Cộng đồng hàng trăm người dân tộc Chăm quê gốc vùng An Phú (An Giang) vì kế sinh nhai phải ngược dòng Vàm Cỏ Tây lên tận vùng thượng nguồn giáp ranh Campuchia sinh sống. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình lại lục tục rủ nhau chuẩn bị xuôi thuyền về quê cũ, nơi có những thánh đường rộng lớn của người Chăm, như một nghi lễ hành hương đặc biệt.

Tiếng cười trên sông nước

Mặc dù đã đến thị trấn biên giới Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, Long An) rất nhiều lần, nhưng đến dịp gần Tết Nhâm Thìn này tôi mới biết ở đây có một xóm chài người Chăm sinh sống ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Tây, đoạn ngay nơi giáp ranh xã Bình Hiệp.

Tôi tìm đến xóm Chăm này vào sáng sớm, khi nắng mới lên, mọi người đang hối hả làm việc. Anh Mohamad, 31 tuổi, tươi cười cho biết, anh cùng nhóm bạn trong xóm đi buôn tận Sài Gòn mới về tối qua.

Thấy chúng tôi nói chuyện vui vẻ, chị Khoti, vợ anh, cũng góp chuyện: “Ở đây có nhiều người Chăm dệt vải thổ cẩm truyền thống. Nhóm của anh ấy lấy vải thổ cẩm đem lên Sài Gòn bán cho thương lái, rồi mua trái cây, đồ nhựa và sữa, muối mang về. Mỗi chuyến đi chừng nửa tháng. Đợt này chắc là chuyến cuối bởi sắp Tết rồi, phải sắm sửa làm lễ và chuẩn bị về lại cố hương ở An Giang”.

Nhìn vào phía trong chiếc thuyền nhỏ bé dài chừng 15m, là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ ấy, chúng tôi thấy có đầy đủ các vật dụng thiết yếu: tivi, tủ lạnh, nồi niêu, xoong chảo…, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Trải tấm thảm thổ cẩm hoa văn sặc sỡ trên boong thuyền, anh Mohamad quỳ hướng mặt về phía Tây, chắp tay lạy Trời đất. Chị Khoti bảo, đi buôn lâu, giờ về anh ấy phải làm lễ bù. Nhìn đôi vợ chồng trẻ vui đùa cùng đứa con ngay trên boong thuyền, chúng tôi cũng thấy hạnh phúc lây.

< Đàn ông đánh cá.

Chia tay gia đình anh Mohamad, chúng tôi sang chiếc thuyền bên cạnh. Ông Issmail, 64 tuổi, quấn chiếc khăn ngang bụng, xếp chiếc lưới lại, bảo: “Tụi trẻ có thể buôn bán được, chứ tầm tuổi tôi, ngoài nghề chài lưới chả còn làm được gì”.

Quả thực, với nhiều người Chăm sống ở đây, việc chuyển nghề là khá khó khăn do họ ít vốn, lại không quen phong tục tập quán của những tộc người khác.

Ngày nay, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã khá phổ biến, xóa dần khoảng cách giữa các dân tộc, nhưng cộng đồng người Chăm, nhất là những người lớn tuổi, vẫn giữ thói quen sinh hoạt riêng của mình, sống khép kín.

< Phụ nữ dệt vải.

Ông Issmail cho biết, do cha ông làm nghề chài lưới nên ông đã quá quen thuộc với con tôm, con cá, khúc sông, mùa nước lớn, nước ròng từ nhỏ, giờ bỏ cũng khó.

Ông đã thử lên bờ buôn bán mấy lần, nhưng bị cụt vốn, lại bỏ xuống sông chài lưới. Ở đây cua, cá vẫn nhiều nên cuộc sống nói chung là tạm ổn.
NISAVA
Lênh đênh trên sông nước nhiều năm, sau khi bôn ba khắp các vùng sông Tiền, sông Hậu, rồi sang cả Biển Hồ (Campuchia), ông Issmail đã cư trú lâu dài tại vùng sông Vàm Cỏ Tây ở thị trấn Mộc Hóa này được gần chục năm.

Ông giải thích: “Ở đây việc đánh bắt cá rất thuận tiện vì có nhiều luồng cá bên Miên (Campuchia) tràn về, và từ đây có thể đi được nhiều nơi. Nhưng quan trọng hơn cả là có thể về cố hương khi cần.

< Xóm chài.

Năm nào cộng đồng người Chăm ở đây cũng về quê một vài lần. Đó là vào các ngày của tháng Ramadan, lễ hội Hát Gi, Tết Roya…”.

Cội nguồn – Bangsa

Theo tiếng Chăm, cội nguồn có nghĩa là Bangsa. Nhiều sách nói rằng, người Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nhóm người Chăm ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây này nói riêng có nguồn gốc ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận của miền Trung.

Cũng có tài liệu lại cho rằng người Chăm từ Campuchia di cư sang, hay có người còn phỏng đoán người Chăm có nguồn gốc từ chính vùng An Giang, bắt nguồn từ vương quốc cổ Champa cách đây hơn một ngàn năm.

< Dù sống lênh đênh nơi xứ người, họ vẫn không quên giờ lễ.

Tuy nhiên, cội nguồn của cộng đồng người Chăm ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây này là ở vùng Vĩnh Trường (An Phú, An Giang), và hầu như tất cả vẫn còn nhà cửa ở đó.
NISAVA
Thế nên, mặc dù không phải là tết chính của dân tộc Chăm, nhưng Tết Nguyên đán cũng là dịp để những người Chăm nơi đây hành hương về thăm lại cội nguồn, quê quán.

Đây có thể coi là sự giao thoa giữa các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, một điều hoàn toàn bình thường và tốt đẹp, giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong cộng đồng.

Men theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo cỏ mọc hai bên, nhìn những cô gái Chăm trong trang phục váy liền áo truyền thống đang hối hả chuẩn bị xoong, nồi, đồ ăn cho chuyến hồi hương của mình chúng tôi cũng thấy nôn nao.

< Những đứa trẻ vô tư.

Người Chăm dù sống ở đâu cũng không bao giờ vào các tiệm ăn, mà thích tự nấu lấy đồ ăn. Vì vậy, những chuyến hành hương của gia đình họ thường khá vất vả.

Thấy chúng tôi đưa máy hình lên chụp, những đứa trẻ người Chăm hớn hở chụm đầu trước ống kính. Có lẽ chúng đang ngây ngất vì sắp được đi xa, được về quê và cùng bè bạn đắm chìm trong những thánh đường rộng lớn của dân tộc mình.

Mặc dù ăn Tết Nguyên đán theo phong tục của người Kinh, nhưng thức ăn của người Chăm trong dịp tết này vẫn là thức ăn truyền thống đặc trưng của dân tộc họ.

Đó là càri thịt bò, cơm trắng và các loại dưa chua (củ hành, củ kiệu, củ cải trắng) và muối tiêu chanh, nhưng trong các bữa tiệc của người Chăm tuyệt nhiên không có một giọt rượu vì luật định của đạo Hồi cho rằng uống rượu là có tội với thánh Ala.

Chia tay xóm nhỏ nơi thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây, tôi ngược quốc lộ 62 trở về thành phố cũng là lúc những chiếc thuyền của người Chăm nơi đây chuẩn bị nhổ neo về lại cố hương trong ánh nắng ấm áp của mùa Xuân phương Nam.
NISAVA
Cũng như họ, tôi thầm mong chuyến hành hương ấy sẽ thuận buồm xuôi gió để những đứa trẻ người Chăm có được một cái Tết ấm áp nơi cội nguồn của dân tộc mình.

Theo Đoàn Xá (Doanh Nhân Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *