(DNSG) – Lẩn khuất trong bản làng yên ả của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế là những thợ săn người Pa Cô tuổi đời đã ngót ghét trăm mùa rẫy. Họ mang trong mình bao ký ức của núi rừng, ở đó, một thời họ đã chiến đấu với hổ báo để gìn giữ bình yên bản làng.
Những thợ săn một thời giáp mặt, chiến đấu với hổ báo trên Trường Sơn còn lại rất ít. May thay, trong những ngày rong ruổi miền rẻo cao A Lưới, chúng tôi gặp được thợ săn Vỗ Bua (98 tuổi, thôn Đụt, xã Hồng Kim) và Vỗ Hinh (95 tuổi, thôn Lê Triêng 1, xã Hồng Trung). Ký ức ngồn ngộn của họ về núi rừng được “giải bày” với lớp con cháu trong những ngày Đông bên bếp lửa nhà sàn.
Vỗ Bua kể, khi ông còn là một thiếu niên đã học được cách đi săn từ những tốp thợ săn trong bản làng. Rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra, bố mất sớm, mẹ Vỗ Bua đưa ông lên vùng suối A Lin (xã Hồng Vân) để lánh giặc. Những tháng ngày ở đây, gia đình Vỗ Bua phải lên rừng kiếm tranh nứa dựng nhà, săn thú để có cái ăn.
NISAVA
< Vỗ Bua kể về chiến tích xua đuổi loài hổ dữ, bảo vệ bản làng.
Có lần Vỗ Bua lên núi Động Nai rồi qua núi Âm Ploang, khi trèo lên cây tà vạt để lấy rượu đoác thì phát hiện hổ đang rình. Sẵn cây giáo trong tay, Vỗ Bua phóng về lùm cây nơi chúa sơn lâm ẩn nấp. Cây giáo sượt qua lưng hổ, cắm phập xuống đất, con hổ giật mình bỏ chạy. Cứ tưởng hổ đi rồi, lấy rượu vào ống nứa, vừa xuống khỏi thân cây, con hổ lao tới trực diện vồ lấy ông.
Ông bật ngửa người né được cú vồ chí tử. Vớ cây giáo lúc nãy, ông lao theo đường chạy của hổ, thanh giáo sượt qua vai làm con hổ khiếp vía bỏ chạy vào rừng sâu. Bản năng người con của núi rừng đã giúp Vỗ Bua giữ được mạng sống. Đó là lần đầu tiên Vỗ Bua giáp mặt với loài chúa sơn lâm.
Vỗ Bua nhớ lại: “Hồi đó núi rừng còn rậm rạp lắm, buổi chiều bà con không dám lên rẫy vì sợ hổ vồ. Nhiều đêm mình nằm trong lán ở núi Tà Hung, nghe tiếng hổ gầm. Rồi hổ về bắt lợn, bò của dân bản nhốt dưới sàn nhà”.
Ký ức giáp mặt chúa sơn lâm lần hai được Vỗ Bua kể trong hành trình ông cùng già làng Quỳnh Uynh sang Lào bán a vin (cái chét) cho dân bản bên kia biên giới. Hai người đến núi Tà Hênh thì thấy một a chói (dụng cụ đựng nông sản) đầy sắn nằm ven suối. Vỗ Bua biết người mang a chói là một phụ nữ đi rẫy đang trên đường về nhà.
< Con cháu tự hào về chiến tích của Vỗ Bua một thời.
Tìm quanh không thấy người phụ nữ đâu, Vỗ Bua cùng người bạn giật thót mình khi thấy hai con hổ đang gầm gừ tranh nhau cái xác người phụ nữ. Ông cùng Quỳnh Uynh chạy về gọi thêm trai tráng trong làng dùng lửa, thanh la xua đuổi hổ. Đến nơi, xác người phụ nữ đã bị tha đi mất, chỉ còn lại phần đầu. “Lần đó mình thấy áy náy lắm. Vì mình không mang theo giáo mác, cung nỏ nên không thể giết con hổ đó”- Vỗ Bua nói như trần tình.
Những lần đối diện với hổ cùng nỗi lo của dân bản khi lên nương rẫy, lợn, bò bị hổ lùng bắt đã làm cho thợ săn trẻ Vỗ Bua quyết tâm giết được loài thú giữ để bảo vệ bình yên cho dân bản mình. Giáo mác không giết được loài thú dữ, Vỗ Bua chuyển qua làm hầm chông.
Vỗ Bua kể: “Mình đào hầm thiệt rộng, cắm chông được làm từ những cây nứa già. Trước khi đặt bẫy mình phải thám thính dấu chân hổ để xem chúng lui tới ở những vùng nào. Chặt tre cao hai mét đan thành một đường hào cắm dọc đường đi của hổ rồi dùng mồi heo rừng để dụ. Hổ sập hầm chông sẽ bị thương, không thể lên khỏi hầm mới bắt được”.
NISAVA
< Vỗ Hinh ngồi kể về cách tẩm độc, giết thú dữ bảo vệ bản làng.
Một lần đi thăm bẫy ở khe Pa Lin, Vỗ Bua phát hiện một con hổ đã chết dưới hầm chông. Chông đâm xuyên cổ loài thú dữ. Cũng có lần Vỗ Bua đi săn ở núi Ka Nút, bị hổ tấn công rách bả vai. Vỗ Bua đã dùng nỏ bắn bị thương con hổ. Phát nỏ không đủ sức giết loài thú dữ nhưng đã làm chúa sơn lâm khiếp vía, chạy bạt mạng vào rừng sâu. Từ đó bản làng không còn nghe tiếng hổ gầm, người dân không còn phải lo sợ khi lên nương rẫy nữa.
Với thợ săn Vỗ Hinh, ông không chỉ giết được nhiều thú dữ để bảo vệ bản làng mà còn có biệt tài dùng độc khi đi săn.
Vỗ Hinh kể: “Hồi đó khu vực núi I Zong, khe Pi Lợi, hổ khá nhiều. Đã nhiều lần dân bản mình lên rẫy vứt cả mác, a chói chạy về vì sợ hổ ăn thịt. Mình là thợ săn nên quyết tâm giết hổ để bản làng được bình yên. Có lần, đi săn ở khe Pi Lợi mình dùng độc tẩm vào mũi tên đã bắn chết một con hổ. Con này thường xuyên về bản bắt lợn, bò”.
Chất độc theo tiếng đồng bào Pa Cô là pil, được làm từ loài cây cùng tên, có mủ nhiều như cây cao su, màu đen sẫm. Loài cây này chỉ có ở Lào. Để có loại độc này, sau khi làm lễ cúng với trưởng bản Xi (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông), Vỗ Hinh lấy nứa cắm vào cây cho chất độc chảy ra, mang về nấu thành cao tẩm vào mũi tên.
< Nhờ tài săn bắn, Vỗ Hinh cưới được vợ.
NISAVA
Có khi Vỗ Hinh mua chất độc pil từ bên kia biên giới về bán với giá 5 đồng bạc Pháp một ống nứa. Chất độc này đã giúp Vỗ Hinh xua đuổi được loài hổ, bắn chết hai con báo chuyên tấn công dân bản khi làm nương rẫy. Rồi cũng nhờ tài đi săn với chất độc lạ, Vỗ Hinh đã lấy được vợ là Kả Hinh (thôn Ta Ay, xã Hồng Trung), khi cô gái trẻ mến mộ tài một thợ săn.
Thợ săn giỏi một thời ở vùng này không ai qua được Vỗ Bua, Vỗ Hinh, Vỗ Lập. Họ đã cùng bảo vệ bản làng trước loài thú dữ. Sau ngày thống nhất đất nước đến nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động dân bản không đi săn, các loại vũ khí cũng được giao nộp nên tình trạng giết thú rừng đã chấm dứt” – ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim khẳng định.
Theo Hồ Ngọc Minh (Doanh Nhân Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!