Ngày xưa Mũi Né là một làng chài ven biển, rất ít người ở, một đơn vị hành chính cấp xã, xã này nối tiếp xã kia dọc theo bờ biển đẹp, hoang sơ và… buồn.
Hơn 20 năm trước tôi đã đến Mũi Né, để thấy một Mũi Né hiền hòa, sâu lắng, trầm mặc hiếu khách.
Nhà không số, đường không tên, ngõ nhỏ, đường phủ đầy cát dày đến 20 cm, người ta đi bộ trên lớp cát dày ấy. Mũi Né khi ấy có trường tiểu học và duy nhất một trường trung học cơ sở. Học sinh muốn học cấp III và thi tốt nghiệp phải vào Phan Thiết trọ học 3 năm. Chỉ nhà có tiền mới cho con đi học xa, vì đường đi cách trở vô cùng.
Phan Thiết cách Mũi Né 22km, năm 1989 đoạn từ Phan Thiết về Mũi Né là một con đường đất đỏ bụi mờ, gian khổ, nhựa bị nứt tách loang lổ.
< Bờ biển Mũi Né (1936).
Xe chạy sát bên lề, ì ạch, nghiêng ngả, khách ngồi đã quen thở lên thở xuống, chẳng ai nói gì, rồi đến đoạn đường cát mịn dày xe lún không qua được, hành khách phải xuống bớt, lơ xe lấy 2 thanh gỗ hoặc 2 vỉ sắt để ở hai bánh xe trước, tài xế cố nhấn ga cho xe vượt qua.
< Trường xưa…
Thỉnh thoảng, xe ghé dọc đường bỏ hàng cho quán xá,10 phút một/ lần, xe đi mãi cho đến trời đổ tối thì đến Mũi Né. Hồi đó, chưa có xe ôm. Phương tiện duy nhất là xe than (xe chạy bằng một bình than to để phía đuôi xe được che chắn cho than khỏi bắn vào hành khách), gắn biển giao thông 5 km/giờ.
< Chiếc xe bò đầy ắp củi trên đường về Mũi Né (1968).
Đường đi Mũi Né đẹp lắm, một bên là đồi cát đỏ, bụi cây xanh lô nhô, một bên là biển rộng nước xanh, sóng vỗ miên man vào bờ, đến những quãng đường không có nhà dân chỉ thấy toàn cát trắng, vài bụi cây cô quạnh màu xanh thẫm, chơ vơ. Hàng cây xương rồng mọc thành mấy lớp chạy suốt theo bờ biển, những cành cây hoang dại nhô ra đường đập vào thành xe.
< Những ngôi nhà với các bậc tam cấp trên đường ra biển, một số rất ít vẫn còn đến ngày nay.
Bạn có thể ra bãi sau ngắm dân chài kéo lưới gần bờ, bọn trẻ gỡ những con hào sữa gắn chặt mình vào đá khi thủy triều xuống. Bạn có thể ngắm hoàng hôn xuống thật nhanh trên bãi biển từ Mũi Né, đẹp với những sợi nắng vàng sót lại và trời đổ tối dần…
Đến Suối Tiên ở xã Hàm Tiến vào ngày hè, nước chảy nhiều hơn, trong veo, mát rượi. Nước chảy từ những ngóc ngách rong rêu phủ đầy, từ những lớp đất sét xám pha cát đỏ quạch. Nơi đây thật quyến rũ du khách với hai hàng dừa xanh ngát, đi một đoạn khung cảnh lại khác đi, bên trái là đồi cát đỏ trắng, bên phải là vườn dừa, chanh, lác đác vài bụi cây dứa dại. Thỉnh thoảng bạn lại bắt gặp cụm hoa tím mọc hoang ven bờ suối.
< Sông Cà Ty xưa.
Sau sự kiện nhật thực năm 1995, Mũi Né như cô công chúa ngủ trong rừng tỉnh giấc, khoác chiếc áo du lịch vội vàng. Cánh xe ôm đông hơn, những con đường mới mở thẳng tắp, tách đồi cát mênh mông thành con đường tráng nhựa, lề đường lót gạch. Các khu nghỉ dưỡng chạy nối tiếp nhau mang đủ phong cách Âu, Á, Mỹ La-tinh.
Mũi Né thay đổi cho kịp trào lưu văn minh hiện đại, các cô gái diện đẹp hơn, con cái được đi học ở Sài Gòn nhiều hơn, đường đã có tên và được trải nhựa đi xuống tân cảng biển. Nhưng người khôn biển khó, những bạn chài vẫn vất vả theo tháng năm, cố nuôi con đi học để dổi đời, họ nhìn những khu du lịch sang trọng ấy để ru mãi giấc mơ xa…
NISAVA TRAVEL! – Theo báo ThanhNien, ảnh internet