Từ vùng ven biển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi, hay từ thị xã Quảng Ngãi, nhìn lên lớp lớp Trường Sơn ở phía tây tỉnh, ta vẫn dễ dàng nhận ra hình dạng núi Răng Cưa.
Về Trà Bồng nói đến núi Răng Cưa thì dân Cor nơi đây ai cũng biết. Núi Răng Cưa thuộc xã Trà Hiệp, hơi chếch về phía tây tây bắc huyện Trà Bồng và bên cạnh huyện Trà Mi của tỉnh Quảng Nam. Núi Răng Cưa nổi tiếng không chỉ vì độ cao, mà chính là ở hình dạng độc đáo của nó
Truyện cổ tích dân tộc Cor bản địa kể rằng: Xưa có một nàng công chúa con vua trời tên là Mặt Ngây, xinh đẹp nhưng thích phiêu lưu, thích cưỡi ngựa, bắn cung, đua thuyền. Nàng tâu xin vua cha cho thần mưa phun nước ngập hết khắp nơi, khắp vùng Trà Bồng chỉ còn mấy ngọn núi là nhô đầu lên khỏi mặt nước. Công chúa cùng đoàn nữ tì mặc sức bơi thuyền rong chơi trên mặt nước mênh mông như biển cả.
Mỗi lần qua một ngọn núi, nàng đều ngỏ lời xin thần núi cho mình chèo thuyền vượt qua, lần nào thần núi cũng nể mặt mở cửa cho đi, lâu dần nàng đâm ra hách dịch, cứ tự tiện cho lính mở cửa để băng qua. Ðến lần nọ, thần núi giận lắm, bèn đóng chặt cửa, Mặt Ngây cả giận ra lệnh cho ba chiếc thuyền xuyên vút qua, núi liền lở thành ba đường mà thuyền chỉ hơi chòng chành. Ba đường do mũi thuyền cắt ra ấy có hình dạng như những chiếc răng cưa của lưỡi cưa nên gọi là núi Răng Cưa.
Khác với nhiều ngọn núi khác, núi Răng Cưa có đến ba đỉnh nhọn hoắt trên đầu núi, gây nên một ấn tượng rất mạnh và khó quên. Ở huyện Trà Bồng, nếu núi Cà Ðam cao nổi tiếng như là tượng trưng cho dân tộc Cor anh dũng chống giặc ngoại xâm từ những năm ba mươi đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi tháng 8/1959, thì núi Răng Cưa lại gắn với huyền thoại và như một hình ảnh tiêu biểu của thiên nhiên nơi đây: lớp lớp núi đồi lớm chởm, sông suối chia cắt vùng đất một cách bạo liệt. Nhìn núi Răng Cưa, người ta thấy ngay được đặc điểm của cả vùng sông núi Trà Bồng, cũng như đến Trà Bồng, hình ảnh đập ngay vào mắt, rất ấn tượng, chính là núi Răng Cưa.
Các núi của Quảng Ngãi đa dạng về hình thái, song nhìn chung thường có dạng tuyến, nhiều đỉnh nhọn, sườn dốc. Riêng dãy núi Răng cưa gồm nhiều đỉnh núi liên kết với nhau tạo thành dãy dạng răng cưa. Cấu thành các dãy núi này là các thành tạo đá xâm nhập và các đá biến chất có thành phần thạch học và tuổi khác nhau.
Theo NTO