(BLĐ) – Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) là một hòn đảo trong vịnh Hà Tiên thuộc biển Tây Nam của Việt Nam. Với dân số ngót nghét 9.000 hộ, diện tích 1.082,9ha, năm 2018, Hòn Sơn đón 50.000 lượt khách. Từ một xã đảo thuần nghề đi biển, làm nước mắm… nay người Hòn Sơn bắt tay vào một công việc mới… làm du lịch.

“Rì-sọt” của ông Tám Ca

Chúng tôi gọi vui khu nhà nghỉ kết hợp ăn uống, cà phê của ông Tám Ca ở ấp Bãi Bấc là “rì-sọt” (resort – khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng) của Lại Sơn bởi vị trí đắc địa, đẹp mê người: Lưng tựa núi, mặt hướng biển. Khách đến đây, sáng ngắm mặt trời, nằm phơi nắng, chiều ngồi trên buông cần câu xuống biển bắt cá, nướng trên than hồng, cuốn với lá rừng, chấm nước mắm Hòn Sơn… “rì-sọt” của ông chẳng kém cạnh bất cứ khu nghỉ dưỡng “xịn” nào.

Ông Tám Ca tên đầy đủ là Bùi Quốc Ca, tự cho mình là người chẳng có kiến thức gì về làm du lịch, xây dựng, cũng chưa từng đi xa ngoài loanh quanh mấy hòn đảo trong Vịnh Hà Tiên, thế nhưng cái “rì-sọt” của ông ai cũng khen. Ông bảo: “Mỗi lần tui xây cất cái gì lên, tui đều tự hỏi nếu mình ở đây mình có hài lòng, có thích không? Nếu mình thích, mấy đứa con mình thích thì chắc khách cũng thích. Cái gì mình không thích, không hài lòng thì không thể mang ra phục vụ khách được”.
NISAVA

Để ổn định với cái “rì-sọt” này, đời ông cũng bao lần chìm nổi, lênh đênh. Là con út trong một gia đình ngư dân đông anh em, 20 tuổi, ông sang Phú Quốc lập nghiệp. 7 – 8 năm đi làm thuê cho các chủ tàu, ông dành dụm được ít tiền, mạnh dạn vay mượn thêm đứng ra thu mua cá. Được vài năm, việc làm ăn thua lỗ, ông bán hết tài sản, tàu ghe trả nợ, cả gia đình đưa nhau về Hòn Đất. Lại làm mướn, lại dành dụm làm ăn riêng, lại thua lỗ… Lần này, ông bán hết, gom tiền đẩy mấy đứa con về Cần Thơ.

Ông nhớ lại: “Lúc đó, con gái đầu của tui học đại học ở Cần Thơ. Tui cho 3 đứa nhỏ lên đó luôn để ăn học. Vợ chồng tôi quảy túi đồ về lại Hòn Sơn, nhận gần 11 công đất mà ông bà già để lại. Nhà không có, hai vợ chồng tui che cái chòi lá, lên rẫy chặt củi bán lấy tiền, gom góp gửi lên Cần Thơ cho mấy đứa con. Làm quần quật cả ngày mà không có dư, bà xã tui mới mở quán nước phụ thêm. Khách du lịch đến đảo đông dần lên, người ta khen quán nước của tui có cái “viu” (view – tầm nhìn) đẹp. Khách khen nhiều, tui mạnh dạn làm nhà nghỉ. Không có vốn, tôi phải bán bớt đất, cầm cố đất đai vay ngân hàng… đầu tư lại hàng quán, phòng nghỉ, sắp tới là tui làm bể bơi nước mặn, rác thải gom lại gọn gàng, làm sao khách ưng bụng. Để giới thiệu khách cho cha, mấy đứa nhỏ mỗi lần về nhà là quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng, khách gọi điện đặt nhiều lắm!”.

Anh Đặng Văn Hường – Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn, cho biết: Những người tay ngang làm du lịch ở Hòn Sơn như ông Tám Ca không phải là hiếm, từ anh sửa điện đàm, thiết bị tàu bè nay chuyển sang làm homestay, chủ nhà thùng nước mắm dỡ nhà thùng làm nhà nghỉ, những người phụ nữ lâu nay nấu ăn vừa miệng nay trổ tài nấu cơm cho khách du lịch… Không có chuyên môn, chưa từng được đào tạo về du lịch thế nhưng bà con trên đảo luôn biết cách làm cho khách du lịch hài lòng bằng sự chân thành, cởi mở của mình.
NISAVA
Năm 2018, khách du lịch đến Lại Sơn hơn 50.000 lượt, gấp 5 lần năm 2016. Trong năm 2018, chính quyền xã Lại Sơn đã có nhiều chương trình hỗ trợ bà con trên đảo làm du lịch như phối hợp với trường du lịch mở lớp hướng dẫn du lịch, kỹ năng nấu ăn, giao tiếp cho bà con trên đảo. Anh Hường đang đề xuất với huyện cho xây dựng kè đi bộ kết hợp ăn uống vào các tối cuối tuần để phục vụ khách du lịch, để bà con có chỗ kinh doanh đêm…

Lo cho nghề truyền thống ở Lại Sơn

Lại Sơn là đảo lớn nhất trong số 23 hòn đảo của huyện Kiên Hải, có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Bàng, Cây Dừa Nằm, Bãi Bấc. Trong đó Bãi Bàng là bãi biển đẹp và dài nhất đảo với hơn 2km bờ biển cát trắng, mịn, lượn vòng theo sườn dốc. Hòn Sơn còn có nhiều danh thắng như đỉnh Yên Ngựa, đỉnh đá Ông Rồng, Phật Lộ Thiên, Thác nước, các cảnh đẹp trên đường ngang đảo và đặc biệt là đỉnh Ma Thiên Lãnh với độ cao 405m so với mặt nước biển.

Một nhóm sinh viên của một trường ĐH ở TPHCM, lần đầu tiên đi đảo tỏ ra háo hức khi tận hưởng buổi sáng trong lành ở Lại Sơn. Đức Nguyên, một thành viên trong nhóm, chia sẻ: “Sáng sớm 5 giờ, em nghe bài thể dục buổi sáng phát trên loa phóng thanh. Lòng rộn ràng như ngày mình còn bé hồi còn ở quê, chợt thấy ám áp… Để chọn Lại Sơn đi du lịch, em đã đọc rất nhiều chia sẻ của các nhóm trên mạng, em bị hút hồn bởi những bức ảnh check-in của các bạn ở Lại Sơn”.
NISAVA

Riêng chúng tôi, ngoài việc bị hút mắt với vẻ đẹp hiền lành, xanh tươi của hòn đảo, không khỏi tiếc nuối khi Lại Sơn đang đối mặt với rác thải và nguy cơ mất đi nghề làm nước mắm truyền thống.
Hôm chúng tôi đến, Lại Sơn vừa trải qua một trận lũ, nước tràn vào nhà dân. Một hộ dân ở ấp Bãi Nhà, cơn lũ vừa, nhà bị ngập nước cả mét, than thở: “Không ai ngờ ở đảo mà bị ngập nước. Mà không ngập sao được khi nước trên núi đổ xuống không có đường thoát, cống rãnh ngập rác. Bộ đội, người dân, biên phòng, dân quân moi dưới cống lên đầy rác”.

Phó Chủ tịch xã Đặng Văn Hường thừa nhận: Nhiều năm qua vấn đề môi trường tại Lại Sơn chưa giải quyết triệt để, gây nhiều bức xúc trong nhân dân và du khách. Địa phương đã đầu tư thùng rác để người dân và khách du lịch bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ và cũng đã đầu tư xe thu gom rác, chủ động bố trí khu tập kết rác nhưng do chưa đầu tư kịp các máy xử lý rác nên vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường ở đảo, đặc biệt là các điểm tập kết rác vẫn là cái khó đối với chính quyền địa phương. Theo ông Hường, hiện nay, để xử lý rác, xã đang gom rác về ấp Bãi Bấc, ngay mép biển, phơi khô rồi đốt. Những ngày mưa, rác bốc mùi hôi thối khiến người dân, khách du lịch ngao ngán, tuy nhiên xã cũng không biết làm cách nào khác.

Trong báo cáo kinh tế của UBND xã thì Lại Sơn có làng nghề sản xuất nước mắm, nổi tiếng và ngon nhất nhì của tỉnh. Du khách đến đây thường mua nước mắm Hòn Sơn để làm quà. Thế nhưng một thực tế đáng buồn là trên đảo hiện chỉ còn một nhà thùng hoạt động, duy trì sản lượng, còn lại thì cầm chừng hoặc bỏ hoang, đóng cửa. Nhiều chủ nhà thùng thức thời, phá trại nước mắm, làm nhà nghỉ đón khách du lịch. Từ cầu cảng nhìn vào, cách đây vài năm sẽ thấy ngay biển hiệu của các cơ sở nước mắm, thế nhưng thời gian gần đây với vị trí đắc địa là ngay mặt biển, hầu hết các nhà thùng đã bị thay thế bởi nhà nghỉ.NISAVA

“Sản lượng nước mắm năm 2018 của xã đạt 620.000 lít, con số này đã giảm đi nhiều so với các năm trước. Là nghề truyền thống của xã, chúng tôi đang cố gắng vận động, hỗ trợ bà con giữ và phát huy nghề nước mắm Hòn Sơn, tuy nhiên với sự cạnh tranh của nước mắm công nghiệp, lượng cá cơm giảm mạnh, cộng với lợi nhuận thu được từ nghề nước mắm không bằng làm nhà nghỉ nên nhiều chủ nhà thùng đành bỏ nghề” – ông Hường nói.

Trong cơn sốt du lịch các đảo ở biển Tây Nam, Lại Sơn cũng không nằm ngoài. Hòn đảo đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Nói như ông chủ “rì-sọt” Tám Ca: “Mình làm gì thì làm, khách đến lần một còn muốn đến lần hai, lần ba… rồi giới thiệu cho người thân, bạn bè đến với mình. Được vậy, tui mới thấy mình làm du lịch thành công”.

Theo Lê Tuyết (Lao Động)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *