(YBO) – Đây cũng được coi là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai cho những ai yêu thích thiên nhiên, ưa thích sự mạo hiểm và muốn tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở xã Nà Hẩu.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu của huyện Văn Yên được biết đến là nơi lưu giữ được một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng.

Từ trung tâm thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên qua cầu Mậu A bắc qua sông Hồng theo tuyến đường từ xã An Thịnh đi xã Đại Sơn khoảng 30 km về hướng Tây Nam, vượt qua dốc Ba Khuy vắt ngang sườn núi, du khách sẽ đến xã Nà Hẩu – một xã có 100% đồng bào Mông sinh sống.

Nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc địa phận 4 xã: Đại Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng rộng trên 16  nghìn héc – ta và xã Nà Hẩu có địa hình như một lòng chảo tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp. Rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu vẫn còn lưu giữ được hệ sinh thái đa dạng sinh học với hàng trăm loài thực vật và động vật quý hiếm.

Tới Nà Hẩu, mọi ồn ào của phố xá như được trút bỏ sau lưng. Vẻ đẹp của những cánh rừng già thâm nghiêm, mang tới sự hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách. Những tán rừng nguyên sinh mang lại cho Khu Bảo tồn một bầu không khí thật trong lành, tinh khiết và đưa con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết.

Nằm ở độ cao trung bình từ 600 – 700 m so với mực nước biển, nơi cao nhất 1.800 m, nơi thấp nhất 200 m nên địa hình của Nà Hẩu bị chia cắt mạnh, tạo thành rất nhiều khe suối và có nhiều hang động, thác nước đẹp như thác Bản Tát, thác Suối Tiên, hang Dơi…

Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, thác Suối Tiên ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh của thôn 2 (Khe Tát). Trên hành trình đến thác, du khách  phải vượt qua những tảng đá lớn và rừng cây cổ thụ. Thác Suối Tiên khá dài và có 3 tầng, mỗi tầng cũng có độ cao tương đối lớn. Nguồn nước trong xanh, mát lạnh từ trên đỉnh núi dội xuống, tung bọt trắng xóa quanh năm.
NISAVA
Những ngày hè, thác Suối Tiên luôn thu hút rất đông khách du lịch đến đây để được đắm mình trong dòng nước mát lạnh, trong veo và cảm nhận những giai điệu du dương được cất lên từ tiếng thác đổ, gió núi và tiếng hót của muôn loài chim trong một không gian thật thanh bình.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, Nà Hẩu còn là nơi hội tụ sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông.

Đến Nà Hẩu, du khách sẽ được hòa mình trong lễ hội Tết rừng, múa khèn, múa gậy tiền của đồng bào Mông; được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những người Mông bình dị và mến khách.

Một trong những đặc sản nổi tiếng trong ẩm thực của Nà Hẩu là món thịt lợn “cắp nách”. Đây là giống lợn được lai giữa lợn rừng và lợn thuần địa phương và người Mông nuôi khá đơn giản. Ngoài 2 bữa chính chủ yếu là ngô, sắn và rau, những chú lợn này phải tự đi kiếm thức ăn là lá cây, rễ cây, củ, quả trên rừng nên mình chúng săn chắc, thịt thơm ngon. Một con lợn cắp nách trưởng thành cũng chỉ nặng hơn chục cân.

Khi chế biến, lợn được làm sạch, tẩm ướp các loại gia vị hái từ rừng rồi nướng nguyên cả con, hoặc luộc rồi thái cả xương. Món thịt lợn này mà nhâm nhi với rượu ngô Nà Hẩu sẽ khiến cho du khách khó mà quên được hương vị đặc trưng của núi rừng.
NISAVA
Một đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác của Nà Hẩu mà bất cứ du khách nào đến nơi đây đều không thể bỏ qua, đó là món thịt gà đen của địa phương. Gà đen Nà Hẩu là giống gà quý hiếm, có da, thịt và xương màu đen.

Các món ăn làm từ giống gà này dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi chất lượng thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại thịt gà nào. Các món làm từ gà đen Nà Hẩu như: luộc, canh gừng, rang gừng, nướng than, nướng ống vầu, nấu măng chua… sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Món ăn phổ biến và đặc trưng nhất của người Mông ở Nà  Hẩu còn phải kể đến món mèn mén. Để chế biến món này, chỉ sử dụng được duy nhất giống ngô địa phương truyền thống rất dẻo và thơm. Ngô được đem tách hạt, xay nhỏ bằng cối đá và sàng lấy bột mịn.

Sau đó, trộn bột với một lượng nước vừa đủ để bột không quá khô, không quá nhão rồi mang đồ xôi 2 lần. Lần đầu, đồ cho bột ngô nở tơi ra, để nguội lên men rồi lại trộn với nước cho bông tơi rồi đem đồ lần 2 cho đến khi dậy mùi thơm. Mèn mén chín dẻo, tơi, vị bùi, ngòn ngọt rất dễ ăn.

Với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có đầy đủ các yếu tố thuận lợi, phù hợp phát triển các loại hình du lịch hiện nay như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng… Tuy nhiên, đến nay, Nà Hẩu vẫn như “nàng tiên ngủ trong rừng” đang chờ được đánh thức.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Văn Yên đến năm 2020 và Đề án Phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2016 – 2020, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã được huyện quy hoạch là một điểm du lịch có tiềm năng lớn. Thời gian qua, huyện cũng đã có những chủ trương bước đầu trong việc đầu tư và tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại xã Nà Hẩu.

Đồng chí Vũ Quang Hải – Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện nay, đường giao thông đi vào các điểm du lịch sinh thái Nà Hẩu rất khó khăn, nguồn lực của huyện có hạn nên huyện xác định đầu tư dần dần từng bước hàng năm; tập trung thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư; đồng thời, chỉ đạo các ngành, các địa phương bảo vệ nghiêm ngặt chất lượng rừng nguyên sinh, bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm và hệ sinh thái rừng; xây dựng Khu Du lịch cộng đồng Bản Tát gắn với hai thác nước còn nguyên sơ, khai thác văn hóa ẩm thực độc đáo, văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú của đồng bào Mông để thu hút du khách.

Trong khi chờ đợi các chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư, khai thác phát triển du lịch Nà Hẩu, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã có sự đổi mới về nhận thức về phát triển du lịch của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.
NISAVA
Cùng với việc vận động nhân dân mở đường, tạo thuận lợi cho du khách có thể đi xe máy đến các điểm thác nước, hang động, cấp ủy, chính quyền xã Nà Hẩu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo vệ rừng; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, ra mắt Làng du lịch cộng đồng Bản Tát, gắn với nuôi trồng, chế biến với một số đặc sản của địa phương như các loại bánh truyền thống, rau rừng, cá suối, gà đen, lợn địa phương để thu hút du khách; cử cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên hướng dẫn đến các điểm du lịch khi các đoàn khách có yêu cầu.

Cùng với chính quyền, đồng bào Mông ở Nà Hẩu đã tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương, tham gia xây dựng làng du lịch cộng đồng, từng bước tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách để nâng cao thu nhập. Điển hình như hộ gia đình anh  Tráng A Nhà ở thôn Khe Cạn đã mạnh dạn đầu tư trên 900 triệu đồng làm ngôi nhà gỗ khang trang, rộng rãi, trong đó 6 phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi; có công trình vệ sinh khép kín, có cửa hàng bán đồ lưu niệm để phục vụ du khách tới lưu trú, tham quan Nà Hẩu.

Với những tiềm năng thiên nhiên, vốn văn hóa tộc người đặc sắc, tin rằng, trong một thời gian không xa, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Nà Hẩu sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo Hồng Vân (Báo Yên Bái)
NISAVA TRAVEL!

Nà Hẩu – Yên Bái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *