(BGO) – Tôi đã đến và qua xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…) nhiều lần. Lần này, cùng anh em công nhân thăm lại một vùng đất Khu V kiên trung trong lửa đạn chiến tranh và kiêu hãnh đi từng bước vững chắc trong công cuộc đổi mới, riêng Đà Nẵng đang xây dựng trở thành “thành phố đáng sống”. Lại một dịp kiểm nghiệm những gì sách báo cùng bạn bè, đồng nghiệp và cả những bạn đồng hành hôm nay hiểu thêm về cuộc sống trên vùng đất này.
Tour du lịch Đà Nẵng- Quảng Nam ba ngày bằng máy bay không biết đã đủ với những người ưa khám phá hay chưa nhưng với ai còn đi làm có hai ngày cuối tuần nghỉ thêm ngày nữa là đủ. Đón khách từ sân bay qua các dãy phố, cây cầu huyền thoại về khách sạn ven biển nghỉ đêm, lần đầu đi máy bay và bắt đầu nghe biển xứ Quảng hát khiến những người công nhân tất bật bên máy móc nay thực sự phấn chấn, thư giãn.
Thành phố biển bình minh đến sớm, mọi người ùa xuống biển lúc chưa đầy năm giờ sáng. Làn nước mát vỗ về, lan tỏa mơn man khắp cơ thể khiến mọi người quên đi mệt nhọc. Đùa giỡn với sóng nước, chung không khí luyện tập đủ các môn phái với những người cao tuổi, thậm chí cả nam thanh nữ tú dọc bãi biển làm như cả bãi biển rộng lớn này là một khu nghỉ dưỡng tuyệt vời. Còn đâu ranh giới giữa bãi biển Tiên Sa, Mỹ Khê, Mỹ An hay Non Nước… tít tắp tới năm chục cây số. Có chăng nhìn sang bên kia con đường biển dài nhất nước mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ những công trình đồ sộ mới mọc lên mọi người mới có thể nhận ra vị trí cụ thể từng phố, mỗi bãi biển xanh ngăn ngắt cây lá của thành phố lớn thứ tư cả nước trong thanh bình, điềm tĩnh mà phát triển mạnh mẽ.
Ngày đi, đêm nghỉ là thói quen du lịch. Trong nắng gắt miền Trung, bắt đầu chuyến khám phá Cù lao Chàm, sau ít phút đi ca nô ra đảo, mọi người kéo nhau ra biển tắm ngắm san hô. Giữa trưa nắng nóng là vậy, khi chả có ai dại mà vùng vẫy ngoài biển Bắc, ngược lại ở đây ai cũng háo hức chuẩn bị phao bơi, kính lặn ra đảo xa. Dũng cảm và bỏ thêm ít tiền, dành vài phút dự lớp tập huấn kỹ thuật, sẽ có thợ lặn cùng bảo hiểm bằng bình khí thở là ta bắt đầu khám phá đáy biển san hô thỏa thích như ngắm cá trong bể kính viện hải dương. Còn đa số khoác áo phao úp mặt xuống biển, mỗi người vẫn có thể thấy dưới làn nước trong vắt màu ngọc bích là những làn san hô đủ sắc màu, những con cá luồn lách vẫy vùng dưới đáy biển.
Tận dụng một ngày trên Cù lao, du khách đến với nghĩa trang cá Ông Voi với hàng trăm ngôi mộ có bia ghi dấu. Rồi thăm ngôi chùa cổ, giếng Chăm đầy huyền thoại về tộc người Chăm đến đây sinh sống bẩy trăm năm trước, họ đào giếng này giữa cù lao mà nước ngọt lịm, giờ là nguồn duy nhất nuôi sống gần ba nghìn người trên đảo.
Qua một vòng từ sân bay dã chiến, âu thuyền đến đồn biên phòng, nơi trồng trọt, đan võng ngô đồng đến chế biến hải sản, yến sào… ở đâu cũng ghi dấu sự tảo tần, sáng tạo của ngư dân trên cù lao nghèo khó này. Một vùng sinh quyển được gìn giữ đến mức “nói không với túi nilon” chắc mới chỉ có ở Cù Lao Chàm.
Từ đảo về Hội An phố không chỉ là khoảng cách đường và biển mà là sự giao thoa văn hóa xứ Quảng với văn hóa Á, Âu. Đêm mưa phố Hội càng làm tăng thêm ấn tượng về sự cổ kính, điềm mặc, giản dị mà cao sang.
Đèn lồng xanh đỏ, điện sáng lung linh dưới tán cây đọng nước huyền ảo càng hấp dẫn khách thăm tới “chín người tây một người ta” trên phố cổ Hội An đêm nay. Dấu ấn tình cảm đôn hậu, chân thành, dung dị của người phố cổ tứ xứ hội cư; dấu ấn kiến trúc, từ chùa Cầu đến tòa Phúc Kiến, từ những mái nhà, con phố sẽ trở thành kỷ niệm khó quên trong mỗi người.
xứ Quảng, vùng đất Khu V, kiên trung, chiến tranh
Nếu có dịp tìm hiểu sẽ thấy sự hy sinh cao cả của người dân đất này nhằm tôn vinh truyền thống anh hùng. Những kỷ niệm về tấm gương oanh liệt chị Trần Thị Lý, anh Nguyễn Văn Trỗi hay nhà báo, nhà văn, Anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong, quê bên Duy Xuyên nhưng giặc Mỹ hành quyết trên phố Hội nhằm đè bẹp ý chí quân dân đánh giặc- đó là những minh chứng cao đẹp của tinh thần dân tộc.
Xứ Quảng nói chung, Đà Nẵng nói riêng chưa đến Bà Nà, chưa đến bán đảo Sơn Trà là sự thiệt thòi cho du khách. Theo đoàn người nườm nượp kéo lên đỉnh núi như có ma lực. Tâm linh có ngôi chùa Linh Ứng, có nhà thờ Đức Bà. Cả vùng đất rộng lớn trên độ cao hơn ba nghìn rưỡi mét ấy có vườn hoa tình yêu, hầm rượu vang khổng lồ đến khu vui chơi dành cho mọi lứa tuổi trong khí hậu ngày bốn mùa thì quả là tuyệt vời.
Người ta khéo bày vẽ đường lên núi có những khúc quanh dừng nghỉ và khám phá nên cả đi cáp treo, đi tàu điện kết hợp với đi bộ, chui hầm làm con người ta càng phấn khích thưởng ngoạn. Đủ các loại lan, hồng tú cầu khoe sắc.
Thăm thú mọi nơi, đến lúc phải nhấm nháp ly rượu vang đặc biệt khui từ hầm rượu quý, chút thịt đà điểu nướng và những món ăn đặc sản từ nhiều vùng hội tụ do người nước ngoài phục vụ. Đến đây khách như ngỡ ngàng bởi được tận mắt thấy cảnh người nước ngoài làm thuê, kiếm ăn cho chủ nhân Việt mới đông đúc làm sao.
Chà, sự hiểu biết và nhu cầu khám phá của con người là vô hạn thật. Xứ Quảng đã làm lay động lòng người từ xa xưa đến văn nghệ khu V chống Mỹ, và hôm nay trong kinh tế, văn hóa và du lịch.
Người xứ Quảng xưa có câu “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”. Nay dưới cái nắng chói chang như “đốt cháy lòng người” lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Không chỉ đoàn công nhân chúng tôi mà dòng người về xứ Quảng không ngớt như dòng chảy ngược lên núi Bà Nà, chảy tràn ra biển Cù Lao Chàm thân thương, đáng tự hào.
Theo Lan Hương (Báo Bắc Giang)
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }