Như một cánh cửa bước vào tiên giới, Cổng Trời Quản Bạ (Hà Giang) luôn phủ mờ sương mây mỗi sáng, mỗi chiều. Dù bây giờ, cánh cổng kín mít ấy không còn nữa, nhưng người ta vẫn dừng chân lại trước khi vào miền đá- cao nguyên Đồng Văn. Từ đây, hướng vào xứ sở của người Mông, người Dao, người Bô Y… để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần tiên chốn này.
Khởi hành tại cột mốc số 0 của con đường mang tên Hạnh Phúc tại thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), vượt lên độ cao 1.500 mét trên cung đường uốn lượn vắt ngang qua những dãy núi, Cổng Trời hiện ra ở vị trí cao nhất. Nhìn từ xa, như thể từ đây, người ta sẽ bước lên những bậc thang mây để lên trời cao. Từ Pháp thuộc, đây là xứ sở của Vua Mèo Vương Chính Đức mà người Pháp không thể xâm nhập được.
Tương truyền, Vua Mèo cho xây dựng một cái cổng chắc chắn ngay tại cổng trời và có lính canh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vua Mèo được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về tham gia kiến tạo khối đoàn kết dân tộc trên toàn lãnh thổ. Ông là Đại biểu hai khóa đầu tiên của Quốc hội.
NISAVA
Ngày nay, bước tới Cổng Trời là bắt đầu hành trình bước vào cao nguyên đá. Xung quanh Cổng Trời, đúng như tên gọi, chỉ toàn núi cao bao quanh bốn phía, mây giăng phủ quanh năm. Nắng lên cao, sương tan dần như một bức màn được vén ra, không gian sinh hoạt của các dân tộc được hình thành suốt nhiều thế kỷ nay hiện ra mênh mang và đầm ấm. Tại vị trí này, hiện chỉ có chỗ đứng ngắm cảnh chứ không còn nhiều dấu vết của ngày xưa cũ. Nhưng đó là vị trí ngắm núi rừng trùng điệp tuyệt vời trước khi bước chân vào miền đá.
Những con đường uốn khúc dẫn vào các làng bản được bao quanh bởi những dãy núi chập chùng như thành lũy che chắn, bảo vệ dân làng. Qua khỏi Cổng Trời không xa, du khách sẽ nhìn thấy một thị trấn sầm uất dưới sâu thung lũng. Đó là trung tâm của huyện Quản Bạ.
Dọc đường, có một tháp ngắm cảnh được xây dựng để khách dừng chân. Du khách đừng vội đi mà phải dừng lại chỗ này vì đó là nơi ngắm ngọn núi đôi hoàn hảo nhất. Ngọn núi này có nhiều điểm tiếp cận nhưng vị trí này trông ngọn núi đôi mới bầu bĩnh và cân đối. Mãi tận bây giờ, người dân bản địa vẫn tin núi đôi là nơi khởi nguồn tốt lành để cây cối xanh tươi, mùa màng thuận lợi cho cả khu vực này.
Tháng 9 đến Quản Bạ, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của miền đất này. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả bao quanh thị trấn, ôm lấy ngọn núi đôi xanh rì, xen lẫn vào những mái ngói rêu phong tạo một bức tranh sinh động của đời sống gắn liền với thiên nhiên của cửa ngõ miền đá. Cả thung lũng như bừng dậy, tỏa sáng cả núi rừng.
NISAVA
Thay vì đi thẳng lên Đồng Văn, Mèo Vạc, du khách nên dừng lại chốn này dù chỉ mới xuất phát được vài giờ từ Km số 0. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, đa số vẫn là người Mông trong một cuộc thiên di tìm “vùng đất xa nhất, không có người ở” để định cư từ hơn 300 năm trước. Ở đây không chỉ có những danh thắng mà còn có nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc trong suốt cả năm.
Nếu bất chợt dừng lại vùng đất của Cổng Trời không vào dịp lễ hội, du khách có thể khám phá thiên nhiên và con người nơi đây. Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn là nơi ở của vài trăm nóc nhà người Mông. Bản được bao quanh bởi 8 ngọn núi lớn hùng vĩ, xen lẫn đó là những cánh rừng già bạt ngàn. Địa điểm khác là hang Khố Mỷ, cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 20km.
Hang động núi đá vôi trải qua hàng ngàn năm hình thành những cột thạch nhũ bạc lấp lánh. Lúc hình con sư tử oai hùng, lúc hình cái lộng của vua quan phong kiến, lúc uốn lượn tạo thành nhiều bậc như một dòng thác nước bạc đổ xuống…, thạch nhũ hang Khố Mỷ tạo nên những vẻ đẹp kiêu kỳ và huyền bí.
Hoành tráng hơn là hang Lùng Khúy vừa được đưa vào khai thác du lịch đẹp chẳng thua hang động Quảng Bình. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều hồ tự nhiên nằm giữa không gian núi rừng hữu tình, mà tương truyền do người khổng lồ yêu cô gái người Mông đã gánh đất đá để ngăn sông cho chảy vào bản làng của cô.
NISAVA
Đến đây mà không khám phá văn hóa các dân tộc là một thiếu sót lớn. Du khách nên nghỉ qua đêm ở làng văn hóa Nặm Đăm mộc mạc của người Dao bản địa. Cũng cần nói rõ, khi chưa tìm hiểu kỹ văn hóa bản địa, du khách không nên ở nhờ nhà dân mà nên vào làng du lịch. Đó cũng là làng dân tộc bản địa, cùng sinh hoạt như một người dân của làng. Ở đó, người dân cởi mở.
Đặc biệt là họ nói rõ được ngôn ngữ Kinh và ngoại ngữ khác nên việc tìm hiểu, trao đổi với nhau thuận tiện hơn. Du khách được khoác lên người trang phục Dao sặc sỡ, ở trong những ngôi nhà lợp ngói âm dương phủ màu thời gian. Cùng với họ thưởng thức các món ăn đặc sản của núi rừng, nghe hát giao duyên rất lạ của con gái- con trai miền sơn cước. Buổi sáng, đi dạo trong bản hít thở không khí trong lành và ngắm vạn vật đang mở dần ra sau làn sương mỏng trước khi giã biệt tiếp tục hành trình lên miền đá, chinh phục điểm cực Bắc của Tổ quốc.
Theo Du Miên (Báo Cần Thơ)
NISAVA TRAVEL!