Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ và Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xưa kia khu vực này đã từng có một hồ lớn.

Kon Tum nằm ở phía bắc vùng Tây Nguyên, có tọa độ trong giới hạn 13°55’-15°27’ vĩ độ bắc và 107°20’ -108°32’ kinh độ đông, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía tây có biên giới dài 150 km giáp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và 127 km với Vương quốc Campuchia.
Do phần lớn diện tích tự nhiên nằm ở phía đông dãy Trường Sơn nên địa hình Kon Tum nghiêng dần từ đông sang tây và thấp dần từ bắc xuống nam.

< Một đoạn của dòng Đakbla, xa xa là thủy điện Yaly.

Phía bắc tỉnh là khối núi Ngọc Linh có độ cao trong khoảng 800-1.200 m, trong đó có đỉnh Ngọc Linh 2.596 m, Ngọc Phan 2.251 m, Ngọc Krinh 2.066 m, Ngọc Bôn Sơn 1.939 m, Kon Bo Ria 1.500 m, Kon Krông 1.330 m. Vùng này là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn như sông Cái chảy sang Quảng Nam, sông Sê San chảy sang Cămpuchia và sông Ba chảy sang Phú Yên.

Phía nam tỉnh có độ cao trên dưới 500m với độ dốc 2-5%. Từ phía tây Ngọc Linh có một dải thung lũng hẹp chạy đến giữa tỉnh thì mở rộng ra tạo nên cánh đồng bằng phẳng trải dài 50 km tới tận thị xã Kon Tum. Đây là khu vực đồng bằng nằm ở độ cao 252m so với mặt biển và được phù sa hai nhánh sông Se San là sông Đắk Pôkô và Đắk Bla bồi đắp.

Cực nam tỉnh có thác Yaly cao 60m đổ sang địa phận Gia Lai. Từ nguồn nước của thác này đã xây dựng trên đất Gia Lai nhà máy thuỷ điện Yaly công suất 720 MW.

Kon Tum thu hút người yêu du lịch bởi cảnh quan tự nhiên kết hợp với truyền thống văn hoá dân tộc lâu đời. Đó là các di tích lịch sử đã được xếp hạng quốc gia, các công trình lịch sử, kiến trúc cổ, các khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di chỉ khảo cổ học Lung Leng, lòng hồ…

Ngục Kon Tum

Từ đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, đi về hướng Tây Nam khoảng 1km, di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum hiện lên nghiêm trang trước mắt du khách với những hàng bách, xà cừ cao vút. Nhà ngục được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ tù chính trị, các chiến sĩ cách mạng của ta trong thời kỳ năm 1930 – 1931.

Về với di tích lịch sử Quốc gia – Ngục Kon Tum, du khách sẽ được thăm quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đăkbla lộng gió. Khu di tích đã trở thành nơi thăm viếng của nhân dân và các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến Kon Tum.

Chùa Bắc Ái

Chùa tọa lạc ở thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Phía Đông giáp đường Trần Phú, Tây giáp đường Mạc Đĩnh Chi, Nam giáp đường Phan Chu Trinh, Bắc giáp đường Bà Triệu. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Được khởi công xây dựng vào năm 1932, vật liệu xây dựng chùa chủ yếu được làm bằng mầm trỉ, mè tre, vách đất, mái lợp ngói vảy. Khi hoàn thành chùa được đặt tên là Tổ Đình Bác Ái. Dưới thời vua Bảo Đại, chùa được sắc phong “Sắc tứ Bác ái tự” và tặng hai câu đối, hiện được khắc sơn son thiếp vàng bên hai cột trước Đại Hùng bửu điện: “Kon Tum thắng cảnh Đại Nam nhất thống dĩ lai – Bác Ái danh lam Bảo Đại bát niêm y thỉ”.

Chùa đã trải qua 5 đời trụ trì từ năm 1933 đến nay. Thượng tọa trụ trì Thích Chánh Quang đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh từ năm 1990. Chùa là một danh lam ở cao nguyên miền Trung.

Tòa Giám mục Kon Tum

Toà giám mục Kon Tum tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum, được xây dựng vào năm 1935. Tòa Giám mục là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ quý, có độ bền cao với thời gian.

Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Toà giám mục mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Qua cánh cổng nhỏ, du khách có thể chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của hoa sứ. Một trong những điểm nhấn tại Toà giám mục Kon Tum là căn nhà truyền thống, có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Đây là nơi không thể bỏ qua khi du khách đến Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống người dân vùng đất mến khách này.

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ)

Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Công trình được xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana. Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, người dân gọi gần gũi là Nhà thờ Gỗ, bởi vật liệu chính làm nhà thờ được làm từ gỗ. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ có đường nét phóng khoáng thể hiện được cái chất của người Tây Nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh.

Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả trần và các bức tường của Nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm – kiểu làm nhà của người miền Trung, dù một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp với thời gian. Bên trong nhà thờ, được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng.

Cầu treo Kon Klor – Làng văn hoa Kon K’tu

Cầu nối liền hai bờ của dòng Đăkbla, đứng giữa cầu, du khách sẽ thấy tâm hồn mình như thoáng đạt hơn, dưới chân cầu là dòng sông mải miết chảy, xung quanh là làng mạc và những bãi mía, ruộng ngô, đồng lúa. Cầu treo Kon Klor là điểm du lịch lý thú đối với du khách gần xa khi đến Kon Tum. Bên cạnh cầu treo là nhà rông văn hóa thuộc phường Thắng Lợi, Nhà rông văn hóa truyền thống lớn nhất Tây Nguyên.

Làng Kon K’Tu cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8km về phía Đông, dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Ba Na. Nhiều người Ba Na rất kiêu hãnh với Kon K’Tu không vì làng giàu có về vật chất mà bởi làng vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ. Hiện nay, dân làng vẫn duy trì được những đội cồng chiêng, đội múa Xoang.

Làng vẫn giữ nguyên vẹn lễ hội truyền thống. Đặc biệt, đến Kon K’Tu, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa nguyên gốc của nhà dài, nhà sàn. Sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại thì du khách quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều, hiện trung bình mỗi ngày Kon K’Tu đón trên 50 khách du lịch nước ngoài và hàng trăm khách trong nước đến tham quan.

Sông Đăkbla

Nếu như nhiều dòng sông khác ở Việt Nam bắt nguồn từ Trường Sơn chảy về biển Đông thì sông Đắk Bla lại theo hướng Tây Trường Sơn, lẻ loi một mình, trượt dài 100km, từ địa phận huyện Kon Plong ở phía Tây tỉnh Kon Tum về thị xã, rồi lượn lờ sang hướng Tây – Tây Nam hợp với con sông Krông Pô Kô từ hướng bắc đổ xuống thành con sông lớn Sê San hùng vĩ.

Dòng sông Đắk Bla như một dải lụa mềm chảy vắt ngang qua thành phố nổi, lại gắn liền với nhiều huyền thoại của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc triền sông. Đắk Bla còn là dòng sông có loài cá quý, bao đời dùng để “tiến vua”, mang tên Anh Vũ…

Sông Đăk Bla không những đem lại nguồn nước và nguồn phù sa trù phú cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân mà còn là một trong những hành trình khám phá du lịch của mọi du khách gần xa khi đến với Kon Tum.

Khu du lịch sinh thái Măng Đen

Măng Đen có vị trí rất đặc biệt, nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen và đèo Viôlắk (Quảng Ngãi), khu vực Măng Đen hầu như còn nguyên sinh, diện tích rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, có trên 4.000ha rừng thông tạo thêm tính đa dạng và có nét tương đồng với Đà Lạt.

Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình dao động 18oC – 20oC. Dân tộc thiểu số chiếm gần 90% tổng dân số.

Hiện nay, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã hình thành và đưa vào khai thác các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng các loại rau hoa xứ lạnh, nuôi cá nước lạnh, đặc biệt đã thành công dự án nuôi cá Tầm, cá Hồi thương phẩm và nuôi sinh sản giống cá Tầm, cá Hồi. Khu du lịch sinh thái Măng Đen được Chính phủ đưa vào danh mục các khu du lịch quan trọng của quốc gia.

Ngã ba Đông Dương không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ mà nơi này ngày nay đang trở nên hấp dẫn du khách trên hành trình thăm Kon Tum – cực bắc Tây Nguyên Việt Nam.

Cột mốc biên giới do ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, cách thị trấn Playku khoảng 30 km.

Cột mốc đặc biệt nặng 900kg làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy, năm cắm mốc và tên quốc gia đó  bằng chữ màu đỏ của chính nước đó.

Địa danh ngã ba Đông Dương trên dãy Trường Sơn hùng vĩ luôn nằm trong ký ức lớp bộ đội, thanh niên xung phong trên đường vào chiến trường miền Nam, chiến trường C (Lào), chiến trường K (Campuchia) trong những năm tháng chiến tranh không thể nào quên. Từ cột mốc ngã ba biên giới, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương.

Du lịch Kon Tum

NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ Zing và nhiều nguồn khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *