Sìn Hồ là huyện nằm ở giữa tỉnh Lai Châu, phía bắc giáp Vân Nam – Trung Quốc, phía nam là huyện Tủa Chùa, phía đông là huyện Phong Thổ, phía tây là huyện Mường Tè. Huyện có diện tích 1.746km2 và dân số là 56.000 người.
Huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ nằm cách thị xã Lai Châu 60km về hướng tây. Ngoài ra còn có 22 xã: Pa Tần, Nậm Ban, Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cha, Noong Hẻo, Pu Sam Cáp, Căn Co, Nậm Mạ, Nậm Cuổi, Nậm Hăn, Lê Lợi, Chăn Nưa, Pú Đao.

Thị trấn Sìn Hồ cách trung tâm tỉnh Lai Châu trên 60 km về phía tây. Sìn Hồ vốn được coi là nóc nhà của tỉnh Lai Châu, với khí hậu tương đồng với thị trấn Sa Pa (Lào Cai ) quanh năm mát mẻ và nhiều giống hoa, quả ôn đới đặc sắc. Sìn Hồ là một bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cùng cư trú. Tại bản Sìn Hồ có phiên chợ họp vào các ngày chủ nhật trong tuần. Nếu đúng dịp, du khách được chiêm ngưỡng một bức tranh đầy sắc màu trong phiên chợ của người dân vùng núi cao.

Mây núi Sìn Hồ

Đường vào huyện Sìn Hồ ngoắt ngoéo dốc lên dốc xuống đến chóng mặt. Con đường như một dải lụa ngoằn ngoèo xuyên qua đại ngàn và những dãy núi đá cao ngất trời. Mỗi khúc cua, mỗi cung đường, mỗi mép vực đều để lại nhiều ấn tượng về một vùng đất hàm chứa nhiều điều hấp dẫn. Mỗi khi vào những đoạn dốc cua tay áo trong cái không gian mù mù sương phủ càng làm tăng cảm giác ớn lạnh trên đường.

Bên những vách đá cao sừng sững dài ngút tầm mắt, sương giăng khắp lối, ta có cảm giác như có thể nắm được từng đụn mây trắng lững lờ bay qua trước mắt. Xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già là các loài hoa rừng đang vươn mình khoe sắc. Sắc tím của hoa phong lan, đỏ thắm của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mơ như dệt nên một bức tranh đa màu sắc giữa trùng điệp núi non.

Thị trấn Sìn Hồ thực chất là một thung lũng nhỏ có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa làn sóng nhấp nhô giữa biển khơi. Lên Sìn Hồ, phải gặp được phiên chợ Sìn Hồ mới thấy hết muôn hình muôn vẻ đặc sắc của đời sống người dân nơi đây. Tất cả hợp thành một bức tranh đầy màu sắc và ngập tràn thanh âm sống động của đời sống.

Chợ Sìn Hồ dập dìu làn điệu dân ca Mông

Chợ Sìn Hồ, chỉ họp vào ngày chủ nhật. Chợ được coi là sầm uất nhất vùng, có một trung tâm bán buôn, bán lẻ thực phẩm, đồ công nghệ, đồ điện dân dụng gia đình. Trong chợ còn nhiều hàng xén bán nhiều dép xăngđan nhựa, giầy vải và kim chỉ thêu. Ở đây bán cả các loại phong lan và một cửa hàng lớn bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Chợ Sìn Hồ còn bày bán đủ các thứ hàng hóa thổ cẩm…

Lệ thường, chợ bắt đầu họp vào sáng thứ bảy, chủ yếu thu hút người bản địa sống xung quanh thị trấn, qua ngày chủ nhật chợ sẽ đông, nhộn nhịp hơn với dòng người từ các bản làng xa xôi đổ về. Trong đó có người Mông đỏ vùng Chăn Lưa, Làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin, người Mông hoa, Phú Lá tận xã Pu Sam Cát, cách xa thị trấn Sìn Hồ một ngày đường, thảy đều góp mặt. Tất cả tạo nên buổi chợ phiên xôn xao, tràn ngập làn sóng hoa văn thổ cẩm muôn màu.

Chợ ở nơi cuối trời Tây Bắc rất đặc sắc, người ta đến chợ không chỉ để mua hàng mà còn giao lưu văn hóa. Vào các ngày chợ phiên, phụ nữ dân tộc Dao đỏ, người Mông, người Phù Lá, người Sila, Lào, người Cống xuống chợ xúng xính trong bộ váy thổ cẩm sặc sỡ. Tiếng nói tiếng cười sôi nổi, giòn tan bên những quán thịt trâu quấn lá lốt. Những anh thanh niên và đàn ông trung niên vây chặt hàng quán dê hấp, lợn bản, cá suối, xôi nếp nương, nhất là quanh chảo thắng cố…Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, đâu đó lại vang lên một bài dân ca Mông dập dìu khiến ai cũng thấy say lòng!

Tắm lá thuốc kiểu “đế vương”

Đêm ở thị trấn Sìn Hồ xuống nhanh và cái lạnh cũng ùa theo nhè nhẹ. Người dân Sìn Hồ mách nước: “Đã ở đây mà không thử tắm đế vương một lần thì thật phí”.
Đi tắm đế vương, khách được mời vào một trong những căn phòng nhỏ, trút bỏ hết mọi xiêm y, ngồi ngâm mình trong một chiếc thùng gỗ, trong đó chứa một loại nước thuốc đen sánh, ngập đến tận cổ, thơm nồng ngai ngái, nóng ran người.

Nồi nước thuốc đang sôi sùng sục đun bằng củi đặt ngay đầu phòng được chế từ trên 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, chỉ có 2 vị gừng và sả là trồng ngay trong vườn. Cảm giác sau ít phút ngâm mình là trạng thái say chếng choáng rất dễ chịu, cơ thể đang đau mỏi như thể đang nhão chảy ra, lâng lâng dường như vô cảm trong làn nước nóng thơm ngào ngạt.

Khi nước thuốc bắt đầu ngấm vào da thịt, hơi nóng tỏa ra làm cơ thể như đang tan ra trong râm ran, rạo rực.  Nước lúc ấy không còn là nước nữa, mà là hồn cốt của hơn mười loại lá thuốc quý của cao nguyên Sìn Hồ. Tinh dầu đặc quánh của mười loại lá pha với rượu ngâm gừng, điểm xuyết thêm mấy lá chanh và sả trồng ở vườn nhà, khiến cho thùng nước tắm ngào ngạt mùi hương bốc lên trong làn hơi mờ đục. 

Trước khi bước vào thùng thuốc, bao giờ khách cũng hướng dẫn: “Đứng vào thùng, từ từ ngồi xuống cho đến khi nước ngập đến cổ, nếu thấy chếnh choáng thì đứng đậy, vén rèm để hít thở không khí bên ngoài”… Sau chừng 30- 40 phút ngâm mình đến say chếng choáng, du khách được mời lên nhà trên để bước vào giai đoạn xoa bóp, bấm huyệt do một người đàn ông chừng 50 tuổi, có gương mặt chất phác, điềm đạm rất dễ gần (đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây bắc).

Đó là ông Sùng A Páo, người dân tộc Mông sinh ra trên vùng cao nguyên này. Nhiều người nói ông Páo có đôi “bàn tay vàng”, quả không sai khi nằm sấp mình tận hưởng những ngón tay của ông di trên các huyệt đạo khắp cơ thể: Bắt đầu từ hai bên thái dương, dưới quai hàm, dọc sống lưng…cho tới các đầu ngón chân, ngón tay.

< Khách tắm thuốc nhưng phụ nữ dân tộc Lự tại Sìn Hồ lại có phong tục tắm tiên. Ảnh H.C.H – 13.6.2008

Mỗi ngón tay của ông Páo dường như có mắt, khi bấm vào làm cho nơi đó đau nhói đến quằn mình, sau đó tê đi và lan đều xung quanh khiến cho người được bấm huyệt có cảm giác như toàn bộ cơ thể như tan ra rồi sắp xếp lại như thể hồi sinh vậy.
Cảm giác thú vị nhất là cú hất vào lưng ngoạn mục như “truyền công lực”, khiến cho khách bật tung người nhỏm dậy đã kết thúc công đoạn quan trọng nhất này.

Tìm hiểu về ông chúng tôi được biết nhà danh y này sinh ra trong một gia đình có nghề bốc thuốc, bấm huyệt gia truyền. Ông được thừa hưởng những bài thuốc, phương thức chữa bệnh theo y học cổ truyền của dân tộc Mông. Những ngày trong quân ngũ, vốn kiến thức cha truyền con nối được phối hợp với các ngón võ của lực lượng Bộ đội biên phòng được ông tổng hợp thành một phương thức chữa bệnh qua xoa bóp, bấm huyệt riêng… Sau công đoạn xoa bóp- bấm huyệt, du khách sẽ được mời uống một cốc nước thuốc nóng, nấu từ các vị thuốc dùng cho nước tắm. Sau cứ đến Sìn Hồ lại nhớ ngay đến tắm lá thuốc kiểu “đế vương”.

Theo Yeudulich.vn, TTXVN, internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *