Mưa lớn khiến nước tràn qua ống hút khí nạp của động cơ khiến một số xe bị chập điện, số khác thậm chí còn bị nước ngập vào trong xe, cá biệt có chiếc bị chết máy do thùng xăng chứa đầy nước. Làm thế nào để xử lý tình huống này?

< Đường ngập nước là mối nguy cho cả bạn và chiếc xe.

Ai cũng biết nước thật cần thiết đối với con người nhưng lại rất có hại với ô tô và cả xe máy, đặc biệt ở các bộ phận như: các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến, hộp điều khiển rất dễ hỏng… Nước cũng làm giảm hiệu lực của côn – ly hợp, phanh.
Vậy nên lái ô tô, xe máy thế nào trong mùa mưa bão?

Đối với ô tô

Mẹo 1: Luôn giữ tốc độ động cơ cao để tránh nước vào ống xả khiến xe “chết máy” đột ngột.

Với xe số sàn, bạn nên đi số 1 với mức ga cao – trên 2000 vòng/phút nếu xe có đồng hồ báo tốc độ động cơ hoặc 1/3 đến 1/2 hành trình chân ga. Với xe số tự động có chức năng đi số sàn, hãy đi số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2, D3, hãy chuyển về D1.

Mẹo 2: Không nên đi quá nhanh bởi điều đó sẽ tạo sóng cao khiến nước dễ tràn vào động cơ hơn.

Mẹo 3: Cần biết giới hạn nước không nên vượt qua
Đối với xe gầm thấp, không nên để nước ngập quá nửa lốp xe còn với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước vào cửa gió động cơ trước mũi xe.

Mẹo 4: Nên tránh xa các xe đi ngược chiều.

Lý do là xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng hoặc hắt nước ngược lên capo xe – nguy cơ cao nước tràn vào khoang động cơ hoặc họng hút. Nếu đường hẹp, bạn có thể ra hiệu cho tài xế xe ngược chiều đi chậm lại và nhẹ nhàng vượt qua xế kia.

Mẹo 5: Tắt công tắc AC – Điều hoà để tránh bị gãy cánh quạt khi xe ngập nước.

Mẹo 6: Nên đạp nhẹ rà phanh một lúc cho má phanh khô sau khi ra khỏi vùng ngập lụt để cho phanh có hiệu lực như bình thường.
Mẹo 7: Kiểm tra dầu máy sau khi ra khỏi vùng ngập nước.

Nếu dầu máy chuyển màu nước gạo tức là nước đã vào động cơ. Lúc đó, bạn tuyệt đối không nên tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị sóng nước do xe khác chạy làm trôi dạt và gọi Cứu hộ 116 ngay.

Đừng nên tìm cách tự sửa nếu các bạn không có chuyên môn kỹ thuật, bạn nên tháo càng sớm càng tốt dây nối với bình ác qui, gọi về Hãng xe của bạn để tìm người tư vấn hoặc đơn giản hơn bạn gọi cứu hộ 116, thông báo rõ loại xe và tình trạng bị ngập để được tư vấn cách không bị thiệt hại thêm cũng như các việc cần thiết nếu xe bạn có mua bảo hiểm.

Mẹo 8: Hút, sấy, khử mùi ngay nếu nội thất bị ngập trong nước

Sau khi tẩy uế, ghế da phải được chăm sóc bằng hoá chất chuyên dụng, dạng làm sạch hoà tan, không chứa xút và ít lưu mùi.

Đối với xe máy

A/ Xe tay ga.

Xe tay ga có động cơ được thiết kế khác biệt rất nhiều so với những chiếc xe số trong khi hệ thống điện và hệ thống nén cũng là những bộ phận rất nhạy cảm với nước. Do vậy, nếu gặp vùng ngập nước bạn nên cân nhắc khả năng tài chính trước khi điều khiển xe lội nước vì để sửa chữa một chiếc xe ga hỏng do nước là hết sức tốn kém.

Đối với những chiếc xe tay ga bị chết máy do ngập nước, người lái không nên cố khởi động lại xe, có thể làm cho xe hư hỏng nặng thêm. Việc nên làm là dắt xe ra khỏi vùng ngập nước và tìm đại lý sửa xe gần nhất để được sửa chữa, bởi khi xe ngập nước chết máy, việc khởi động lại xe sẽ khiến nước len lỏi sâu hơn vào bên trong động cơ, gây hiện tượng ăn mòn về sau.

Với những xe tay ga, do cấu tạo đặc biệt, đường ống thông hơi của hộp số tự động thấp nên nước rất dễ lọt vào làm cho dầu máy bị axit hóa chuyển từ màu vàng thông thường sang màu trắng đục.

Những việc cần làm sau khi xe ga bị ngập nước:

– Tháo bu-gi lau thật khô rồi lắp trở lại. Khóa xăng và xả hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí.
– Xả toàn bộ dầu trong khoang máy, vệ sinh khoang máy bằng loại dầu nhớt chuyên dụng. Cuối cùng là thay dầu mới để đảm bảo không còn một chút nước nào còn xót lại trong khoang máy.
– Cũng nên sấy khô và làm sạch các đầu mối trong hệ thống điện. Các tạp chất trong nước ngập thường rất nhiều và thường bám vào các mối tiếp xúc trong hệ thống điện, do vậy nếu không làm sạch sẽ dẫn đến các mối nối bị ăn mòn hoặc ô xy hóa trong quá trình sử dụng.
– Làm khô hệ thống phanh của xe để giảm thiểu khả năng bị chai má phanh.
– Sử dụng mỡ hoặc dầu máy để tẩy sạch tạp chất dính trên xích, chân phanh và cần khởi động (nếu có).

B/ Xe số

Khi cho xe số “lội nước”, bạn nên giảm ga và đi số thấp (số 1 hoặc số 2) và giữ đều ga để có thể an toàn qua vùng ngập. Việc giữ đều ga làm cho nước khó có thể thâm nhập vào được ống xả do hơi đẩy ra ngoài.

Nếu xe chết máy: không nên cố khởi động ngay mà tìm chỗ có độ dốc lớn, cố nâng đầu xe lên cao để cho nước trong ống xả thoát ra ngoài. Ta có thể lau hoặc thay bugi nếu cần thiết (Chi phí chỉ khoảng 20.000 – 30.000 VNĐ, những thợ sửa chữa cơ động thường xuất hiện tức thì ở ngay những điểm ngập úng nặng) và xả sạch nước trong ống pô. Khi đó, chiếc xe có thể khởi động lại tạm thời.

Sau khi thoát nước ngập, trong thời gian ngắn nhất nên mang xe đến cửa hàng sửa chữa và kiểm tra dù xe không bị chết máy.

Kinh nghiệm chung khi đi xe khi đường ngập nước

1. Cho xe chạy giữa làn đường:

Trong tất cả các thiết kế mặt đường thì ở giữa sẽ cao nhất và giảm dần khi ra phía  ngoài, do đó khi xe đi càng gần giữa đường thì sẽ hạn chế xe bị  ngập sâu, ngoài ra thì càng ở gần phía ngoài nguy cơ đi vào ổ gà, ổ voi hay hố ga sẽ cao và có thể bất ngờ làm xe ngập sâu có thể gây chết máy.

2. Luôn đi ở tay số thấp, đều chân ga: 

Khi đi ở tay số thấp sẽ dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật vô tình gặp phải mà lái xe không quan sát được. Luôn luôn đều chân ga hoặc tăng ga khi phải đi qua những đoạn đường ngập quá ống xả, vì khi đó dòng khí xả sẽ tạo ra lực đẩy lớn tránh không cho nước đi vào bên trong ống xả. nếu không thể đi nhanh có thể giữ chân phanh nhưng vẫn đạp chân ga. Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1

Chú ý: Tuyệt đối không giảm ga khi nước ngập quá ống xả vì việc giảm ga sẽ làm giảm lực đẩy của dòng khí xả có thể làm cho nước dễ dàng vào bên trong ống xả.

3. Đi chậm và quan sát xe đi trước:

Điều này sẽ giúp cho việc điều khiển xe dễ dàng đồng thời quan sát những chiếc xe phía trước để có thể tránh được những ổ voi, ổ gà mà xe phía trước gặp phải.

4. Không đi gần các xe tải trọng lớn:

Những chiếc xe có tải trọng lớn sẽ tạo ra những cơn sóng lớn bất ngờ, có thể làm ngập đường ống nạp hay ống xả gây chết máy. Ngay cả khi trời mưa nhưng không ngập nước thì cũng không nên đi gần các xe này vì  nó tạo ra những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của lái xe. trong trường hợp này không nên cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.

5. Không nên đi qua khi mức nước lên quá nửa lốp xe

Đối với các xe không thuộc dòng thể thao hoặc có thiết kế gầm cao thì  khi mức nước ngập nửa lốp xe – tức là đã đến giới hạn không nên vượt qua thì an toàn nhất là chọn đường khác để đi. Chỉ cố vượt qua nếu chắc chắn mực nước chưa ngập qua cổ hút gió.

6. Không cố gắng đi qua khi có xe đi ngược chiều

Khi đi qua khu vực nước  ngập sâu phải quan sát kỹ và cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều vì khi hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng tràn lên nắp capo của xe, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút hoặc nắp máy có thể làm ướt bugi gây chết máy.

7. Nên tắt điều hòa và phụ tải không cần thiết.

Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ tránh trường hợp có thể chết máy đột ngột. Bên cạnh đó quạt gió của giàn nóng bị ngập nước ngập mà cố gắng làm việc có thể bị cong và va đập vào dàn nóng.

8. Đừng cố gắng khởi động lại ngay khi xe bị chết máy

Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy phải bính tĩnh để xác định nguyên nhân chết máy, nếu xác định chết máy là do nước vào bên trong động cơ thì tuyệt đối không được khởi động lại động cơ vì không những không thể nổ máy mà nó có thể sẽ làm bó kẹt piston, cong tay biên.

Ngoài ra, bạn hãy quan sát xem mực nước có vượt qua mép sàn xe hay chưa, nếu cao hơn thì tuyệt đối không mở cửa, vì nước sẽ tràn vào bên trong sẽ làm hư hỏng các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất như: nỉ, da, gỗ…

Lưu ý: khi phải gọi cứu hộ để kéo xe thì với các xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì phải được chở bằng xe chuyên dụng, không sử các xe nâng, xe kéo vì có thể làm hư hỏng hệ thống truyền lực. Một số xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian ở Việt nam như: Mercedes Benz loại dẫn động 4Mactic; Hyundai Santa Fe bản dẫn động 4 bánh 4×4; Daewoo Winstom 4×4; Acura MDX; các loại Lexus AWD như GS300, GS350; Nissan Murano; Infiniti FX35, FX45, BMW X5, X3…

9. Kiểm tra dầu máy, dầu cầu, dầu phanh, dầu côn.

Ngay cả khi đã đi qua được đoạn đường nước ngập sâu thì bạn nên kiểm tra dầu máy, dầu cầu, dầu côn, dầu phanh xem có bị nước vào hay không. Có thể quan sát bằng mắt thường, nếu thấy dầu có màu sắc khác thường thì nên thay dầu mới bởi lẽ khi dầu có lẫn nước làm giảm khả năng bôi trơn (dầu máy, dầu cầu) và khả năng truyền lực (dầu phanh, côn) gây ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng làm việc của các hệ thống.

10.  Luôn lưu sẵn một số điện thoại cứu hộ giao thông trong đanh bạ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.

Tổng hợp từ Vinaoil, Duongbo, Autonet…
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *