Cũng như bao dân tộc thiểu số sống tập trung ở các vùng núi cao Tây Bắc khác, bà con dân tộc Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có rất nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, thêu thổ cẩm, vẽ tranh sáp ong…
< Một gian hàng bán giấy truyền thống của người Mông ở chợ Đồng Văn.
Không thể kể đến những nghề truyền thống của người dân tộc Mông nơi đây mà không nói đến nghề làm giấy giang. Đó là một nghề truyền thống đã được cha truyền con nối của đồng bào người Mông từ bao đời nay và ngày nay đang là nghề làm giàu cho không ít bà con.
< Người Mông lột vỏ cây giang non làm nguyên liệu làm giấy truyền thống.
Người Mông có chữ viết riêng được soạn thảo theo bộ vần quốc ngữ nhưng họ không viết chữ lên giấy bản truyền thống. Giấy thờ, giấy cắt vào dịp Tết, dịp lễ… tất cả đều là thông điệp cầu mong những điều tốt lành, may mắn của người sống gửi tới Tổ tiên, thần linh.
< Sau khi đun vỏ cây giang non một đêm, người Mông dùng chầy gỗ đập cho thật nhuyễn.
Người Mông quan niệm, nếu muốn những lời cầu khấn thành kính mau linh nghiệm tốt nhất là dùng giấy truyền thống do chính tay mình làm. Với quan niệm đó, ở chợ phiên lúc nào cũng có những gian hàng bán giấy bản, nhất là vào dịp Tết, ai đến chợ cũng thường ghé qua đây, mua một xấp giấy mang về nhà trang trí hay dùng cho những việc đầu Xuân, năm mới.
< Sau khi ủ, nguyên liệu làm giấy được người Mông hòa với nước, lọc bỏ phần bã.
Chúng tôi tìm đến xã Pà Cò khi ánh nắng vừa xuyên thủng màn sương dày đặc, đó cũng là lúc bà con nơi đây bắt đầu phơi giấy giang, ven đường liên thôn khắp bản làng xã vùng cao này đâu đâu cũng thấy khung giấy phơi trắng cả một vùng.
< Người Mông không xeo giấy, họ đổ trực tiếp bột làm giấy lên khuôn.
Ông Sùng A Pha (49 tuổi) người Mông đến từ xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: “Người Mông chúng tôi làm giấy từ lâu rồi. Cứ vào những tháng cuối năm, cả xã lại vào rừng lấy cây giang để làm giấy”. Cây giang non được thái bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ rồi cho vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một đêm.
< Phơi giấy.
Sau đó bột đun sẽ được cho vào tải ủ, ủ càng lâu giang càng mềm, khi ủ phải tưới nước thường xuyên. Khi đã ngấu, người Mông dùng chầy gỗ đập thật nhuyễn, cho tới lúc sợi giang trở nên nhỏ, mịn đều. Bột giang được hòa vào nước sạch khuấy đều, lọc bỏ hết phần bã, là lúc người Mông có thể bắt tay vào làm giấy.
Không xeo giấy truyền thống như hầu hết các dân tộc anh em khác, người Mông căng một lớp vải mỏng với kích thước tùy thích trên giá đỡ làm bằng tre để tạo khuôn tráng giấy.
< Giấy truyền thống được sử dụng làm đồ trang trí trên bàn thờ của người Mông vào dịp Tết.
Trước khi đổ giấy, khuôn được vẩy nước làm ẩm. Sau đó, bột làm giấy được đổ trực tiếp lên khuôn sao cho thật mỏng, đều. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thông thường do phụ nữ Mông làm. Gặp trời nắng, sau 4 tiếng, bột giấy sẽ khô trên các khung nghiêng, chỉ cần nhẹ nhàng bóc ra, người Mông đã thu được những tờ giấy bản truyền thống có kích thước tùy thích. Giấy làm bằng giang có độ mịn cao, màu hơi vàng tươi đẹp mắt.
< Trên các khuôn cửa nhà người Mông đều treo những vuông giấy bản truyền thống.
Trong các lễ nghi, đồng bào thường cắt giấy bản thành những hình vuông, hình tròn, đây được quan niệm là những thông điệp của người Mông gửi cho tổ tiên, thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, mùa vụ tốt tươi, xua đi cái xấu… Cũng từ những tờ giấy giang đó, người Mông còn cắt giấy thành những tờ giấy hình vuông, có diềm để dán lên tổ tiên, thần linh. Hầu hết các nhà của bà con dân tộc Mông nơi đây chúng tôi vào thăm đều thấy bàn thờ chỉ dán một miếng giấy bản lên vách chính diện cửa ra vào nhưng theo họ đó là những gì thiêng liêng nhất mà thần linh mang lại.
< Giấy bản truyền thống của người Mông.
Cuộc sống ở khắp các bản làng của người Mông ngày càng khấm khá nên nghề làm giấy bản cũng có cơ hội phát triển hơn. Những nhóm làm giấy thủ công đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân địa phương. Trước giấy chỉ tiêu thụ tại chỗ, nay được trao đổi, buôn bán rộng ra bên ngoài. Giờ giấy bản của người Mông được nhiều người biết đến hơn nhờ giá trị thẩm mỹ, lịch sử phát triển của nghề…
< Cắt giấy bản làm vật trang trí trong dịp Tết của người Mông.
“Đây là nghề truyền thống của dân tộc mình, để làm ra những vuông giấy bền, chắc, cần biết các bí quyết trong từng khâu. Nguyên liệu có sẵn quanh nhà, bản mình hầu như nhà nào cũng làm giấy giang, nếu làm đúng cách, cho ra những mẻ giấy đẹp, chắc chắn sẽ có thêm của ăn, của để”- ông Sùng A Pha tự hào chia sẻ thêm.
< Ngày nay, giấy bản truyền thống của người Mông được biết đến nhiều hơn nhờ giá trị thẩm mỹ, lịch sử phát triển của nghề…
Theo nhiều bà con ở hai xã Pà Cò và Hang Kia thì nghề truyền thống làm giấy giang không những góp phần phục vụ cho công việc thờ cúng tổ tiên mà hiện nay có rất nhiều gia đình đã có của ăn của để từ nghề truyền thống này. Anh Sùng A Nố, trưởng bản Cang cho biết: “Ở bản mình hầu như nhà nào cũng làm giấy giang, nguyên liệu thì có sẵn, mỗi vụ mình chỉ cần mua 50kg vôi bột để làm nguyên liệu phụ. Mỗi tờ giấy bán với giá 10.000 đồng, cứ 30kg giang thì làm được khoảng 40 tờ. Năm ngoái gia đình mình bán giấy giang được 6 triệu đồng, năm nay chưa hết vụ đã được 7 triệu rồi”.
NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ BAVN, SuckhoeDoisong