(ĐĐK) – Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La – một vùng đất ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, từ những nét văn hóa độc đáo của 3 tộc người Thái, Mông, La Ha, đến những suối nước nóng có khả năng chữa bệnh thần kỳ và đặc biệt ấn tượng là những nếp nhà sàn thơm mùi gỗ Pơmu.
Đường vào Ngọc Chiến chạy giữa những thung lũng men theo dòng Nậm Chiến rồi lại vọt lên cao tít những đỉnh núi mù sương của dãy Hoàng Liên.Từ thị trấn Mường La vượt đèo Sam Síp để bước vào thế giới khác lạ của người Thái, người Mông, La Ha.
Nhưng để bước vào vùng đất diệu kỳ này thì hành trình vượt đèo Sam Síp cũng thật ngoạn mục bởi Sam Síp có nghĩa là 30 tầng dốc núi, nó là con đường độc đạo dẫn vào vùng đất mà chính nó bảo vệ và lưu giữ những điều kỳ lạ về vùng đất này hàng trăm năm qua.
Bình minh trên bản làm nao lòng du khách với gió hanh hao, luồng không khí thanh sạch, những đứa trẻ bụ bẫm chân trần theo mẹ lên nương, tiếng trẻ đánh vần từ một trường tiểu học được dựng lên thật đơn sơ… tất cả khác xa với cuộc sống ồn ào đô thị.
Ấn tượng đầu tiên là hàng nghìn ngôi nhà bằng gỗ Pơmu hơn 100 năm tuổi ẩn hiện trong làn sương sớm bảng lảng. Nhà sàn người Thái ở Ngọc Chiến có kiến trúc, hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột khá tinh xảo, nhà có 4 mái và lầu tứ giác hơi khác biệt so với những nhà sàn Thái ở Tây Bắc.
Pơ Mu là một loại gỗ quý có mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường của nó và đặc tính không bị mối mọt phá hoại.
Những ngôi nhà Pơmu theo năm tháng, trải qua bao đời người, mái ngói Pơmu lâu năm ngả màu đen vẫn bền vững với thời gian, xếp đều tăm tắp trên nóc nhà. Người dân ở đây cho biết, những cây gỗ to được dùng dao chẻ ra, không phải dùng đến cưa mà vẫn cứ cho ra những tấm ván thẳng tăm tắp. Gỗ Pơmu không dùng cưa xẻ được, nếu xẻ thì dột từ nóc dột xuống, chỉ có bỏ đi. Nên phải dùng dao chẻ ra thành kẽ, sau đó dùng nêm gỗ tách từng tấm theo thớ gỗ thì không lo hỏng. Làm “ngói” bằng gỗ Pơ Mu cũng là một công đoạn cực kỳ công phu.
Người Thái sinh sống trên mảnh đất này đã hàng trăm năm. Nơi đây trước là một thung lũng hoang biệt cách trở, thế rồi các thế hệ người Thái về đây sinh cơ lập nghiệp, khi ấy nơi đây bạt ngàn gỗ Pơmu, nó trở thành vật liệu chính để làm nhà và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Những nhà sàn Pơmu đã gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc Thái như thế.
Khác với người Thái, người Mông cư trú trên các sườn núi cao nên ở nhà trình tường bằng đất, lợp mái ngói hoặc lợp tranh nhằm hạn chế tác động của gió, bão. Nhà có cột thấp, quá giang thông thủy, kèo tuột, lịa ván, các gian thông nhau, mái và các cửa nhà làm bằng gỗ Pơ mu.
Còn nhà sàn của người La Ha có hai kiểu kiến trúc: Kiểu nhà ở tạm của nhóm người sống du canh, du cư với hai đầu hồi mái nhà lượn tròn theo bầu dục, dài ra hai bên như hình hàm lợn và kiểu nhà ở lâu năm của nhóm người sống định canh, định cư với hai đầu hồi mái tròn khum hình mai rùa. Bên trong nhà được chia làm hai gian, một gian để tiếp khách, gian kia dành cho gia đình chủ nhà. Ngăn giữa hai gian là cây cột nhà và một hũ rượu cần.
Tây Bắc có nhiều điều lạ, nhưng có lẽ cái lạ và đẹp dường như hội tụ ở Ngọc Chiến. Nơi đây được ví như Đà Lạt của Tây Bắc. Cánh đồng Mường Chiến rộng chừng 6km2 chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Đây là loại nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo. Giá nếp đắt gấp 3-4 lần nếp thường. Việc thu hái nếp Tan cũng khác với loại lúa khác, không gặt được mà chỉ hái từng bông.
Chưa có ai lý giải vì đâu mà vùng đất Ngọc Chiến làm cho hoa trái trở thành đặc sản hiếm có. Hoa đào, mận ở đây nở thắm quanh năm. Hoa dại cũng vậy, rất khác thường, cùng loài hoa dứa dại nhưng ở Ngọc Chiến bông hoa to gấp 5, 6 lần ở nơi khác, cao đến gần 10m.
Thấy đây là vùng đất có tiểu khí hậu đặc biệt, năm 2004 một số chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa giống hoa Tulip, Lys về trồng thử nghiệm bên dòng suối Chiến. Thật bất ngờ, hương và sắc hoa đẹp đến ngỡ ngàng…
Bản Lướt ở Ngọc Chiến cũng nổi tiếng với dòng suối khoáng nóng. Suối khoáng nóng đã có từ ngàn đời nay chảy qua bản Lướt để “bóc” cho làn da trắng hồng của người con gái thêm mịn màng.
Tới nay, người dân Ngọc Chiến vẫn tin truyền thuyết về suối nước nóng ở bản Lướt rằng, đó là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người hiền.
Suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó một người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần theo ngày tháng.
Từ đó, cả bản đã cùng sinh hoạt, tắm vào buổi sớm đi nương để như tiếp sinh lực cho ngày bắt đầu lao động và chiều về lại tắm để hồi sức sau những giờ lao động vất vả.
Giữa ngã ba đầu bản Lướt là 2 bể tắm cộng đồng một bên là dành cho đàn ông và một bên là dành cho đàn bà ngăn cách nhau bằng 1 bức tường, theo phong tục tập quán lâu đời khiến người ta cứ ngỡ đó chỉ là những nơi xa xôi hay trên tiểu thuyết, cảm giác sững người khi xe dừng lại trước bản, người dân nơi đây tắm mà trên người không một mảnh vải che thân (tắm nude) thật đẹp, một vẻ đẹp bình dị mang bản sắc của người vùng cao.
Sau chuyến hành trình dài, có thể chọn một nhà nghỉ homestay tại bản Lướt để đắm mình trong làn nước khoáng nóng để cơn mệt mỏi tan biến. Một đêm nghỉ và tắm nước nóng ở đây chưa tới 200.000đồng/người. Nếu chỉ tắm nước nóng mà không nghỉ đêm, bạn chỉ mất 20.000 đồng/người.
Có một điều thật đặc biệt, đến với Ngọc Chiến, du khách có thể ở cùng bất cứ gia đình nào cũng được gia chủ đón tiếp như thượng khách. Có thể cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm ấm áp với những đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp Tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo…
Theo Vân Ly (Đại Đoàn Kết)
NISAVA TRAVEL!
Thánh địa nhà gỗ đế vương
Cõi tiên ven trời Tây Bắc
Ngọc Chiến: Cõi tiên giữa trần gian
Những bản làng giữa núi rừng Tây Bắc var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }