(QTV) – Xóm bích họa ở biên giới, núi Kéo Lạn, hồ Trúc Bài Sơn, rừng ngập mặn Đồng Rui chắc chắn những điểm đến còn khá mới lạ đang chờ đón các “phượt thủ” trên cung đường khám phá miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.

< Núi Kéo Lạn với những phiến đá có hình thù kỳ lạ.

Cung đường miền Đông của tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều điểm đến hấp dẫn với những ai yêu thích dịch chuyển và khám phá như cung đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu, thác Pạc Sủi ở Tiên Yên, đảo Cái Chiên ở Hải Hà…Nhưng lần này, QTV.VN sẽ giúp các bạn điểm danh những điểm đến mới lạ, đang chờ đợi dấu chân check in của các “phượt thủ”.

Núi Kéo Lạn – “cao nguyên đá” ở  Bình Liêu

Núi Kéo Lạn nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn Phật Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.
NISAVA
Nơi đây được ví như “cao nguyên đá Đồng Văn” bởi bãi đá có nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt nằm đan xen nhau, trải dài giữa không gian rộng lớn. Đá ở đây có nhiều mỏm cao hơn 3 mét, thích hợp với những ai ưa thích chụp ảnh “sống ảo”.

Hệ thống bãi đá xuất hiện không tuân theo bất cứ một quy luật nào. Chỗ tập trung như bức tường thành vững chãi, chỗ lác đác vài phiến đá to tựa như hình đóa hoa sen, chỗ lại nhô cao hẳn lên như một tấm phản dựng giữa núi đồi. Có lẽ, chính bởi sự thay đổi hình dạng của các phiến đá mà tạo cho du khách nhiều ấn tượng tạo cảm giác mới lạ, níu chân du khách không muốn dời.

Không chỉ có bãi đá, trên đỉnh núi Kéo Lạn còn có những vũng nước với những tán cỏ mọc um tùm, xanh mướt, cạnh đó từng đàn trâu, đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, tạo thành một bức tranh bình yên giữa thiên nhiên hoang sơ.

Xen lẫn những bãi đá là hệ thống khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ đường kính lớn tới hai, ba người ôm. Đứng trên núi, có thể bao quát cả hệ thống đường biên như một dải lụa vắt qua những ngọn núi nhấp nhô, trải dài khắp biên giới Việt – Trung cùng dãy núi được ví như “sống lưng khủng long”.
NISAVA
Từ đây, du khách có thể hướng mắt ngắm nhìn ngọn núi Cao Ly (xã Húc Động) và một góc bản làng của người Dao (Đồng Văn) với những ruộng bậc thang quanh co uốn lượn, tạo cho cảnh tượng miền đất này thêm nét kỳ ảo và thơ mộng.

Để lên được núi Kéo Lạn, từ thị trấn Bình Liêu du khách di chuyển lên hướng chợ Đồng Văn lên cung đường 1327, đến khu bảo tồn dược liệu rẽ phải đi xe khoảng hơn 1 cây số rồi gửi xe vào nhà dân. Từ nhà dân lên núi mất khoảng 30 đến 40 phút đi bộ men theo con đường mòn nhỏ dẫn vào rừng.

“Xóm bích họa” ở Hải Sơn, Móng Cái

Các bạn trẻ yêu thích du lịch, check in những địa điểm thú vị có lẽ không xa lạ với làng bích họa ở tỉnh Quảng Nam, hay đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng không cần phải đi xa đến thế, ngay tại một xã vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Ninh cũng có một xóm bích họa đẹp chẳng thua kém gì hai địa danh trên.
NISAVA
Xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, cách trung tâm TP Móng Cái khoảng 40km gần đây được nhiều người biết đến hơn bởi những bức tranh sống động trên các bức tường của mỗi ngôi nhà trong xóm.

Những ngôi nhà có phần đơn sơ, giản tiện bỗng trở nên sống động, thành bức họa rực rỡ giữa núi đồi biên cương. Nơi này là chú chó vàng nằm sưởi nắng bên vườn hoa cúc, kia là đàn gà cục tác ăn ngô bên hiên, người nông dân dắt trâu từ đồng về, lũ trẻ đùa vui giữa vườn đào…

20 bức tranh trên tường 13 ngôi nhà trong xóm, mô tả sinh động cuộc sống của đồng bào Dao Thanh Y, là công sức của các đoàn viên thanh niên địa phương cùng sự trợ giúp của các sinh viên mỹ thuật.

Người dân nơi đây hy vọng, qua những bức tranh bích họa sẽ thu hút du lịch cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ có mong muốn khám phá biên giới đến đây nhiều hơn, tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hồ Trúc Bài Sơn – hồ trên núi ở Hải Hà

Hồ Trúc Bài Sơn thường được người dân ở bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn gọi là hồ trên núi. Diện tích lòng hồ Trúc Bài Sơn khá rộng, nước hồ trong xanh, xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh, xen lẫn với những rừng keo phủ một màu xanh ngắt.
NISAVA
Để ngắm cảnh hồ, du khách có thể thuê thuyền máy với thời gian hành trình mất tới nửa ngày. Buổi sớm tinh sương hay khi hoàng hôn buông xuống là thời điểm để ngắm cảnh hồ đẹp nhất. Ngay trong lòng hồ nước rộng mênh mông, có những mỏm đất nhô lên cao để bạn có thể cập thuyền, dạo chơi ngắm cảnh hoặc câu cá.

Được biết, hồ Trúc Bài Sơn đã được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây khoảng 25 năm, phục vụ nước tưới tiêu và sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc 6 xã của huyện Hải Hà.

Hồ Trúc Bài Sơn nằm cách trung tâm huyện Hải Hà khoảng gần 20km. Sau khi dạo chơi trong hồ, du khách cũng có thể ghé thăm bản Lồ Má Coọc nằm ngay cạnh lòng hồ, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, xã Quảng Sơn. Đường lên bản vô cùng thơ mộng với bạt ngàn hoa sim, hoa mua tím biếc, cùng những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y chắc chắn sẽ đem lại cho du khách có thêm được những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

Rừng ngập mặn Đồng Rui – Mũi Lòng Vàng ở Tiên Yên
NISAVA
Rừng ngập mặn Đồng Rui, thuộc xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 60 km về phía đông bắc, giáp cửa sông Ba Chẽ. Rừng ngập mặn Đồng Rui có tổng diện tích 2.800ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 2.400ha, bao gồm các loài cây sú, vẹt, đước, mắm, trang… Đây cũng là môi trường sống của các loại động vật như chim, cò, sáo, cu gáy, kỳ đà, rái cá, cầy, cá, tôm, sá sùng, bông thùa…

Khi thủy triều xuống ở mức thấp, du khách có thể cùng với ngư dân ở nơi đây lướt trên dòng sông với hai bên xanh ngắt rừng ngập mặn. Vô số điều lý thú dành cho du khách khám phá dưới tán lá rừng xanh ấy – từ những bộ rễ sần sùi của sú, vẹt, đước… đang tận dụng nước rút cạn để hô hấp trước khi thủy triều dâng cao, đến những chú cua, cáy đang đùa giỡn; hay những con vạng, ốc…đang nằm trơ mình trên bùn.
NISAVA
Phía trên những tán lá của rừng ngập mặn là tiếng chim ríu rít vui đùa cùng nhau. Khi buổi chiều hoàng hôn buông xuống, du khách lại được chiêm ngưỡng từng đàn cò, đàn chim, chao lượn trên không trung rồi lại đậu xuống che phủ một góc rừng,  tạo nên một khung cảnh thanh bình, nên thơ mà ít nơi nào có được.

Sau khi trải nghiệm rừng ngập mặn Đồng Rui, du khách có thể lên tàu gỗ đến Mũi Lòng Vàng – một đảo cát nhô lên giữa biển xanh mênh mông và nằm cách bờ khoảng 4km.

Mũi Lòng Vàng có tổng diện tích khoảng 20ha, sở hữu dải cát vàng thoai thoải trải dài hơn 3km² hình thành nên nhiều bãi tắm mang vẻ đẹp hoang sơ. Sau khi tắm biển Mũi Lòng Vàng, du khách có thể tham gia đánh bắt hải sản với người dân địa phương và tự tay chế biến các món hải sản yêu thích.

Theo người dân nơi đây, sở dĩ có tên gọi là Mũi Lòng Vàng, bởi đây là một bãi cát nhô lên giữa biển, khi nước thuỷ triều dâng, bãi cát được nước biển thu tròn, trông giống như lòng đỏ trứng gà giữa mênh mông biển nước.

Theo PV (QTV)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *