Nhắc tới ngõ Tạm Thương giờ chắc mọi người chỉ nhớ tới nó như ngõ nem rán nổi danh Hà Nội sôi động, hay là nơi tụ tập bạn bè với những món ăn ngon rẻ và vô cùng xôm tụ vào những buổi tối nhất là những tối cuối tuần.
< Ngõ nhỏ Tạm Thương.
Nhưng ít ai biết ngõ Tạm Thương đã có một quá khứ yên bình với cây đa, giếng nước, sân đình đi vào những lời thơ Chế Lan Viên:
“…Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm Thương một đời đâu phải tạm thương…”
Tạm Thương xưa thuộc thôn Yên Thái, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Theo Từ điển đường phố Hà Nội thì “Khoảng đầu đời nhà Nguyễn có tên là Trạm Thương, nơi này có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương”.
NISAVA
Sau này, hoà với nhịp sống gấp gấp của xã hội, nhiều ngõ đã trở thành phố và sầm uất hơn thì ngõ Tạm Thương vẫn giữ cho mình những nét xưa cũ. Ở đó, ta có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc như cây đa, giếng nước, sân đình của ngôi làng truyền thống Việt Nam.
Hiện nay ngõ Tạm Thương không còn giữ nguyên được hiện trạng truyền thống nhưng trong khi cả thành phố đang hoà mình với công cuộc hiện đại hoá, phố xá bỗng trở nên đông đúc thì ngõ Tạm Thương vẫn giữ cho mình những nét hoài cổ ý nghĩa. Nhịp sống trong con ngõ thì khác hẳn ngoài kia, vẫn là những lối đi sâu hun hút, ngoằn ngoèo chỉ đủ cho hai người lách đi qua nhau, là những giếng nước với đông người chờ lấy. Không gian của một làng quê bỗng dưng được tái hiện thật sinh động và đầy đủ nơi phố thị.
Chiếc giếng cổ nằm trong con ngõ với những dấu vết của thời gian. Đây đó vài gương mặt chợt nở nụ cười hiền hoà khi bắt gặp nhau trong con ngõ nhỏ. Có vẻ như cái văn hoá giao tiếp thân thiện đặc trưng của người Việt vẫn được lưu giữ trọn vẹn ở nơi này, khác hẳn với nhịp sống gấp gáp với những gương mặt nhìn nhau chỉ kịp gật đầu chào ngoài phố.
Nhịp sống ồn ào vẫn lướt qua, con ngõ nhỏ giờ đây xuất hiện thêm vài hàng ăn lúc xế chiều để phục vụ mọi người. Ngõ nhỏ, đến tầm chiều lại càng trở nên hẹp hơn. Mọi người kéo nhau tới đây thưởng thức nem rán, trò chuyện. Ta bắt gặp ở nơi này rất nhiều người trong giới nghệ sĩ. Họ tìm đến đây mỗi ngày và bỏ lại những câu chuyện, những niềm vui, những nỗi buồn, và chẳng hiểu tự bao giờ, đó lại trở thành một phần của ngõ Tạm Thương mà chúng ta chẳng hề hay biết.
NISAVA
Một sớm tháng tư ghé qua đình Yên Thái thắp nén hương đầu tiên và trong lúc chờ cho hương trầm len lỏi khắp không gian, văng vẳng đâu đó có tiếng ai mở cổng ngõ, một ông lão bước ra tập thể dục, vài người đi chợ sớm líu ríu chào nhau. Những ánh nắng đầu tiên len lỏi, vậy là ngày mới lại bắt đầu trong con ngõ Tạm Thương…
Ngõ Tạm Thương ngày nay bắt đầu ở số 38 Hàng Bông, uốn cong chữ S, dài khoảng 800 mét, nối vào ngõ Yên Thái ở đoạn cuối rồi thông ra số 91 Hàng Điều phía đối diện chợ Hàng Da. Ngõ Tạm Thương được coi là chốn đi về của giới văn nghệ sĩ, là nơi tìm đến của các mặc khách, tao nhân. Nếu những con phố của Hà Thành ồn ã trong cơ chế thị trường thì ở con ngõ nhỏ này, không gian lại tao nhã tĩnh mịch đến kỳ lạ.
Theo Antuonghanoi.vn
NISAVA TRAVEL!