Cuối cùng, tôi cũng chạm đến giấc mơ một lần được đặt chân lên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió với cái hăng hắc lâng say của những dải dã quỳ vàng rực, những ché rượu cần ngất ngây cay tê nơi đầu lưỡi, và hơn hết, là nhâm nhi cái vị cà phê ngăm đắng mà thơm nồng trên mảnh đất xứ sở của cà phê.

Ôi! Ban Mê…

Mặc dù khởi hành từ khá sớm, nhưng mọi người trong đoàn đều rất hào hứng, dường như ai cũng bị kích thích bởi tiếng gọi của đại ngàn. Ban đầu, đôi ba người trong chúng tôi có phần chột dạ khi được anh Bảo Toàn, hướng dẫn viên của Coffee Tour cảnh báo trước về “con đường gian khổ” từ TPHCM tới Buôn Ma Thuột.

Vậy nhưng cho đến khi đặt chân lên đất Ban Mê lộng gió, tôi không chắc bởi anh hướng dẫn viên nói quá lên đôi chút, để tăng cường khả năng phòng bị và chịu đựng của mọi người, hay đơn giản là bởi tay lái “lụa” của bác tài, nhưng quả thực, con đường hơn 300 km, trừ những đoạn xóc rất ngắn còn đâu xe chúng tôi có thể cho là bon bon trên con đường “đi tìm lời ru mặt trời”.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thác Dray Nur của dòng sông chảy ngược huyền thoại Sêrêpốk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 25 km. Chuyện kể rằng, ngày xưa, từ rất xưa, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc. Thuở ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết một người con gái bên kia sông. Nhưng do hai họ có hiềm khích lâu đời nên đôi trẻ đã không thể đến với nhau. Trong đau khổ và vô vọng, vào một đêm sáng trăng bên dòng Sêrêpốk, đôi trai gái cùng gieo mình xuống lòng sông để mong linh hồn được bên nhau mãi mãi.

Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, giông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào. Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng. Hai nhánh sông ấy nay là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).

Cao trên 30 m, trải rộng khoảng 150 m, nhìn từ xa thác Dray Nur như một bức tường khổng lồ với muôn vàn sợi nước tung bọt trắng xóa, đan xen và quấn quýt. Đứng trước những vách đá sừng sững, giữa cái reo vang của con thác lan tỏa một vùng không gian rộng lớn thanh âm dào dạt, trầm hùng, khiến mỗi người trong chúng tôi lại chợt cảm thấy mình nhỏ bé làm sao trước thiên nhiên hùng vĩ, những âu lo muộn phiền của cuộc sống bất chợt tan biến, lại mỉm cười với lòng mình thầm nhủ rằng – mọi chuyện, cuối cùng rồi cũng sẽ ổn thôi.

Cà phê Ban Mê

Điểm hấp dẫn nhất trong chuyến đi của chúng tôi chính là hành trình khám phá độc đáo về cà phê. Du lịch, cơ bản là một niềm vui, nhưng du lịch, kết hợp khám phá tìm hiểu những nét văn hóa hay những điều mới lạ của điểm đến, lại là trải nghiệm rất riêng biệt và đặc sắc đối với mỗi người.

Hẳn sẽ không quá khi cho rằng cá nhân tôi nói riêng, cũng như mọi người trong đoàn nói chung, đã có một lựa chọn hoàn hảo khi đặt niềm tin vào Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Coffee Tour) thuộc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Trung Nguyên trên đất Ban Mê, không khác gì bạn được đích thân chủ nhà dẫn dắt và giới thiệu về gia sản khổng lồ của họ, ngay cả như những bí mật kín kẽ nhất.

Chúng tôi đến thăm Viện nghiên cứu cà phê Eakmat trong cái nắng như đổ lửa của Ban Mê một ngày cuối tháng Tư, nơi được cho là thủ phủ cà phê Robusta của Việt Nam. Tại đây, chúng tôi được chú Hùng, kỹ sư của Viện hướng dẫn và giới thiệu về một thế giới phong phú mang tên cà-phê, từ quy trình ủ, ươm, trồng, ghép, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến cà phê theo các phương pháp ướt, khô; lý do cắt ghép cành giữa cà phê mít và cà phê vối, về những cây chắn gió của cà phê, hay như tại sao người ta lại bọc một lớp nylon bên ngoài những cây cà phê con…

Những khái niệm tưởng chừng khô khan và đáng chán trở nên vô cùng thú vị, mọi người bàn tán rất sôi nổi, không chỉ những người trẻ như tôi, mà ngay cả các cô chú lớn tuổi cũng thể hiện sự quan tâm đáng kể, thậm chí các cô chú còn đặt nhiều thắc mắc hơn những đứa chúng tôi. Ngay sau đó, chúng tôi còn được chú Hùng dắt đi tham quan giống tiêu Vĩnh Linh, những vườn bơ, sầu riêng… được trồng tại Viện.

Làng cà phê Trung Nguyên được xem như một trong những điểm nhấn rất đắt của Buôn Ma Thuột, là một cụm công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc Tây Nguyên với 6 phân khu, trong đó nổi bật là 3 gian nhà cổ Cherry, Arabica và Robusta được xây dựng theo phong cách Huế; khu ẩm thực với những món ăn đặc sắc dọc 3 miền đất nước; và đặc biệt là khu bảo tàng – nơi trưng bày bộ sưu tập cồng chiêng Tây Nguyên và tái hiện câu chuyện về cà phê từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Khó có thể tìm thấy ở đâu trên vùng đất Ban Mê này một không gian thơ mộng, tươi mát và đa dạng sắc màu như tại ngôi làng cà phê trứ danh này, từ màu xanh bạt ngàn của những bãi cỏ, sắc đỏ rực của hoa pơ-lăng, những dòng sông lững lờ, bình yên bên những núi đá sừng sững, cho đến những bức tượng gỗ nâu trầm được chạm khắc tinh xảo mang hình ảnh người phụ nữ tượng trưng cho chế độ Mẫu hệ của người dân tộc nơi đây.

Cũng chính ở khu bảo tàng này, tôi có dịp bắt gặp những chiếc cối dùng để giã cà phê cổ nhất ở Ethiopia, những chiếc ấm đựng cà phê bằng đồng, bằng bạc sản xuất từ năm 1700, túi da dê ủ ấm cà phê cùng những chiếc máy pha cà phê được chế tạo từ nhiều thời kỳ khác nhau… “Tuyệt vời!”, không chỉ riêng tôi, mà còn rất nhiều người trong đoàn thật sự bị hớp hồn để buột miệng thốt lên như vậy khi chiêm ngưỡng những bộ ấm chén đặc trưng được dùng để pha cà phê từ những quốc gia xa xôi như Ả Rập, Ấn Độ, Anh, Đức…

Được biết, trên 11 nghìn hiện vật tại bảo tàng cà phê này trước vốn thuộc bảo tàng cà phê lớn nhất nước Đức mà chủ sở hữu đã phải lựa chọn từ rất nhiều người trên khắp thế giới để cuối cùng đã trao quyền sở hữu cho “vua cà phê Việt” – Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trong khi chờ cơn mưa rào đầu hạ thưa hạt, tôi cuộc nói chuyện ngắn rất thú vị với con gái Ban Mê về những nét đặc sắc rất ngày thường của con người và cuộc sống ở đây, về ẩm thực của vùng đất cà phê này, hay như cách chọn mua đặc sản của Buôn Ma Thuột như bơ, sầu riêng… Con gái Ban Mê thân thiện, sôi nổi và hào sảng.

Nhưng, cũng chính bởi lẽ này, tôi bắt đoàn khi Hành trình khám phá cà phê của 5 quốc gia trên thế giới đã đi tới Nhật. Để bù đắp cho mình chút tiếc nuối, tôi cố giành cho được một suất vé thưởng thức vị cà phê Nhật. Về cơ bản, tôi hẳn không là một tín đồ cà phê thứ thiệt, nhưng phải thú nhận, tôi rất thích cái vị cà phê của đất nước xứ phù Tang này.

Cái chất lỏng sậm màu cánh gián sóng sánh, ngòn ngọt và chua nhẹ, thêm vào đó, một điểm rất đặc biệt của cà phê của Nhật là bạn có thể cảm nhận được cái thơm mát lan tỏa trong vòm miệng rất dễ chịu. Tạm biệt nước Nhật, chúng tôi trở về với quê hương mình, để thưởng thức một ly cà phê Việt truyền thống.

Mấy cô chú trong đoàn vừa nhâm nhi cái vị cà phê rất.. Việt vừa nửa đùa nửa thật với nhau, rằng suy cho cùng, cà phê Việt Nam vẫn là ngon nhất. Là bởi lòng tự hào dân tộc mãnh liệt, hay đơn giản một sự thật, cà phê Việt… ngon nhất?! Tôi nghĩ, ấy là cả hai.

“Rất độc đáo, rất độc đáo các con ơi!”

Trước khi nói lời chia tay với cái nắng, cái gió và nỗi nhớ không mang tên của đất Ban Mê, chúng tôi ghé thăm Bảo Tàng Đắc Lắk – bảo tàng lớn nhất ở Tây Nguyên với khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, xây dựng hai tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên và được tổ chức thành ba không gian trưng bày chính gồm: đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử. Đặc biệt, bên cạnh 3 ngôn ngữ Việt, Pháp và Anh, Bảo tàng Đắc Lắc còn là một trong những bảo tàng đi tiên phong trong việc sử dụng tiếng Ê Đê trong việc, trưng bày, thuyết minh và gọi tên các hiện vật.

Tại đây, chúng tôi xem lại những thước phim tài liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Đắc Lắc, được tái hiện sinh động qua mô hình thành phố thu nhỏ, khiến mỗi người chúng tôi như sống lại những năm tháng hào hùng, cảm nhận một niềm thiêng liêng dâng lên trong tim mình. Tôi đi dọc hành lang tầng 2 của Bảo tàng, ngắm nhìn những tranh ảnh, hiện vật về cuộc sống văn hóa của người dân tộc, chợt bắt gặp một người nghệ sỹ già đang chăm chú bên những nhạc cụ truyền thống của tộc Ê Đê.

Ông tự hào nói với chúng tôi bằng cái giọng Kinh khàn khàn, rằng ông là người Êđê gốc, nói rồi ông lại cầm cây khèn thổi cho chúng tôi nghe thêm một điệu rất mượt. Nhìn ông, tôi chợt nhớ lại cô bé Ê Đê với ánh mắt biết cười làm say lòng mấy anh trai trong đoàn tại làng cà phê ngày hôm qua. Lại bỗng dưng dấy lên một tình cảm nồng ấm và gần gũi với những con người thuần phác và đáng yêu này đến lạ. Trước khi chia tay, ông có vẻ bùi ngùi, cứ vuốt ve mãi cây khèn của mình, nhìn chúng tôi lưu luyến, nhắc đi nhắc lại lời một bạn trẻ khi tán dương điệu nhạc được thưởng thức qua tài năng của ông, “Rất độc đáo… rất độc đáo các con ơi.”

Xe tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi trên con đường trở về với phồn hoa của đất Sài Gòn, vẫn vang trong không trung tiếng hát của mọi người trong đoàn lời nhạc của chàng cao bồi giữa Thủ Đô – Nguyễn Cường

“Em cao nguyên cỏ dại
Em cao nguyên huyền thoại
Một cao nguyên trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi…”

Tôi có nói với người nghệ sỹ già ấy một lời hẹn gặp lại, một lời hẹn gặp lại đơn thuần, vì tôi thực sự cảm mến con người ông, cũng như cảm mến mảnh đất Ban Mê dữ dội mà quyến rũ này. Dòng đời nhiều đổi thay, có thể khi tôi trở lại, Ban Mê mà tôi từng biết hẳn sẽ nhiều thay đổi, cũng như người nghệ sỹ già mà tôi quý trọng sẽ không còn mãi ở chốn này, nhưng tôi sẽ trở lại, tôi biết, nhất định thế!

NISAVA TRAVEL! – Theo Phan An (Người Lao Động), bổ xung ảnh minh họa từ internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *