(TBV) – “Mời anh về Đà Bắc, thăm chiến khu Tu Lý, Mường Chiềng/ Anh chớ ngại đường xa, về quê em thiết tha tình người”, câu hát ấy đã đưa đẩy tôi về với mảnh đất Mường Chiềng.
< Một góc thung lũng Mường Chiềng.
Sau hơn 4 giờ vượt qua những con đèo quanh co, những lưng núi đẹp như vẽ, tôi có mặt ở mảnh đất từng là “thủ phủ” của người Tày huyện Đà Bắc (Hòa Bình)…
Người Tày mà không phải… người Tày
Điều ngạc nhiên cho tôi là trang phục người Tày ở Đà Bắc nói riêng, Mường Chiềng nói chung quá giống người Thái đen, đặc biệt là phụ nữ.
Đó cũng là áo ngắn, gấu áo dài ngang thắt lưng, từ cổ áo xuống đến cạp váy có đính hai hàng khuy bạc hình đôi bướm hặc hình đôi ve sầu (một con cái, một con đực). Ở đầu con bướm cái có một lỗ tròn nhỏ để khi cài áo thì móc vào đầu con bướm đực, giữ cho áo kín ngực. Áo ngắn thường bố trí khuy lẻ đôi như 5 đôi, 7 đôi, 9 đôi. Váy người Tày Mường Chiềng cũng giống người Thái có 2 loại: váy cạp thêu và váy cạp hoa chim. Khăn đội đầu cũng giống từ tên gọi – khăn piêu, cho đến các hoa văn họa tiết trang trí. Khăn thắt lưng cũng khi thắt gập lại thành nhiều lớp, buộc búi về hông phải, hai đầu khăn thả xuôi xuống và hơi so le nhau.
< Đoàn công tác tại Hiệp hội Làng nghề Việt nam chụp ảnh lưu niệm với đội văn nghệ xóm Chum Nưa, xã Mường Chiềng.
NISAVA
Bà Xa Thị Mai, một lương y có tiếng ở Mường Chiềng, khẳng định: “Trang phục người Tày ở Đà Bắc rất giống trang phục người Thái. Chỉ có một đôi chút rất nhỏ khác biệt như xẻ ngực, cổ áo tròn. Không chỉ trang phục đâu, người Tày ở quê mình còn múa xòe, múa sạp và hát giống y người Thái luôn ấy”.
Những điều tôi thấy thì rõ ràng người Tày ở Mường Chiềng khác hẳn với người Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên cả về tiếng nói, cách sinh hoạt và trang phục. Đem thắc mắc này hỏi nhạc sĩ Huy Tâm, người sáng tác bài “huyện ca” – Mời anh về Đà Bắc, một người khá am hiểu người Tày ở quê mình, ông cho biết: “Người Tày Đà Bắc có gốc là người Thái đen, di cư từ Lào sang Việt Nam khoảng thế kỷ 14, 15. Cho nên ngoài việc giống về trang phục thì trong ngôn ngữ người Tày ở Đà Bắc có đến hơn 80% là ngôn ngữ người Thái”.
NISAVA
Cũng theo ông Huy Tâm, từ Tày ở đây được biến âm theo ngôn ngữ gọi dân tộc Thái (Thài – Thày). Cho nên, dù vẫn cùng nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, song người Tày ở Đà Bắc không có liên quan về mặt dân tộc học với người Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên…
Họ vua ban
Trong các dòng họ của người Tày ở Mường Chiềng, họ Xa được xem là “quý tộc” bởi được vua ban tặng. Theo sử truyền miệng của người Tày ở Mường Chiềng, xưa khi sang Việt Nam, một nhóm người Thái đen do một quan lang là Cầm Văn Lau dẫn đầu đã vượt Pha Đin, đi qua Phù Yên để đến Mường Chiềng. Ưng cái thế đất ở đây, nhóm người này quyết định dừng chân lập nghiệp.
< Đường lên Mường Chiềng.
NISAVA
Ông Lau cử một đoàn về kinh đô để dâng biểu thần phục, xin nhà vua ra sắc phong. Do ngôn ngữ có phần “cập kênh” nên khi viên quan triều đình đón tiếp đoàn hỏi: “Người quan lang đứng đầu nhóm người tên là gì?”, thì vị trưởng đoàn lại trả lời: “Chúng tôi đến từ xa”. Thế là trong sớ dâng vua, viên quan triều đình đã đề tên vị quan lang Cầm Văn Lau thành Xa Khăm Lau. Chữ Khăm là biến âm của chữ Cầm.
Nhận sắc vua ban, người Tày ở Mường Chiềng lại tưởng nhà vua ban quốc tính – họ Xa. Thế là vị quan lang, nhiều vị phìa, tạo đổi sang họ Xa và họ Xa ra đời từ đó.
Mảnh đất giàu tiềm năng
< Phụ nữ dân tộc Tày xã Mường Chiềng giữ gìn bản sắc văn hóa qua trang phục, lời ăn tiếng nói giao tiếp hàng ngày.
NISAVA
Trong tiếng Thái, từ Mường là để chỉ một vùng đất, còn Chiềng hay phát âm là Chiêng, là nơi ở của các dòng họ quý tộc và là nơi đóng bộ máy thống trị của Mường. Có thể nói Chiềng là thủ phủ của một mường. Bởi vậy, Mường Chiềng từng là thủ phủ của người Tày ở Đà Bắc. Hiện nay, đây cũng là trung tâm của 7 xã vùng cao của huyện Đà Bắc: Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Mường Chiềng, Đồng Trum, Giáp Đắt, Tân Pheo.
Mường Chiềng nổi tiếng không hẳn vì có những thứ lâm sản quý hiếm để hút khách đồng bằng những cuộc săn tìm hương sắc lạ. Đất này cũng chưa nhuần nhuyễn trong cách làm du lịch như Bản Lác, Mộc Châu. Nhưng sức hút lại toát lên từ sự vô tư trong cuộc sống chứ không hề bài trí, sắp đặt.
Những phiên chợ vội vàng mở bên dòng sông Đà, trong veo những đôi mắt trẻ trên khung cửa voóng nhà sàn, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi mới…
NISAVA
Ngày nắng là vậy, ngày mưa đất Mường Chiềng chìm trong sương khói mịt mù như sa khơi. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa than xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ thưng nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiên.
Với ưu thế thiên nhiên, rừng, hồ, sông, suối ưu đãi nên người Tày ở Mường Chiềng rấi giỏi về nông nghiệp, săn bắt muôn thú và đánh bắt cá. Việc đưa nước về đồng ruộng vẫn được người Mường Chiềng làm theo thành ngữ mà ông cha họ đã đúc kết: mương, phai, lái, lin (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua chướng ngại vật, đặt máng). Do thuận lợi về nước nên nuôi cá ở ruộng đã sớm thành tập quán ở đây. Mùa cá được gắn với mùa lúa ở ruộng như câu tục ngữ: “Khảu nảu pa, pa nảu nặm” (Lúa ở ruộng, cá ở nước).
Không chỉ làm ruộng, Mường Chiềng còn có các nghề thủ công: dệt thổ cẩm, mây tre đan, trồng và chế biến cây thuốc. Trước đây, những nghề này vốn chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Mường Chiềng nên dường như mỗi một người đàn ông ở đây là một nghệ nhân đan lát, còn mỗi người phụ nữ là một nghệ nhân dệt. Giờ, hàng hóa từ miền xuôi lên đa dạng về chất liệu, phong phú về mẫu mã nên ít người theo nghề cha ông. Song, tinh hoa nghề và tinh hoa mỹ thuật của sản phẩm người Tày Mường Chiềng vẫn còn trong số ít những nghệ nhân gắn bó với nghề. Đây là những tri thức bản địa rất cần cho thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng của mảnh đất này.
NISAVA
Ông Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng tâm sự: “Mường Chiềng giàu tiềm năng để phát triển lắm. Ngoài các sản vật địa phương như lúa nương J02, gà ri chân nhỏ, thuốc nam quý…, sinh cảnh của Mường Chiềng cũng rất đẹp.
Ở đây có bến sông bên sông Đà ở bản Kế, có đỉnh Chiềng luôn thơm lừng và trắng đẹp mỗi mùa hoa chẩu, có những nhà sàn vẫn “nguyên bản” rất đẹp, lại kề cận hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Canh (Hòa Bình) và Xuân Sơn (Phú Thọ)…”.
Mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được đánh thức. Không hẳn vì người Mường Chiềng không nhanh nhạy bởi nếu không thế thì Mường Chiềng không thể là khu trung tâm cho các xã vùng cao Đà Bắc được. Đêm đêm, trục đường chính qua xã luôn sáng đèn hai bên đường đến 11, 12 giờ khuya. Các hàng quán luôn tấp nập người vào ra. Cái khó ngăn Mường Chiềng vươn mạnh là đường xá. Tỉnh lộ 433 đi từ TP. Hòa Bình, qua thị trấn Đà Bắc lên Mường Chiềng đèo dốc quanh co đã đành, lại khá xấu nên nản lòng nhiều du khách, nhiều nhà đầu tư.
Hãy tạo cho Mường Chiềng một cơ hội để cất cánh, để mảnh đất này lạ mà hóa quen.
Theo Đặng Huy (Thời Báo Việt)
NISAVA TRAVEL!