(BLĐ) – “Nói Nha Trang là mọi người nghĩ ngay đến biển. Nhưng, không có nghĩa sản phẩm du lịch Nha Trang chỉ có biển, đảo”– sau chuyến du ngoạn trên sông Cái, chị Eline cùng nhóm sinh viên đến từ Pháp nhận xét: “Còn có một Nha Trang khác, lặng lẽ soi mình bên dòng sông Cái dịu dàng, đẹp xinh và lạ lẫm, gợi tình…”.

8 giờ 30 phút, xuất phát từ bến tàu dưới chân Tháp Bà, trước lúc “ngược dòng”, người lái thuyền lặng lẽ đưa khách dạo quanh cửa Lớn, ngắm Nha Trang uốn mình bên mép nước, mọi người tha hồ chụp ảnh đoàn thuyền đánh cá san sát bên làng chài và thích thú khám phá những chiếc tàu gỗ mới vừa “lên khuôn” trong công xưởng đóng tàu ở cuối bến sông.

Bạn không thể tưởng tượng “non nước hữu tình” như thế nào và cũng không bao giờ có được cảm xúc lâng lâng… trôi ngược, nếu không ngồi trước mũi thuyền, thả hồn về phía thượng lưu.

Sách xưa gọi sông Cái là sông Cù Giang, phát nguyên từ hòn Gia Lê, cao 1.812m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP Nha Trang, rồi đổ ra biển ở cửa Đại Cù Huân (cửa Lớn). Con sông này còn có tên gọi khác (sông Phú Lộc), dài 79 cây số, lưu vực rộng hơn 1.900 km2, là con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa.

Ngược dòng sông Cái là một phần trong chương trình tour du lịch đồng quê đã được nhiều hãng lữ hành khai thác từ những năm cuối thập niên 1990 và chỉ giới hạn trong phạm vi 9 km (tính từ bến Cù Lao).

Sau vài giờ thưởng ngoạn phong cảnh bên sông, mọi người lên bờ, tham quan một ngôi nhà cổ trên 200 tuổi ở làng cổ ven sông, sau đó đi xe ngựa, rong ruổi trên con đường xanh rợp bóng cây giữa không gian ngạt ngào hương lúa rồi dùng bữa trưa tại một nhà hàng đặc sản đồng quê.

Buổi chiều là khoảng thời gian du khách khám phá làng nghề chiếu cói, đúc đồng hay làm lò gốm và “thưởng thức” đặc sản tắm bùn khoáng nóng hoặc lang thang ngắm hoàng hôn trên sông.

Một trong những điểm nhấn khó quên sau hành trình trên sông nước là được đắm mình trong không gian cô tịch, lắng nghe ông Nguyễn Văn Hải-chủ nhân ngôi nhà cổ, kể chuyện 5 đời kế tục bảo vệ vốn xưa và phụng thờ tổ tiên, dòng tộc.

Tại đây, bạn được chủ nhà đãi nước chè xanh, mời ăn hoa quả vừa mới hái trong vườn nhà và chiêm ngưỡng bộ đồ thờ cùng những chiếc bình gốm lam hàng trăm năm tuổi.

Ông Bùi Minh Thắng-GĐ Công ty Du lịch Phương Thắng, cho biết: “Những tháng cuối năm là mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa, mặt sông ngả màu sữa, hai bên bờ cây lá tốt tươi, làng mạc sầm uất, xa xa là vườn cau, nương bắp và ẩn hiện những bãi lau…

Mùa nước nổi, lòng sông rộng hơn và dòng chảy vẫn hiền hòa. Đến Nha Trang nghỉ Đông, khách du lịch quốc tế đặc biệt thích tour đồng quê.

Tùy theo yêu cầu của khách, một số công ty du lịch đã mời nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa lên thuyền biểu diễn dân ca ba miền. Đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu với khách quốc tế bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam”.

Chị Eline (người Pháp) chia sẻ: “Một ngày trải nghiệm vô cùng thú vị. Tôi chưa bao giờ ngồi trên thuyền gỗ, vì vậy không thể tưởng tượng con thuyền nhỏ như chiếc lá làm bằng gỗ lướt êm trên sông như thế nào. Còn gì thú vị hơn được tận mắt nhìn thấy những thanh gỗ xếp liền nhau trong xưởng đóng tàu và liên tưởng hình ảnh thuyền rẽ nước, băng băng tiến về phía trước.

Những người bạn của tôi rất thích đi xe ngựa giữa làng quê, bởi vì ở châu Âu, xe ngựa chỉ còn là ký ức. Con ngựa nhỏ bé và người xà ích có nụ cười rất hiền đã đem đến cho chúng tôi cảm giác như được sống dưới “bầu trời” cổ tích, cách đây vài thế kỷ”.

Theo Bảo Chân (Báo Lao Động)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *