(DTO) – Du khách đến cao nguyên Sìn Hồ sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa vàng rực, những ngôi nhà nhỏ xinh nép mình bên vách núi và tìm hiểu về sự tích núi đá Ô. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cao nguyên này luôn hấp dẫn du khách.

< Đường Lên cao nguyên Sìn Hồ.

Từ thị xã Lai Châu, đường lên Sìn Hồ ngang qua nhiều khu rừng rậm với những thung lũng, khe suối cùng hệ thống hang động khá phong phú. Thị trấn Sìn Hồ có những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp và một thung lũng với cánh đồng lúa vàng rực, những khu vườn trồng lê, đào, mận già nua, mốc thếch quanh năm vẫn đơm hoa kết trái.

< Làng bản trên cao nguyên Sìn Hồ.

Du khách đến đây ngoài được tận hưởng khí hậu quanh năm mát mẻ, nơi có nhiều con suối còn được tìm hiểu thêm về sự tích núi đá Ô trên cao nguyên Sìn Hồ.
Di tích danh lam thắng cảnh núi đá Ô gắn với sự tích của người Giao Khâu kể về ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá.

Sự tích kể rằng, ngày xa xưa có một ông Tiên xuống trần gian du ngoạn. Từ trên trời, ông bay xuống đỉnh núi Sang Ta Ngai là đỉnh núi cao nhất ở vùng cao nguyên Sìn Hồ. Đứng trên núi, ông nhìn được rất xa, quan sát hết lượt, ông thấy ở phía Nam có một bãi bằng. Ông Tiên quyết định tới đó để tham quan nhưng không biết đi đường nào vì bốn phía là núi non trùng điệp, vách đá cheo leo. Suy nghĩ một lát rồi ông quyết định mở lối đi.

< Núi Đá Ô (mạn Bắc), Sìn Hồ, Lai Châu.

Với sức mạnh phi thường, ông sẻ vách đá trước mặt làm đôi tạo ra khoảng trống để đi qua, đó là cánh cổng vào bản Sang Ta Ngai bây giờ. Ông Tiên tiếp tục đi về phía tây nam qua núi Ngọc rồi qua khe sâu về tới bãi bằng đó là bản Tả Phìn. Dân bản được biết có ông Tiên đến thăm thì rất mừng nên tổ chức mở tiệc liên hoan, múa hát để chào đón ông Tiên, cuộc vui kéo dài 7 ngày 7 đêm. Lần đầu tiên xuống trần gian ông tiên được thưởng thức các món ngon vật lạ và được xem các tiết mục múa hát của dân bản nên ông say xưa theo dõi.

Đến ngày thứ 7, ông sực nhớ ra đã đến ngày mình phải trở về tiên giới. Ông vội vàng chào bà con rồi bay lên trời, do vội vã lên đường nên ông Tiên đã bỏ quên cái ô đang cắm giữa bản để che mưa, che nắng lúc xem hội, lâu ngày cái ô hóa đá.

< Núi Đá Ô nhìn ở mạn Tây.

Từ đó người dân Tả Phìn coi ô đá là nơi linh thiêng và trở thành nơi thờ cúng. Người Dao Khâu và người Mông đen ở xã Tả Phìn và các xã lân cận hàng năm có tục lệ đến núi đá Ô thắp hương và cầu mong cho gia đình con cái được khỏe mạnh, người ốm sớm bình phục. Theo các vị cao niên trong bản, tục lệ này đã có từ rất lâu, truyền từ đời này sang đời khác.

Núi đá Ô là một khối đá có hình dáng như một chiếc ô, đây là loại đá phong hóa từ đá ba zan, một phần của núi đá dựa vào 2 cây chò cổ thụ. Khối đá hình chiếc ô có chiều cao 3,7 mét được chia làm 3 phần. Phần chóp ô có thể che mưa che nắng cho nhiều người. Tảng đá màu xanh rêu với vô số hoa văn rất độc đáo. Phần thân gồm những phiến đá màu nâu đen xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù rất kỳ lạ. Phiến đá này là nơi phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của bà con dân bản, nơi mà người dân thường thắp hương cầu nguyện đặt các lễ vật để dâng cúng.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành đã tạo cho quần thể di tích núi đá Ô trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng nơi cao nguyên Sìn Hồ. Tới cao nguyên này, du khách cũng sẽ ngỡ ngàng thích thú khi trước mắt hiện ra những đỉnh núi mây giăng hay những thung lũng ửng vàng chói chang với những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa thu hoạch, được ngắm nhìn những bản làng nằm nép mình bên vách núi, giữa màu xanh của núi rừng…

Đặc biệt, nơi đây còn hấp dẫn bởi những phiên chợ vào ngày cuối tuần, khi những thiếu nữ, chàng trai dân tộc xúng xính trong những sắc thổ cẩm rực rỡ, ríu ran xuống chợ, vai gùi những sản phẩm của núi rừng. Những gương mặt hiền hậu, tiếng xì xào mua bán cùng tiếng cười giòn tan bên những món ăn mang theo hương vị của núi rừng đã tạo nên một bức tranh thật sống động.

Theo Dân Trí
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *