CHUYẾN ĐI THỨ NHẤT
.
LUỒN RỪNG SÂU – VỪA ĐI VỪA MỞ ĐƯỜNG
.
Năm 1998. Tôi làm việc tại Sài Gòn. Ngày đó vì công việc kinh doanh nên chúng tôi phải đi công tác liên tục. Khi đi Lào Cai để nhập khẩu hàng hóa, tôi đã leo Fanxipan lần đầu tiên và chuyến đi bắt đầu bằng một sự rủ rê tình cờ, rất thú vị khi đang lang thang ở phố núi Tây Bắc.
Trong một quán nước chè chén vỉa hè lúc sâm sẩm tối, tôi gặp một tay trông rất bụi bặm, nói giọng Miền Nam đang “bô bô” tán phét về chuyện tìm Trầm Hương với một cô gái rất dễ thương. Về chuyện tìm Trầm Hương, tôi cũng là một “gã” hơi rành vì đã từng ăn ở, chơi bời mấy năm với một số “tay chơi” vùng Ninh Hoà Nha Trang, M’Drăk Buôn Ma Thuột thuộc hàng “cao thủ” mò mẫm trong rừng …
Bởi vậy làm quen nhau khá dễ dàng. Hoá ra anh bạn này tên Đức, phóng viên của báo TT. “Hắn” đang đi “chơi” vùng biên ải để viết loạt phóng sự về Tây Bắc. “hắn” thổ lộ đang muốn leo Fanxipan cùng cô bạn phóng viên của Tạp chí TGM…
Sau khi uống vài chén rượu ngô Bắc Hà, câu chuyện rôm rả hẳn lên do nói chuyện khá hợp gu, Đức thổ lộ muốn leo đỉnh Fanxipan, ngặt nỗi chưa tìm được người dẫn đường. Tôi nảy ra ý định cùng Đức leo Fanxipan. Quyết định đến nhanh và thực hiện chuyến đi cũng khá nhanh. Chẳng chuẩn bị gì, chúng tôi có mặt tại Sa Pa trưa hôm sau. Cùng thuê khách sạn để nghỉ lại qua đêm, qua lời giới thiệu của ông chủ KS, chúng tôi gặp anh Trung, một người đàn ông trung niên làm nghề địa chất tại Yên Bái nói tiếng Pháp rất giỏi. Trung leo lên Fanxipan từ những năm 1985. Chúng tôi đặt vấn đề nhờ anh làm guide và tổ chức cho chuyến đi, Trung đồng ý với điều kiện không cho cô phóng viên tạp chí TGM tham gia vì lý do không thể đủ sức khoẻ…
Phải thuyết phục, phải chứng minh mãi bằng cách leo Hàm Rồng 3 vòng trong có 2h đồng hồ, Hương mới được tham gia chuyến đi này. Đồ dùng cá nhân của tôi rất sơ sài (tại chưa có kinh nghiệm leo núi bao giờ)… quần áo chống rét, đôi giày batket, mũ biên phòng… Nhưng hai người bạn đường xem ra cực kỳ kỹ càng. Ngoài 2 cái áo khoác cực dày vì lúc đó đang là mùa đông, trên đỉnh Fanxipan thường có bắng giá xuống tới âm độ, các bạn ấy còn mang theo:
– Túi ngủ đôi – Giầy bộ đội – Tất cao cổ – Dây nilon loại to dài 20m – Găng tay BHLĐ – Dao nhíp đi rừng – Bật lửa – Thuốc lọc nước – Bánh bích quy – Bông băng và thuốc cảm cúm. Mảnh nilon che mưa…
Sự chuẩn bị phải nói là kỹ càng cho 1 chuyến đi 5 ngày. Tôi nhờ anh Trung tìm mua hộ cái túi ngủ nhưng ở Sa Pa lúc đó rất khó kiếm đồ dung cho dân leo núi, vì không có nên cuối cùng phải mượn lại của ông chủ KS. Chúng tôi có 1 Porter, cả đoàn là 5 mạng….
Buổi sáng tinh sương, lạnh giá. Sa Pa mù mịt mây, trên con dốc dẫn xuống bản Cat Cat, 5 người balo trên vai, lầm lũi bắt đầu hành trình leo Fanxipan theo đường Cat Cat – Sín Chải lúc 7h sáng ngày 25.11.1998.
Theo anh bạn guide giới thiệu, cung đường từ bản Cát Cát lên đỉnh Fanxipan dài cỡ 17km vòng vèo từ độ cao 1470m để lên tới đỉnh 3143m. Suốt chiều dài con đường này leo qua tới 11 – 16 sườn và đỉnh núi, qua các khu rừng từ rừng thảo quả, rừng sa mộc cho đến rừng tre, rừng trúc, rừng cây bán ôn đới “tạp pí lù” và rừng tùng cổ thụ rồi lại rừng sậy … Thảm thực vật nhiệt đới cực kỳ phong phú. Cái mà chúng tôi cần phải đề phòng nhất trong chuyến đi này là đề phòng lạc đội ngũ, thứ 2 là đi qua rừng thảo quả phải đề phòng vắt! Nghe đến cái “anh” vắt, cô phóng viên TGM sợ xanh mặt, túm chặt tay tôi hỏi có cách nào để nó không …cắn?!
Con đường mòn dẫn từ bản Cat Cat lên tới con suối to trước cửa khu rừng thảo quả đã mất hút sau làn sương mờ. Lúc này đường mòn đã hẹp lại và cây cối bắt đầu rậm rạp. Không khí lạnh và ẩm ướt. Thỉnh thoảng cả khu rừng chìm ngập trong sương mù, người đi sau không còn nhìn thấy người đi trước. Cứ đi trong mây như thế … Chú porter tay dao tay gậy vừa cắm cúi “thồ” hàng vừa ra sức phát cây mở đường. Buổi trưa, chúng tôi nặng nhọc lê bước lên tới độ cao 1700, cả nhóm ngồi phịch xuống gốc cây thở dốc …
Bữa ăn trưa với bánh mỳ và giò, trứng rán và dưa leo. Sau khi ăn trưa, 2 chú porter còn mang cho mỗi anh em 1 ly café Netle bốc khói. Anh Trung yêu cầu chúng tôi phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để lấy năng lượng cho cung đường buổi chiều.
Suốt cả buổi chiều, chúng tôi vừa đi vừa phát những cành cây um tùm lòa xòa. Chui sâu trong những cánh rừng gỗ tạp chen lẫn tre trúc. Hết leo qua những khúc suối lởm chởm đá tai mèo, lại leo dốc hoặc bám chặt theo rễ cây để lên tới độ cao 2300m thì trời cũng đã bắt đầu sâm sẩm tối. Cả bọn hạ trại.
Bữa ăn tối với đủ các món xào, kho, canh với thịt heo, thịt bò và rau xanh Sapa. Chúng tôi đốt một đống lửa và quay quần xung quanh ngồi uống trà trong cái đêm tĩnh mịch, lạnh buốt giá và tối mịt mờ. Không gian im ắng, thi thoảng nghe tiếng sột soạt lá của thú hoang đi ăn đêm và tiếng những giọt sương tí tách rơi trên tán lá rậm rạp của khu rừng nguyên sinh…
Ngày thứ 2 thì chúng tôi bắt đầu leo ngang ngang trên độ cao 2300m – 2400m qua những sườn núi xanh rì của dãy Hoàng Liên. Không khí lạnh giá bắt đầu tan vì ánh nắng mặt trời đã xuyên qua được những tán rừng rậm rạp. Mặc dù vậy, nhưng vì leo núi đổ mồ hôi nhiều nên chúng tôi tốn khá nhiều nước uống mang theo. Đi qua một con suối trong vắt, Trung bảo chúng tôi lấy nước rồi cho vào mỗi chai một viên thuốc lọc, thứ đồ uống này đã được khử trùng và có màu tim tím, không mùi vị khá dễ uống. Đến chiều tối thì chúng tôi đặt chân lên tới độ cao 2700m và là một khu rừng tùng cổ thụ với muôn ngàn những gốc cây rêu xanh rì, rậm rạp với tán lá đủ mọi hình thù. Ở độ cao này chỉ có 2 loài cây sống rất mạnh mẽ. đó là Đỗ Quyên và Tùng cổ thụ. Mùa hoa Đỗ Quyên nở là tiết tháng 3, bông hoa nở to bằng miệng chén với đủ màu sắc, đỏ, vàng, trắng …
Sẩm tối, chúng tôi hạ trại ở độ cao 2760m. Trời xầm xì, mây mù mịt mờ nhìn không rõ nhau mặc dù khoảng cách có khi chỉ 3m.Trung bảo chúng tôi chặt mấy cành cây che lên mái lều, căng nilon đề phòng mưa. Nhóm porter nhanh chóng nổi lửa nấu cơm. Cả bọn chui vào lều dùng bữa tối. Khoảng 19h thì mưa. Cả khu rừng ầm ào tiếng mưa như trút trên tán cây. Căn lều nặng trĩu vì nước mưa đọng, nhưng do Trung đã cảnh báo trước nên chúng tôi đã chuẩn bị mỗi người một mảnh nilon rộng 3 m2 đủ che để khỏi ướt lều và túi ngủ. Bạn thử tưởng tượng là bạn nằm cuộn tròn trong lớp túi ngủ ấm áp khô ráo, bên trong căn lều bạt và nghe tiếng mưa rào rào trên tán lá, tiếng sấm nổ ì ùng và tiếng vặn mình kèn kẹt, răng rắc của cây rừng. Quả thực là rất thú vị …
Sáng hôm sau, trời trong xanh. Xanh ngắt. Mây trắng đùn lên cuồn cuộn dưới chân núi. Mặt trời ấm áp tỏa thứ nắng vàng ươm rải đều trên dãy Fanxipan xanh rì. Đẹp quá. Cả bọn thốt lên. Chúng tôi lên đường chinh phục nốt độ cao hơn 700m còn lại. Nhưng chỉ có hơn 700m mà chúng tôi cũng mất nguyên một ngày. Buổi sáng chúng tôi đi xuyên qua 3 sườn núi với toàn là rừng nguyên sinh cổ thụ. Rêu phong dày cả gang tay. Buổi chiều chúng tôi bắt đầu tới chân của núi Fanxipan. Thật kỳ lạ khi ở độ cao này lại không hề có cây cổ thụ mà chỉ toàn là cỏ tranh và lau sậy với mặt đất khá bằng phẳng. Trung chỉ tay lên đỉnh núi mờ ảo phía trước với rừng trúc bao phủ: Kia là đỉnh Fanxipan. Cảm giác lúc đó thật xốn xang. Chúng tôi chỉ còn cách nóc nhà của Đông Dương có mấy chục mét độ cao nữa. Vậy mà mãi đến hơn 17h chúng tôi mới lên tới đỉnh Fanxipan trong bầu không khí lạnh giá, khô khốc, bầu trời xanh ngăn ngắt, trăng giữa tháng tròn vành vạnh đã lên tới lưng chừng, dưới chân là biển mây trắng cuồn cuộn bị những ngọn núi nhấp nhô xanh rì chọc thủng ….
Lên đến đỉnh Fanxipan, mấy anh em ôm chầm lấy nhau la hét, vui sướng. nhẩy cẫng lên như những đứa trẻ con… Thật là hạnh phúc khi vượt qua được tất cả những khổ ải, vất vả, khó khăn trong 3 ngày chui luồn trong rừng sâu của đại ngàn dãy Hoàng Liên Sơn cao vợi …
Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) – Phần 1
Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) – Phần 2
Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) – Phần 3
NISAVA TRAVEL! – Theo blog HoangbQuang