(TPO) – Để mang con chữ đến với trò nghèo ở buôn làng vùng sâu, các thầy cô ở 3 xã phía nam Sa Thầy tỉnh Kon Tum đã không ít lần phải bật khóc giữa chốn hoang vu. Mưa rừng ập xuống kéo dài hành trình theo đường vòng hơn 200 km, băng qua 2 thành phố. Sau tiếng trống khai trường những phượt thủ bất đắc dĩ lại lên đường.

“Phượt thủ” bất đắc dĩ

Do mới được thành lập nên cơ sở hạ tầng 3 xã phía nam huyện Sa Thầy: Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi (tỉnh Kon Tum) còn khó khăn bộn bề. Quốc lộ 14C thi công dở dang khiến mọi hoạt động giao thông rơi vào thế bí. Cả 3 xã chỉ có 3 trường tiểu học chông chênh giữa núi rừng nên thầy cô bám làng, bám bản phải chịu đựng gian truân khôn xiết.

Mỗi lần đến trường hành trình dài như bất tận, vì phải “cõng chữ” qua 2 thành phố cách xa tới 200 km. Chuyện cứ ngỡ như đùa và khó hình dung với những ai chưa đặt chân đến nơi này. Có thâm niên nhiều năm đi dạy ở nhiều nơi, với thầy Hà Văn Triển – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ia Dom) thì đây vẫn là “nơi hành nghề khó nhọc nhất mà tôi từng biết”!

< Đường đồi dốc, trơn trượt với nhiều hiểm trở.

Thầy Triển kể: “Mùa nắng còn đỡ chứ về mùa mưa thì khó khăn vô vàn, đường đi bùn lầy nhão nhoẹt dính như keo. Mùa nắng theo đường thẳng, chỉ phải đi 100 km, nhưng mất hơn nửa ngày trời cũng chưa chắc đã đến trường.

Còn mùa mưa phải đi theo đường vòng, muốn hay không cũng phải chạy xe máy hơn 200 km qua 2 thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Pleiku (Gia Lai) rồi chạy dọc theo QL 14C về phía huyện Ia G’rai, qua sông Sê San và tiếp tục đi xuyên rừng gần 40 km, đèo dốc hiểm trở nữa mới tới. Cuối tuần muốn về thăm nhà nhưng ngại con đường nên có khi hơn cả tháng, giáo viên mới về một lần”.

Đường xa hun hút, vắng tanh, nhà dân thưa thớt. Có đoạn đi hàng chục km không thấy một bóng người. Nếu đi một mình xe thủng xăm, dính lầy là coi như khóc ròng, không biết cầu cứu ai. “Thường mỗi khi vào trường, các thầy cô phải đi theo nhóm 4-5 người như phượt để hỗ trợ cho nhau, lỡ qua suối hay đường lầy thì cùng nhau khiêng xe.

Khi đi phải chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, nếu xe hỏng hóc còn có cái mà xoay xở. Đối với các thầy còn đỡ, nhiều cô chân yếu tay mềm từng không tránh khỏi cảnh khóc mếu dọc đường. Cũng may là lâu nay chưa có bất trắc nghiêm trọng gì xảy ra ”- thầy Triển thở dài.

“Vất vả, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm thú vị. Thời gian đầu, thấy nam nữ cùng nhau ra sông, suối tắm em ngượng chín cả mặt. Lúc đó, em có dám tắm đâu, nhưng lâu dần cũng thành quen, chiều nào về cũng lại ra suối… ”.
Cô Hồng chia sẻ.

Cùng vượt khó

< Phụ huynh giúp trường dựng nhà bán trú.

Năm học mới 2014-2015, gương mặt học sinh và phụ huynh ở nam Sa Thầy có vẻ phấn khởi hơn vì đã có ngôi trường mới. Trước đó, các em chủ yếu học ké ở nhà dân hoặc nhà tạm bằng tranh tre do thiếu phòng học. Đêm về, giường ngủ của thầy và trò cũng chính là phòng học, bàn ghế ghép tạm làm giường. Trước mắt, chỗ học đã tương đối ổn định.

Nhưng điều kiện sinh hoạt của giáo viên và học sinh còn nhiều trầy trật: 11 giáo viên nhưng chỉ có 2 phòng ngủ chừng vài chục mét vuông nên phân nửa số giáo viên phải xin ngủ ké ở nhà dân. Nước sinh hoạt chỉ đủ nấu ăn, chiều về các thầy cô phải ra suối tắm giặt… Do không có nước nên nhà vệ sinh mới xây đành khóa kín cửa. Về sách đọc thêm cho học sinh thì thiếu quanh năm.

Không chỉ giáo viên ở trường Nguyễn Du mà hầu hết công nhân viên chức ở nam Sa Thầy đều có tình cảnh na ná nhau. Riêng khoản xăng xe đã tốn khá bộn. Nếu đi theo đường thẳng từ huyện vào thì tiêu hết một bình xăng đầy. Mùa mưa đi vòng lại tốn gấp đôi. Cấu víu, chắt bóp từ đồng lương khiêm tốn.

< Hàng ngày, học sinh thôn Noh Prông phải đi trên con đường lầy lội.

Càng khó khăn, thầy, trò và phụ huynh ở đây lại càng gần gũi chia sẻ với nhau hơn. Tại trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Ia Đal), đầu năm học đã có hàng chục phụ huynh tập trung dựng nhà bán trú, nhà tắm, đào hố rác… giúp nhà trường. Bố em Lương Văn Thanh cười bảo: “Chúng tôi mỗi người tự phân công nhau mang ván, búa đinh, cuốc xẻng đến trường hỗ trợ. Thấy các cháu và thầy cô có chỗ ăn, chỗ ở ổn định là vui rồi”.

Theo thầy Hiệu trưởng Đỗ Việt Hưng: Mặc dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng phụ huynh rất chăm lo việc học của các em, chỉ cần nhà trường có lời nhờ là họ sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều hộ nhà xa từ 20-30 km phải gửi con ở bán trú suốt tuần. Riêng việc ăn uống, tắm giặt và y tế… được công ty Cao su hỗ trợ cho con em công nhân. Trường có 132 em thì đã có hơn 30 ở bán trú vì xa nhà.

Nỗi lòng giáo viên trẻ!

Kể về chốn “thâm sơn cùng cốc” này, thầy Hà Văn Triển trăn trở: Giáo viên trẻ có thể coi việc nhận công tác về đây là bước trải nghiệm thiết thực, nhưng mặt khác cũng rất vất vả cho họ. Mọi tiện nghi ăn, ngủ, sinh hoạt… đều thiếu. Để có điện soạn giáo án, thầy cô phải góp tiền mua dầu chạy máy phát điện không quá 2 tiếng mỗi đêm. Hằng ngày, các thầy quanh quẩn lên lớp rồi về lại phòng chứ không biết đi đâu. Cách đây 1 năm, có 2 giáo viên mới vào, chưa quá 3 ngày đã không chịu nổi phải quay trở ra.

Tuy mới đi dạy được 2 năm nhưng dường như mọi khó khăn ở vùng sâu thầy Bùi Hồng Phong đều đã trải qua. Năm đầu, Phong được nhà trường bố trí dạy tại trường chính. Năm nay, Phong được bố trí vào điểm trường Làng Thanh niên lập nghiệp, phụ trách lớp ghép – cách trường chính tới 60 km.

< Cô Ngô Thị Hồng nhiều lần vượt khó “cõng chữ” đến với học trò.

“Lúc mới vào nhận lớp thấy ngỡ ngàng lắm. Lớp ghép nhưng chỉ có 7 học sinh – 5 em lớp 3 và 2 em lớp 4. Em không nghĩ lại có lớp học mà có ít học sinh đến vậy, thầy và trò cứ nhìn nhau. Khi dạy phải thực hiện 2 giáo án cùng lúc, bên này dạy toán còn bên kia dạy văn. Mặc dù ít nhưng xoay đi, xoay lại kèm các em suốt buổi cũng không có thời gian rỗi. Học sinh quá ít nhiều lúc cũng buồn. Mỗi khi có cuộc họp, chạy về lại trường xa cũng ngán”, thầy Phong tâm sự.

Cùng chung nỗi niềm, cô Ngô Thị Hồng lúc mới vào dạy ở đây cũng nhiều lần rơi nước mắt. Cô kể: Em bị lạc đường 2 lần rồi, khiếp lắm! Có lần đi một mình, trời tối, đi mãi nhưng không tới nơi. Vừa lo, vừa sợ, nước mắt rơi mà vẫn phải cố bình tĩnh dò dẫm đi tiếp. Cũng may gặp được anh bộ đội, anh ấy bảo đây là vùng biên giới, sau đó chỉ đường về làng xin ngủ lại nhà dân. Có hôm 4-5 chị em đi lạc qua gần tới đất Campuchia.

Cầu, còn lâu mới có

Còn để đưa được con chữ đến bản đồng bào Mông, nhiều giáo viên phải vượt gần chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối, chỉ trở về nhà khi trời đã sẩm tối. Đó là chuyện thường ngày của các thầy cô giáo ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Các giáo viên ở đây đều tích lũy được một nguồn kỹ năng ứng phó dày dặn trên hành trình sông nước. Theo chân thầy Trần Hữu Liên giáo viên môn Toán trường THCS Hòa Phong, từ trung tâm xã chúng tôi phải vượt gần 10 cây số đường vắng vẻ. Có đoạn đường lầy lội, lổn nhổn ổ voi, ổ gà, ngập ngụa bùn đất hay bụi bay mù mịt. Có đoạn băng qua rẫy cà phê. Còn cây cầu tạm đến thôn Noh Prông chỉ là những tấm ván ghép lại, bắc qua mấy thân cây làm chân đỡ.
“Điểm trường mầm non và tiểu học có khoảng chục năm rồi, còn điểm trường trung học cơ sở mới có thêm năm ngoái, giúp giảm mạnh tỉ lệ học sinh bỏ học xuống chỉ còn 1%. Mùa mưa đến, nước ngập cầu, thầy cô được dân kéo qua sông bằng chiếc bè lồ ô tự chế. Có khi đang kéo thì dây bị đứt, bè trôi chơ vơ giữa sông, phải đợi bè mắc vào đâu đó dân lại ra kéo vào ! ” – thầy Liên kể.

Cô Hứa Văn Thành Vương, trường Tiểu học Cẩm Phong nhớ lại: Có lần tôi đang ngồi trên bè được dân kéo, chân mắc vào khe bè ngã ngửa, rơi tòm xuống sông, nước cuốn trôi một đoạn. May các bác ấy kịp bơi ra cứu vớt, nếu không đã mất mạng!

Khai giảng niên học mới năm nào cũng vào lúc mùa mưa bão đến, thầy cô cùng trò thấp thỏm âu lo. Năm học này, có 35 thầy cô giáo từ mầm non đến trung học cơ sở hằng ngày phải lặn lội vào thôn Noh Prông dạy học. Cô Lê Thị Hà – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Hòa Phong kể: Đã hơn 10 năm liên tục vào dạy ở đây sự cố trượt ngã, giáo án rơi xuống bùn, ướt sũng nước là chuyện thường. Thầy cô thường phải gói cơm theo, nhiều hôm muộn quá phải ở lại ngày mai dạy tiếp.

< Hai mố cầu đứng phơi mưa phơi nắng mà cầu thì chưa được xây dựng.

Ông Huỳnh Viết Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: Thôn Noh Prông gồm có 371 hộ, 2.121 khẩu đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch, trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 1/3. Thôn nằm biệt lập bên kia suối Êa Noh Prông. Để vào được trong thôn giảng dạy, thầy cô phải đi qua chiếc cầu gỗ tạm bợ do dân tự làm, bắc qua sông Krông Ana. Mùa khô lòng sông trơ cạn.

Mùa mưa chỉ cần mưa vài ba ngày là nước lũ cuồn cuộn, cuốn trôi cầu. Người lớn không ra được khỏi làng, thầy cô phải nghỉ dạy có khi cả tháng. Chưa thể biết đến bao giờ thầy cô ở những bản vùng xa này mới có thể yên tâm đến lớp vào mùa mưa bão.

Cây cầu dân sinh bắc qua sông Krông Ana nằm trong dự án quy hoạch bố trí dân di cư tự do cho thôn Noh Prông được khởi công xây dựng từ năm 2011. Đến nay đã 3 năm dự án mới xây xong 2 mố cầu và bờ kè trong khi người dân vẫn mỏi mắt ngóng chờ. Cầu treo dây võng đến thôn Noh Prông có chiều dài 120m, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng, vốn do tỉnh rót về. Nguồn vốn bố trí nhỏ giọt nên vốn rót đến đâu, dự án nhích đến đó… Bà Lò Thị Yến cán bộ Ban quản lý dự án của huyện Krông Bông cho biết.

Theo Kiến – Thảo – Mai – Hường (Báo Tiền Phong)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *