nham thạch… của đảo Lý Sơn cũng như của núi Thới Lới, vì họ đã và đang miệt mài làm việc, khảo sát, nghiên cứu để cung cấp dữ liệu xây dựng hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lý Sơn (và bán đảo Châu My Đông phía đất liền) là “Công viên địa chất toàn cầu”(Geopark).

Còn bây giờ, bạn và tôi, hãy thu xếp cho mình một chuyến qua chơi miền đất đảo, thăm thú các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Lý Sơn, thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo của núi Thới Lới – hang Câu, nghe thiên nhiên rì rầm câu chuyện diệu kỳ của hóa công vô biên, vô lượng. Chuyện của nắng, của gió… và của con người trong miên viễn thời gian…

Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *